share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Environmental Movement Thị trường hàng hiệu second-hand năm 2024: tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng


ADVERTISEMENT

Những cô gái Paris nổi tiếng bởi phong cách thời trang đơn giản nhưng thanh lịch và tinh tế. Họ có một bí mật: Những cửa hàng “thrift shop”. Thói quen mua sắm của họ là thỉnh thoảng tìm đến những cửa hàng bán đồ cũ để “săn quần áo”. Và bởi đó là Paris, khả năng cao họ sẽ tìm thấy vài món hàng hiệu từ những bộ sưu tập cũ của các thương hiệu xa xỉ. Đó có thể là chiếc túi Chloe hay chiếc đầm đen duyên dáng của YSL, đó có thể là mắt kính của Gucci, hay quần jean Levi’s… Cũng bởi đây là những món đồ không còn được sản xuất, nên họ biết chỉ có họ mới sở hữu chiếc áo, quần, túi, hay mắt kính đó. Vì thế, họ tự tin phối hợp chúng với trang phục thường ngày, và ngẩng cao đầu lượn phố với niềm tin “Phong cách là nhất thời, nhưng đẳng cấp (của những món hàng hiệu) là mãi mãi.”

Vestiaire Collective

Đây là một trong bí quyết làm nên vẻ đẹp của những cô nàng Paris, vốn thường được các kênh thời trang và văn hoá đại chúng tung hô. Nhưng ẩn sau thói quen mua sắm này lại là cả một nền kinh tế mua và bán lại hàng xa xỉ. Từ những thành phố lớn trên thế giới, thị trường này lấn sân toàn cầu với tốc độ chóng mặt trong chỉ vài năm trở lại đây. Theo báo cáo của Business Research Company, quy mô của thị trường bán lại hàng xa xỉ đang chứng kiến sức tăng trưởng mạnh mẽ (từ 31,67 tỷ USD vào năm 2023 lên đến 34,79 tỷ USD vào năm 2024), với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 9,8%. Dự kiến đến năm 2028, quy mô thị trường này sẽ đạt 50,9 tỷ USD (gấp đôi quy mô của thời trang nhanh) cùng tốc độ tăng trưởng kép 10%. 

The Industry Fashion

Trong khi chỉ một thập kỷ trước, đồ cũ chủ yếu chỉ được bán ở các khu chợ trời hay cửa hàng bán đồ từ thiện, hàng xa xỉ giờ đây là những “ngôi sao mới” của ngành công nghiệp thời trang. Từ chỗ được mặc định là đồ không mấy giá trị, những sản phẩm “được săn lùng” này được ví như vật chứng của mỗi bộ sưu tập, mỗi cột mốc trong sự phát triển của từng nhà mốt. Quan trọng hơn cả, bản thân những mặt hàng xa xỉ khi ra mắt công chúng đã đến cùng chất lượng nguyên liệu, thiết kế độc bản, và độ bền... Vì thế, khi đến tay người tiêu dùng thứ hai hay thứ ba, giá trị của chúng vẫn dựa vào chính những yếu tố này, kèm theo một thực tế là giờ đây, họ đang sở hữu một mặt hàng hiếm. Vượt khỏi những cửa hàng chuyên bán đồ hiệu cũ, những sản phẩm này thậm chí xuất hiện trong các bộ sưu tập cá nhân, hay phiên đấu giá đắt đỏ như một chiếc đồng hồ cũ của các thương hiệu như Rolex, Cartier, hay chiếc túi Birkin của Hermes… 

Ctfassets 

Quy mô đáng gờm của thị trường bán lại xa xỉ không chỉ dừng lại ở đó. Nếu như tại Mỹ, ngành hàng xa xỉ cũ thậm chí có mức tăng trưởng nhanh gấp bốn lần so với thị trường xa xỉ chính, tại châu Âu hay Trung Quốc, nhu cầu với các sản phẩm này cũng tăng vọt. Động lực thúc đẩy hiện tượng thú vị ấy đến từ chính việc hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi, đặc biệt hướng đến tính bền vững và nhận thức nâng cao về tác động của ngành công nghiệp thời trang tới môi trường. 

