Reminiscence & Heritage Quà chợ của mẹ và hương vị tuổi thơ
Thuở ấu thơ, có lẽ ai cũng từng nhiều lần ngồi trước hiên nhà, ngóng chờ bóng dáng mẹ từ xa với đôi quang gánh trên vai hay chiếc giỏ xách lỉnh kỉnh đủ thứ đồ từ những buổi chợ phiên. Biết rằng quà chợ của mẹ sẽ không nhiều, nhưng đứa trẻ vẫn cứ mong chờ.
Đối với tôi, đó là một trong những ký ức ấm áp nhất cuộc đời. Để rồi những buổi chiều nhớ quê, man mác nhớ về những món quà vặt đơn sơ chứa đầy hương vị tuổi thơ, lại thấy lòng xao xuyến, bâng khuâng một cách lạ kỳ.
“Tôi sinh ra trong một vùng quê bình dị. Đối với những đứa trẻ con tại vùng quê như chúng tôi ngày đó, một hộp sữa tươi, ổ bánh mì thịt hoặc một que kem đã là rất quý.”
Còn kẹo bánh như sô cô la phải nói là xa xỉ. Thế nên thời đó, mỗi khi mẹ đi chợ, chúng tôi đều ở nhà không khỏi ngóng trông vì biết mẹ đi chợ về là sẽ có quà bánh. Dù cho đó chỉ là một cái bánh bao, một bịch kẹo xí muội hoa mai hay một chiếc kẹo mạch nha hình con gà, chúng tôi đều mừng húm và để dành ăn suốt cả ngày.
Hơn hai mươi năm trôi qua, cảm giác ngồi ở đầu ngõ hay bậc thềm ở cửa nhà đợi ngóng mẹ đi chợ về với tôi vẫn luôn tươi mới, không nhạt phai. Thời đó cha mẹ tôi phải buôn bán vất vả, kiếm sống qua ngày với hàng rau củ quả ngoài chợ. Mỗi ngày cha mẹ tôi đều phải dậy trước cả hừng đông. Khác với nhiều người phụ nữ khác đi chợ vào lúc trời tờ mờ sáng, mẹ tôi chỉ có thể đi chợ vào lúc chợ đã gần như tan tầm, sau khi hàng rau củ quả đã vãn bớt khách. Tuy vậy, bằng một cách thần kì nào đó, mẹ vẫn mang về cho tôi hôm thì bánh cuốn ngọt nhân đậu xanh, hôm thì bánh cam đường, hôm thì bánh chuối hấp hay gói xôi bắp. Món nào cũng có vị đường hoặc nước cốt dừa ngọt lịm. Nhưng đối với tôi, không gì ngọt bằng giọng của mẹ gọi tôi mỗi khi vừa về đến nhà. Mẹ dỡ chiếc nón lá, hỏi tôi đã bắc xong nồi cơm chưa, đưa tôi mấy thứ quà vặt và dặn dò tôi nhớ ăn ít thôi để còn dành bụng ăn cơm trưa.
“Thời đó ước mơ của mấy đứa trẻ dưới quê chúng tôi rất giản đơn, chỉ cần nghĩ tới được đi chợ huyện và mua những món đồ ăn trong đó là mắt đứa nào cũng sáng rực.”
Quê tôi là vùng nông thôn, tận trong miệt vườn nên việc đi lại không phải dễ dàng. Chỉ khi nào “mắc công chuyện” (cách nói quen thuộc của người quê tôi) thì người ta mới lên chợ chuyện, chẳng hạn đi khám bệnh, lo chuyện giấy tờ hay mua đồ cho đám tiệc.
Tôi may mắn hơn chúng vì thi thoảng được cha mẹ chở đi cho thoả thích. Còn đa phần tôi đều phải làm đứa trẻ ngoan ngoãn trông nhà và đợi mẹ về. Vào cuối tuần, cứ độ 3 giờ chiều, sau khi làm hết các việc vặt mà cha mẹ giao trước khi đi chợ, tôi và chị hai thường ngồi trước nhà để đợi cha mẹ về. Từ đằng xa, chỉ cần nhìn thấy thấp thoáng màu đen của chiếc Dream, là tôi biết cha mẹ đã về. Cảm giác háo hức, hạnh phúc tột độ ùa đến sau những giây phút ngóng trông. Tuy vậy, chị em tôi không vồn vã đòi quà ngay lập tức vì biết rằng thế nào cũng sẽ có quà, và luôn luôn đủ cho cả hai, không phải đòi hỏi hay tranh giành gì vội.
