share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Từ Pop Art đến Popism


ADVERTISEMENT

Andy Warhol, Roy Lichtenstein, James Rosenquist, Thomas K. Wesselmann, Keith Haring hay David Hockney… họ chẳng có điểm gì giống với những nghệ sĩ của các phong trào trước đó. Cái khác của họ: thứ gì cũng có thể là cảm hứng nghệ thuật.

Tác phẩm điêu khắc khổng lồ hình ảnh nghệ sĩ Nhật Bản Yayoi Kusama trên cửa hàng của Louis Vuitton ở Maison Champs-Élysées (Paris) @deepavali-gaind/unsplash

“Tất cả các lon Coke đều giống nhau và tất cả các lon Coke đều ngon. Liz Taylor biết điều đó, Tổng thống biết điều đó, một anh chàng vô công rồi nghề biết điều đó và bạn cũng biết điều đó.” - Andy Warhol 

Warhol nói điều này vì ông thấy vẻ đẹp và vị ngon của lon Coca Cola ông và những người tiêu thụ như ông uống. Và vì thấy đẹp, thấy ngon, ông vẽ lại nó như cái cách ông vẽ những tấm biển quảng cáo từ thời mới vào nghề. Vẻ đẹp gì toát ra ở một lon Coca? Nhiều người trong thế giới nghệ thuật nhìn vào đó và hỏi. Cả một thành phố New York thập niên 1960 cũng hỏi. Họ không hiểu vì sao Andy Warhol có thể bán được một bức tranh trơ trọi vô nghĩa như vậy. Nếu họ sống đến năm 2013, có lẽ sẽ càng ngạc nhiên hơn khi bức vẽ chai nước ngọt thậm chí chẳng có màu của ông được bán ở phiên đấu giá Christie’s với giá 60 triệu USD. Có bao nhiêu phiên bản tác phẩm này được Warhol tạo ra? Có bao nhiêu bản “tái tạo” từ những nghệ sĩ nghiệp dư khác? Không ai biết được. Chỉ biết họ, cũng như rất nhiều những tâm hồn trót mê mệt một chủ nghĩa nghệ thuật “phản nghệ thuật”, đang ngày ngày trở thành một phần của phong trào có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 - Pop Art. 

“Still Life #31” (1963) Tom Wesselmann

Nghệ thuật là gì và dành cho ai?

Andy Warhol chỉ là một trong số ít những nghệ sĩ góp phần định hình Pop Art, nhưng ông lại là bức chân dung sống động nhất của phong trào này. Lối sống của Warhol, căn gác xép The Factory của ông trên phố Manhattan (New York), những người ông gặp gỡ giao thiệp, những bản in la liệt của ông… tất cả đều gợi lên ý niệm đời thường nhất về tính đại chúng của nghệ thuật, và sự đời thường dễ hiểu của chúng. Người ta có thể không cố gắng định nghĩa Pop Art như cái cách Andy Warhol làm trong suốt thập niên 1960-1970, nhưng chắc chắn ai cũng đã một lần thấy bức tranh có hình chai Coca - Cola hay bức chân dung minh tinh Marilyn Monroe trong những mảng màu chói lọi của Warhol. Ví dụ khiêm tốn nhất về Pop Art chính là đây. 

“Marilyn Monroe” (1967)

Vượt khỏi thế giới của Warhol, lịch sử nghệ thuật thế kỷ 20 sẽ gọi tên một danh sách đầy kinh ngạc về các nghệ sĩ Pop Art cùng thời với ông, đi cùng với đó là hàng loạt tác phẩm và luồng tư tưởng. Ra đời tại Anh vào những năm 1950 trong bối cảnh hậu chiến Thế giới thứ 2 với nguồn gốc từ chủ nghĩa hiện đại và Tân Dada, xã hội nói chung và người nghệ sĩ nói riêng tìm thấy sự an ủi trong những điều tưởng tầm thường, và cùng với đó là mong mỏi vinh danh chúng lên thành nghệ thuật. Bản thân sự ra đời của Pop Art đã là một nỗ lực phản kháng những giá trị lỗi thời, trong đó, cách con người nhìn nhận và định nghĩa nghệ thuật là trọng tâm. Với các nghệ sĩ từ Phục hưng cho đến Baroque, từ chủ nghĩa Ấn tượng cho đến Biểu hiện, mỗi tác phẩm nghệ thuật phải thể hiện được một khía cạnh hay chủ đề nào đó có tính vĩ mô như triết học, tôn giáo, tình yêu, quyền lực, cái đẹp của tự nhiên hay nỗi đau của con người. Cũng bởi vậy, nghệ thuật từng được coi là thứ gì đó xa vời, không dành cho số đông. Chỉ những ai có kiến thức và tiền bạc mới hiểu về nghệ thuật, mới mua và tôn sùng nghệ thuật. 

