Tips & Advice Outward Mindset: Lối tư duy khiến cuộc sống dễ dàng hơn 400%
Như một quy luật của tự nhiên, những hành động chúng ta thực hiện sẽ dẫn đến kết quả tương ứng. Vì vậy, nhiều người thường cho rằng nếu thay đổi hành vi theo chiều hướng tốt hơn, thành quả cho ra cũng từ đó mà có những sự khác biệt tích cực. Nhưng thật ra, theo nghiên cứu từ Arbinger Institute, còn một yếu tố rất quan trọng luôn “lặng thầm” tác động đến hành động của mỗi con người và rằng nếu cố gắng cải thiện nó thì kết quả cho ra sẽ được nâng cấp lên gấp 400%. Nhân tố sáng giá đó thường được gọi là “tư duy”.
Vậy bản chất của tư duy là gì?
Bốn tiếng “phương pháp tư tuy” phải chăng luôn phức tạp như chúng ta nghĩ? (Ảnh: Pexels.com)
Để giải thích ngắn gọn nhất, tư duy (mindset) chính là cách con người nhìn nhận, đánh giá về cộng đồng, môi trường và thế giới xung quanh. Những vấn đề, thử thách, sự bất công, lỗi lầm,... đều được lăng kính tư duy của chúng ta dò xét, phân tích và đưa ra những kết luận.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sở hữu những đặc điểm tư duy đồng nhất bởi tác động từ lối sống, cách sinh hoạt, môi trường học tập và lớn lên. Cùng một vấn đề nhưng với nhận định chủ quan khác nhau, kết luận cho ra có thể không có điểm tương đồng.
Thế nhưng, nói như vậy không có nghĩa rằng tư duy là “bất di bất dịch”, mà hoàn toàn có thể tùy chỉnh theo ý muốn nếu chúng ta thực sự cố gắng.
Tư duy Inward và Outward có điểm gì khác nhau?
Inward và Outward Mindset (Ảnh: Arbinger Institute)
Nhắc đến các kiểu tư duy, theo Arbinger Institute, thế giới tồn tại song song hai dạng là tư duy Inward và Outward.
Đúng như cái tên của nó, “Inward” mang hàm nghĩa hướng về bên trong, về bản chất và những giá trị của mỗi cá nhân. Điều này thường dẫn đến xu hướng con người tập trung vào bản thân họ, đặt ý kiến của mình lên hàng đầu và chăm chăm vào các quyền lợi, vấn đề hay trách nhiệm của chỉ riêng họ.
Đồng thời, cách suy nghĩ điển hình của những người thuộc kiểu tư duy này là cố gắng thuyết phục bản thân tin vào những gì họ cho là “sự thật”, là “lẽ phải”, mặc kệ các quan điểm và lời khuyên từ người khác.
Có thể nói Inward Mindset không phải lúc nào cũng chỉ mang lại những kết quả tiêu cực, nhưng phần lớn thời gian chúng sẽ gây ra tình trạng gọi là cố chấp, “tự che mắt” chính mình bằng cách phớt lờ những lỗ hổng của bản thân.
Tư duy Outward, cùng lúc đó, được Arbinger Institute mô tả theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Những người sở hữu dạng tư duy này đánh giá tình hình dựa trên đích đến chung của tổng thể, tìm mọi cách để cùng những đồng đội và cá nhân khác nỗ lực, đoàn kết để đạt được đích chung ấy.
Thay vì “bản thân ta làm nên tất cả”, họ còn dành thời gian quan tâm đến những lo lắng, khó khăn, vấn đề của những cá nhân xung quanh, xem đồng đội như một phần sức mạnh để đạt được những kết quả tốt nhất. “Biết mình biết ta”, hiểu bản thân và hiểu mọi người, từ đó họ thực hiện những hoạt động nhằm điều chỉnh cách làm việc và lấp đầy những khoảng trống của chính mình để hoà hợp hơn với trạng thái chung của toàn nhóm.
Mối liên hệ giữa: Tư duy, hành vi và kết quả
Đồng đội, teamwork và tương tác lẫn nhau luôn là những yếu tố hiển nhiên có mặt trong cuộc sống mỗi người. Vậy chọn kỹ năng tư duy thế nào để có thể cải thiện chất lượng công việc tốt hơn? (Ảnh: Unsplash.com)
Khi dùng những lý thuyết giải thích, mọi thứ có thể nghe thật phức tạp và xa vời, hay chỉ những nhà lãnh đạo dẫn dắt nhiều cá thể mới cần đến cách tư duy mới lạ này. Nhưng thật ra, trong cuộc sống thường nhật, từ mái ấm gia đình, đến làm việc nhóm tại trường hay nhân viên chung phòng ban ở công ty, mọi công việc muốn diễn ra trơn tru đều cần đến khả năng hợp tác và đồng thuận từ mỗi cá nhân. Vì vậy, theo Arbinger, khi con người biết hạ thấp “cái tôi” của mình xuống vài phần, đặt lợi ích chung lên trên hết, sẵn sàng lắng nghe và tìm hiểu các vấn đề của những người xung quanh, họ hoàn toàn có thể hoàn thành công việc được giao tốt gấp 400% so với bình thường.
Đặt trường hợp có bất kỳ rủi ro hay sơ suất nào xảy ra, nếu là một người Inward, việc có khả năng cao họ sẽ làm là đổ lỗi cho mọi người, “sắm vai” nạn nhân và tìm cách để bào chữa cho các lỗi lầm của mình. Trong khi đó, thay vì dành thời gian ủ rũ và tìm ra đâu là “kẻ đã phạm lỗi”, người có kỹ năng tư duy Outward sẽ nhận định vấn đề xảy ra như một bài học để đánh giá các điểm yếu của bản thân, đồng thời tìm cách sửa chữa và cải thiện chúng. Đôi khi, họ thậm chí còn có thể phát hiện ra các cơ hội tiềm năng giữa “nghịch cảnh” nhờ vào khía cạnh tích cực trong suy nghĩ và bàn tay giúp sức từ những đồng đội xung quanh.
Đặc biệt hơn cả, khi thế giới quan và tầm nhìn của con người rộng mở, chúng ta còn đang tạo ra cho bản thân cơ hội “nghĩ bên ngoài chiếc hộp” (think outside the box). Điều này đồng nghĩa với việc khả năng sáng tạo được tạo điều kiện để phát triển không giới hạn, cộng hưởng với tương tác cùng các cá nhân xung quanh càng giúp cho lối sống và suy nghĩ “thông thoáng”, dễ thu nạp thông tin và chấp nhận những thử thách hơn. Đó chính là lý do vì sao hiệu quả làm việc tăng đến 4 lần khi hoạt động dựa trên Outward Mindset.
Stevie Young đã từng chia sẻ: “Phương pháp bí mật của làm việc nhóm chính là tư duy Outward”. Vậy bây giờ hãy mang những lý thuyết này áp dụng vào các tình huống đã từng diễn ra trong cuộc sống, bạn nhận ra gì và học được gì? Tư duy không thể thay đổi trong vài giờ, dòng chảy thời gian không thể ngừng lại, nhưng tồn tại một điều mà chúng ta luôn đủ tiềm lực để thực hiện: nỗ lực rèn luyện để cải thiện kỹ năng tư duy của chính mình.