CSD Shop

Theo First Insight, phần lớn nhóm tiêu thụ hàng xa xỉ đã qua sử dụng thuộc thế hệ Z, đây cũng là những người sẵn sàng chi thêm 10% cho những sản phẩm thân thiện với môi trường. Báo cáo thương mại điện tử thường niên của eBay nhấn mạnh người tiêu dùng trẻ tuổi là lực lượng chính thúc đẩy thị trường hàng xa xỉ cũ. Mạng xã hội chắc chắn cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc khuyến khích đối tượng người mua này khi có hàng loạt những video, bài viết chia sẻ về bí quyết “săn hàng hiệu” ở những cửa hàng đồ cũ truyền thống tại nhiều thành phố lớn trên thế giới. Tính quay vòng của thời trang và những thiết kế ở nhiều giai đoạn quan trọng như thập niên 1970, 1980, 1990 hay đầu những năm 2000 được phổ cập rộng rãi từ những cá nhân có tầm ảnh hưởng và truyền thông đại chúng góp phần thúc đẩy nhóm người tiêu dùng trẻ tìm kiếm các phụ kiện hay trang phục được sản xuất trong giai đoạn này. 

Vestiaire Collective

Nguồn cung hạn chế của các sản phẩm cao cấp dẫn đến thực tế không thể tránh khỏi là việc mua qua bán lại, nhưng cách tiếp cận hiện tượng này đã thay đổi cả với người tiêu dùng lẫn bản thân các thương hiệu xa xỉ và nhà bán lẻ truyền thống. Một số tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới bắt đầu tích hợp thị trường bán lại vào một phần chiến lược kinh doanh của mình nhằm duy trì giá trị sản phẩm. Trong khi hãng Chloé công bố ra mắt Chloé Vertical – một công nghệ kỹ thuật số cho phép người dùng quét mã vạch để có thể theo dõi chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối và cung cấp “giấy chứng nhận quyền sở hữu” cho phép khách mua hàng bán lại trực tiếp thông qua nền tảng thứ cấp Vestiaire Collective; tập đoàn Kering (sở hữu Gucci hay Bottega Veneta) chọn mua lại 5% cổ phần của Vestiaire Collective - nhà bán lẻ ký gửi xa xỉ tiên phong. 

Luxe Collective Fashion 

Việc hợp tác với những nền tảng ký gửi bán lại đồ xa xỉ trở thành bước đi cần thiết cho nhiều thương hiệu trong cam kết bền vững của mình, điển hình như trường hợp Victor Glemaud ra mắt mẫu giày hợp tác đầu tiên với thương hiệu phụ kiện Nigeria Shekudo độc quyền trên nền tảng The RealReal tại New York Fashion Week; Imitation of Christ bán bộ sưu tập xuân 2021 độc quyền trên trang web ký gửi hàng xa xỉ; Tom Ford cũng hợp tác với Vestiaire Collective cho chiến dịch ký gửi trung hạn… 

Sự phát triển của ngành thương mại điện tử đóng góp phần lớn vào việc thúc đẩy thị trường bán lại xa xỉ với những lợi thế ở việc cung cấp phạm vi tiếp cận toàn cầu, cải thiện tính minh bạch trong xác minh giá cả và độ xác thực của sản phẩm, thậm chí tích hợp công nghệ AI để nâng cao trải nghiệm mua sắm bằng cách phân tích hình ảnh chi tiết, so sánh với những mặt hàng khác, đánh giá tình trạng đồ cũ, thương hiệu và xu hướng thị trường. Hiện nay, những “ông lớn” trong phân khúc này như The RealReal, The Row, Vestiaire Collective, Luxury Closet, Collector Square, Couture Designer Resale Boutique… đều đang áp dụng những chiến lược tương tự với mặt hàng xa xỉ chính, nhấn mạnh vào cung cấp trải nghiệm mua sắm xa xỉ được tuyển chọn và cá nhân hoá. 

Reliked 

Tái sử dụng đã và đang định hình tương lai của thời trang, với việc người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào giá trị của những món đồ xa xỉ mua lại. Theo khảo sát năm 2020 của Vestiaire Collective và BCG, 62% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm từ thương hiệu thời trang hợp tác với nền tảng bán lại uy tín.

Một khi nhu cầu còn tăng, nguồn cung của thị trường này cũng sẽ ngày càng mở rộng. Dù bán lại hàng xa xỉ không phải giải pháp trọn vẹn giúp hoá giải những vấn đề bức thiết của thời trang như xử lý chất thải hay giảm sản lượng mỗi năm, nhưng đây là hướng đi cần thiết để hướng tới tính tuần hoàn của thời trang toàn cầu. 


ADVERTISEMENT