The Art Corner Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của robot AI mang về hơn 1 triệu USD tại phiên đấu giá Sotheby’s
Ở phiên đấu giá các tác phẩm kỹ thuật số của Sotheby’s New York giữa tháng 11 vừa qua, bức tranh vẽ có tên “AI God. Portrait of Alan Turing” đã chính thức đi vào lịch sử khi trở thành tác phẩm đầu tiên do robot AI vẽ được bán đấu giá ở mức kỷ lục - 1,08 triệu USD, vượt ngưỡng kỳ vọng ban đầu ở mức từ 120.000 USD - 180.000 USD.
Gần 75 năm trước, cha đẻ của máy tính Alan Turing đã tiên phong khi đặt ra câu hỏi liệu máy móc có thể suy nghĩ hay không? Câu hỏi này cho đến nay vẫn còn là chủ đề tranh luận sôi nổi trong nhiều lĩnh vực, và càng trở nên phức tạp hơn theo tỉ lệ thuận với các tiến bộ khoa học kĩ thuật hiện đại. Giờ đây, vai trò, sức mạnh hay mối nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo (AI) chính là đỉnh điểm của thời đại kỹ thuật và máy móc. Với thế giới nghệ thuật, câu hỏi của Turing được cụ thể hóa thành: Liệu robot có thể tạo ra nghệ thuật?
Lấy cảm hứng từ Alan Turing và đóng góp của ông với việc đặt nền móng cho máy tính hiện đại từ công trình nghiên cứu về lý thuyết khoa học máy tính trong Thế chiến II, bức hoạ vừa đạt kỷ lục tại Sotheby’s New York là bức chân dung dài 1,2 mét được tạo ra bởi Ai-Da, “nghệ sĩ” robot AI đầu tiên trên thế giới. Với cánh tay robot và “bộ não” của trí tuệ nhân tạo, Ai-Da chia sẻ về tác phẩm sáng tạo của mình: “Giá trị cốt lõi trong công việc của tôi là thúc đẩy những cuộc đối thoại về công nghệ AI…”. Cũng theo Ai-Da, chân dung của Alan Turing mời gọi người xem suy ngẫm về bản chất của AI và máy tính trong tương quan với tác động về đạo đức và xã hội của những tiến bộ công nghệ này.
Người đứng sau “nghệ sĩ” robot này là Aidan Meller, một chuyên gia về nghệ thuật hiện đại và đương đại. Ông đã dẫn dắt nhóm làm việc cùng chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại trường đại học Oxford và Birmingham để tạo ra một phiên bản Ai-Da hoàn chỉnh. Quá trình sáng tạo tác phẩm bắt nguồn từ ý tưởng nảy sinh thông qua các cuộc trò chuyện và thảo luận về việc sử dụng AI với “mục đích tốt đẹp”, với chân dung của Alan Turing là một ví dụ điển hình. Sau đó, Ai-Da được yêu cầu sử dụng phong cách, màu sắc, nội dung, tông màu và kết cấu cụ thể, ghi chép lại hình ảnh thực của Alan Turing từ con mắt “camera” của mình, rồi tạo ra 15 phiên bản khác nhau của bức tranh chân dung.
Từ 15 tác phẩm này, Ai-Da chọn ra ba bức để kết hợp với bức tranh “nghệ sĩ robot” này vẽ cỗ máy Bombe của Turing (nổi tiếng với việc giúp giải mật mã của Đức trong Thế chiến thứ II). Hình ảnh tổng hợp sau đó được lắp ráp kỹ thuật số và in kết cấu 3D nhằm tạo nên tác phẩm có kích thước lớn. Theo Aidan Meller, “Tông màu trầm và nét vẽ siêu thực đầy ám ảnh của tác phẩm” là gợi ý về những gì Turing đã cảnh báo “về tác động đa chiều của máy móc” trong đời sống.
Cũng theo Meller, “Cuộc đấu giá này là khoảnh khắc quan trọng đối với nghệ thuật thị giác, nơi tác phẩm nghệ thuật của Ai-Da được giới thiệu và nhìn nhận như cầu nối giữa thế giới nghệ thuật và thời đại trỗi dậy của AI”. Sau buổi đấu giá, phiên đấu giá có sự góp mặt của tác phẩm “AI God. Portrait of Alan Turing” giúp “mở ra chân trời mới trên thị trường nghệ thuật toàn cầu, thiết lập chuẩn mực đấu giá cho tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo bởi robot AI”. Tuy nhiên, các nhà phê bình nghệ thuật cho rằng tác phẩm này sẽ không thể giữ được giá trị trong tương lai khi sẽ ngày càng có nhiều “nghệ sĩ AI” với những tác phẩm đa dạng khác, dù họ không phủ nhận tính hợp lệ của hình thức nghệ thuật mới này.
Ai-Da ra mắt công chúng vào năm 2019 và là “nghệ sĩ robot AI” đầu tiên trên thế giới. Tác phẩm của cô đã thu hút nhiều sự chú ý và được trưng bày tại các triển lãm nghệ thuật quốc tế lớn như Venice Biennale, Bảo tàng Ashmolean của Oxford và thậm chí là tiêu đề cho một buổi trình diễn solo tại Bảo tàng Thiết kế London vào năm 2021. Tuy nhiên, những thành viên làm nên dự án này cũng nhấn mạnh Ai-Da sẽ không thể sáng tạo nếu không có trí tuệ con người khi mỗi tác phẩm nghệ thuật của cô đều bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện bằng mô hình ngôn ngữ AI.
Phiên đấu giá kỹ thuật số của Sotheby’s New York cũng có các tác phẩm của những nhà sáng tạo AI khác như Pak, XCOPY hay Refik Anadol (nhà sáng lập bảo tàng nghệ thuật AI đầu tiên trên thế giới ở Los Angeles).
>>Xem thêm: Tác phẩm trang trí phá vỡ kỷ lục đấu giá tại Sotheby’s New York