“Ký ức tuổi thơ của tôi ngập tràn hàng tá loại bánh trái. Món nào cũng ngon, món nào cũng quý. Nhưng hằn sâu trong ký ức tôi nhất là những chiếc bánh bao to bự, nóng hổi mà mẹ mang về từ chợ huyện.”
Vỏ bánh bao trắng, mềm mịn, xôm xốp, bên trong đầy ụ nhân thịt đậm đà và hai viên trứng cút thơm ngon. Bánh bao là món khoái khẩu của cả nhà, không chỉ bởi nó ngon, mà còn vì nó là một trong những món quà bánh “xa xỉ” nhất vào thời điểm đó. Những chiếc bánh bao đó chỉ được bán tại một tiệm bánh lâu đời và có tiếng trong chợ huyện, chợ quê của tôi không ai đủ tay nghề để làm ra được những chiếc bánh như thế này. Mỗi dịp được ăn bánh bao là mỗi lần cha mẹ tôi phải đi chợ huyện cách nhà hàng chục cây số. Có lẽ cái cảm giác mong chờ khiến vị bánh bao ngon hơn hẳn, hoặc có lẽ là vì tôi ăn trong lúc cả nhà đang quây quần, cha ngồi xem ti vi, mẹ ngồi kiểm kê những món hàng đã mua hôm nay, còn chị hai luôn nhường tôi một quả trứng cút vì sợ tôi ăn không đủ no.
Thỉnh thoảng khi về thăm quê, tôi hay đi ngang cái tiệm bánh bao ấy. Khói nghi ngút bốc lên từ chiếc xửng tre. Những cái bánh bao to tròn, trắng mịn nằm đầy ắp gợi lại trong tôi hình ảnh mẹ đi chợ huyện về và cả nhà quây quần. Chẳng cần thưởng thức tôi vẫn có thể nhớ như in cái hương vị tuổi thơ ấy.
“Thế mới nói vật chất kiếm được thì rất dễ, chỉ có tình cảm và kỷ niệm thì không bao giờ có thể mua được.”
Đã lâu lắm rồi tôi không còn được nghe tiếng trẻ reo vui khi mẹ đi chợ về. Hình ảnh đứa trẻ nhấp nhổm không yên chờ quà chợ của mẹ hầu như vắng bóng ở chốn đô thị. Tôi cảm thấy đôi chút tiếc nuối cho bọn trẻ con ngày nay, tự hỏi có bao giờ chúng được những trải nghiệm cái cảm giác mong cầu khám phá, chờ đợi và hạnh phúc ấy. Dường như chuyện chợ búa, thưởng thức những món quà vặt đã nằm ngoài cuộc sống của những đứa trẻ bây giờ.
Những lần tôi ngồi mong mẹ đi chợ về đã không còn. Mà đổi lại, ngày ngày mẹ chờ mong đứa con xa xứ về thăm nhà giống như cái cách tôi đợi mẹ những tháng năm tuổi thơ ấy. Mỗi khi trở về tôi đều cố gắng mua cho gia đình một thứ gì đó. Nhưng cho dù có lớn khôn thế nào, đối với mẹ tôi vẫn mãi là đứa trẻ thích ăn quà vặt. Mẹ không còn phải dậy từ khuya để bày hàng hoá ngoài chợ như trước kia, nhưng vẫn giữ thói quen dậy sớm để tranh thủ đi chợ mua về cho tôi những món tôi thích.
Sài Gòn phồn hoa dù có đầy đủ những thứ xa xỉ, nhưng đối với tôi suốt cả cuộc đời này, thứ vô giá không thể tìm được ở bất cứ nơi đâu khác chính là tình yêu thương của mẹ được bao bọc trong những thức quà vặt nho nhỏ, giản đơn ấy.