The Art Corner Silence – Đức tin, sự im lặng và hạnh phúc
Đôi khi không cần đi đến cùng đích của một sự thật. Chỉ cần đi đến khi nào chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Gần nhà tôi là một nhà thờ. Hàng ngày vào khoảng bốn giờ chiều vẫn có những cô lớn tuổi vào quỳ cầu nguyện bên trong, hai tay chắp lại thinh lặng. Nếu nói đức tin là một tình yêu đơn phương, thì những người đang cầu nguyện này là những kẻ si tình nhất. Họ luôn đặt trọn niềm tin vào phía bên kia dù nhận về là muôn đời im lặng.
Nhưng họ vẫn hạnh phúc.
Mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ đến nhân vật Rodrigues trong bộ phim Silence. Rodrigues là một linh mục trẻ, rời bỏ quê hương Bồ Đào Nha để đến truyền giáo tại Nhật Bản. Thời kỳ Edo là một giai đoạn đen tối với Ki-tô Giáo ở Nhật Bản khi những chính sách của Nhật Hoàng đều nhằm tận diệt sự tồn tại của tôn giáo này, bao gồm hành hình và xử tử tất cả những người theo đạo.
Linh mục trẻ Sebastiao Rodrigues.
Rodrigues không phải chịu những đau đớn thể xác đó. Anh được chính quyền Nhật Hoàng đề nghị giẫm đạp lên ảnh Thánh để tỏ sự khinh bỉ với Chúa, sau đó được yêu cầu lấy vợ, sinh con, sống như một Phật Tử trung thành để cứu lấy mạng sống của những Ki-tô hữu khác cũng đang bị nhốt cùng ngục. Đặt trong tương quan của một linh mục, đề nghị này của Nhật Hoàng chẳng khác nào yêu cầu Rodrigues từ bỏ Thiên Chúa, lẽ sống của anh. Đồng nghĩa với việc Rodrigues phải chọn để cứu bạn hữu và trở thành kẻ phản bội, hoặc giữ đức tin và phải chứng kiến cảnh khổ đau của những người vô tội.
"Chúa ở đâu? Ngài có thật không? Tại sao Ngài để con người chịu đau khổ?" - Rodrigues cảm thấy thật không bình an.
Đã có những người Nhật tin Chúa chịu cảnh chết treo trên thập tự cắm giữa biển, người thấm nước nhiều đến nỗi khi hoả táng, chỉ có một cột khói cao bốc lên từ dàn hoả. Hoặc bị cột rơm vào người mà đốt, hoặc bị nhấn xuống biển. Tất cả để bảo toàn đức tin với Jesus, hay theo cách họ gọi, là Jisama. Lựa chọn của họ là chết cho những điều cao cả hơn, và họ hạnh phúc về điều đó dù Thiên Chúa im lặng với họ. Họ vẫn thấy bình an và hạnh phúc.
Người dân làng Tamago, nơi Rodrigues đặt chân đến đầu tiên khi vào Nhật Bản.
"Giẫm đi
Ta đến thế gian để gánh chung nỗi đau với ngươi.
Giẫm đi!"
Lần đầu tiên trong cuộc đời của Rodrigues, Chúa lên tiếng với anh. Anh đặt chân phải lên gương mặt của Chúa, gà bên ngoài trại giam gáy lên ba tiếng. Trong Kinh Thánh, khi thánh Peter chối bỏ Chúa ba lần trước khi Ngài bị đóng đinh, gà cũng gáy ba tiếng. Rodrigues đã trở thành Peter thứ hai.
Rodrigues sống phần đời còn lại của mình ở Nhật, lấy vợ, có con. Anh luôn mang trong mình nỗi đau của sự chối bỏ. Những tưởng phim sẽ kết thúc như thế, nhưng đạo diễn Scorsese trong phân cảnh cuối cùng, khi hoả táng Rodrigues, lại chiếu góc máy vào phía trong quan tài, và giữa hai bàn tay chắp lại của anh là một cây thánh giá. Cây thánh giá cũ mà khi vừa đến Nhật, anh được dân làng Tamago trao tặng, được vợ anh cẩn thận giấu vào tay chồng cùng với thanh katana để xua đuổi tà ma. Gương mặt của Rodrigues trong quan tài, với cây thánh giá trong tay, chính là bình yên. Đức tin của anh lớn, nhưng khả năng của thân xác và tinh thần không đủ mạnh mẽ để chứng kiến nỗi đau của người khác. Anh chọn chứng minh đức tin của mình không phải bằng cái chết, mà bằng những dằn vặt anh phải mang đến hết đời. Chỉ khi nhắm mắt, Rodrigues mới cảm thấy hạnh phúc.
Và cũng theo Kinh Thánh, Peter người chối Chúa sau này nhận được sự thứ tha, và trở thành người giữ chìa khoá vào Thiên Đàng. Rodrigues, dù không nói, nhưng có lẽ cũng đã nhận được sự thứ tha vì dù sao, anh vẫn tin.
Rodrigues đang nghe Kichijiro, một người từng chối Chúa, xưng tội với mình.
Tận cùng của đức tin chính là hạnh phúc, nhưng đích đến đó không nhất thiết phải đi trên cùng một con đường và cũng không có một mốc cố định. Mỗi người lại có cách khác nhau để đi đến bình yên, hãy cứ đi trên con đường của mình, đừng phán xét. Sự im lặng của Chúa chính là thử thách lớn nhất cho những người dám tin. Đó, âu cũng là thông điệp chính mà Scorsese thể hiện qua Silence, bộ phim ông ấp ủ suốt 25 năm.
Martin Scorsese on set.
Silence là một bộ phim đẹp về cảnh quay đậm chất Á Đông, những góc máy lịch sử được chăm chút kĩ lưỡng, nhất là những cảnh tử đạo hiện lên bi tráng. Mỗi lần xem Silence, tôi lại nghĩ đến cuộc đời Rodrigues theo những cách khác nhau, có khi tức giận, khinh bỉ, nhưng càng để ý tiểu tiết mà đạo diễn gửi vào, lại càng thấy Silence như một khúc sông dài: dữ dội ở thượng nguồn, ngoằn ngoèo như đứt đoạn ở những biến cố lớn, và rồi bình yên dần lúc xuôi hạ lưu.
Khi tin rồi, cứ đi đi, rồi hạnh phúc sẽ tự ùa về.