Quảng cáo Bảo tàng Andy Warhol lấy cảm hứng từ tác phẩm “Campbell’s Soup Cans” (1960-1962) @sindy-sussengut-unsplash

Pop Art thách thức tất cả. Từ việc tận dụng hiệu quả những chất liệu hình ảnh và cảm xúc của chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa tư bản, của thời đại công nghiệp và các phương tiện truyền thông đại chúng… chủ thể của Pop Art là bất cứ ai và bất cứ cái gì. Cũng vì chẳng có một thứ bậc gì trong văn hoá, hay tách biệt sâu sắc về mặt cảm xúc giữa một tác phẩm đóng khung và người xem chúng, Pop Art sinh ra để dành cho bất cứ ai. Họ đi ngang qua bến tàu điện ngầm New York vào cuối những năm 1970 và sẽ thấy các bức vẽ bằng phấn của Keith Haring trên biển quảng cáo để trống. Họ ngắm nghệ thuật của Roy Lichtenstein vào đầu những năm 2960 mà như đọc một cuốn truyện tranh với văn bản lồng ở góc và biểu hiện kịch tính của nhân vật. Họ thấy bức tượng Clothespin (1974) của Claes Oldenburg mỗi ngày khi đi ngang qua một con phố ở Philadelphia… Với những tác phẩm ở khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức, và tôn vinh những gì “tầm thường” nhất, đôi khi chúng vô thưởng vô phạt, đôi khi lấy những mảng màu sắc sôi nổi để che dấu những cảm xúc và triết lý sâu xa hơn với thời cuộc như các tác phẩm của David Hockney. Pop Art và người nghệ sĩ của phong trào này đã hoàn thiện nhiệm vụ xoá nhoà ranh giới của nghệ thuật để ca ngợi, châm biếm, hay diễn giải. 

Tác phẩm đường phố lấy cảm hứng từ “Dancing Figures” của Keith Haring @ummano-dias-unsplash

Popism và những ảnh hưởng của nó

Dù có xuất phát điểm tại Anh, nhưng những nghệ sĩ người Mỹ như Andy Warhol, Roy Lichtenstein, James Rosenquist, Thomas K. Wesselmann hay David Hockney lại là những tên tuổi đẩy bật Pop Art lên thành một trào lưu đương đại với hàng loạt các tác phẩm đã trở thành kinh điển mới. Từ một phong trào chẳng ai buồn gắn nó vào cái mác “nghệ thuật”, Pop Art len lỏi vào đời sống hàng ngày nhờ chính bản chất tự do của mình. Sự sáng tạo trở nên bình đẳng. Pop Art cho những người nghệ sĩ không gian quá rộng để có thể làm bất cứ điều gì, vẽ lên bất cứ đâu, nhào nặn hay cắt dán, hình khối hay một (hay nhiều) nhân vật chính trị như các tác phẩm của James Rosenquist; chiếc xe hơi màu hồng vỡ vụn của Sylvie Fleury, thậm chí là bình gốm kiểu Trung Quốc với dòng chữ Coca - Cola cùng phông chữ công nghiệp đặc trưng của Ai Wei Wei.

Tác phẩm graffiti tái hiện các nghệ sĩ Pop Art ở Manhattan (New York City)

Bởi chính sự giải phóng này, phong trào Pop Art dù mới chỉ ra đời từ giữa thế kỷ XX nhưng đã trở thành chủ nghĩa tiên phong, thu hút lượng lớn nghệ sĩ và những thử nghiệm của họ, và nhanh chóng lan ra những khía cạnh duy mỹ khác của thế giới. Văn hoá đại chúng hoặc là chủ thể in trên những mẫu thiết kế, hoặc chính các tác phẩm Pop Art nổi tiếng trở thành “nhân vật” của thời trang. Vào những năm 1960, Gianni Versace đã sử dụng hoạ tiết Marilyn trên thiết kế váy trong bộ sưu tập của mình, Christian Dior đã phát hành một bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các bản phác thảo giày của Warhol trong khi Vivienne Westwood dành riêng bộ sưu tập năm 1983 chỉ để tôn vinh tác phẩm của Keith Haring. Thời trang cao cấp đặc biệt yêu thích Pop Art với những cuộc bắt tay liên tục, điển hình như mối quan hệ giữa Takashi Murakami và Louis Vuitton hay Hirst và Alexander McQueen. 

Triển lãm của Keith Haring @anna-dickson-unsplash

Pop Art còn có thể làm được nhiều hơn với kiến trúc. Ngoài những bức vẽ graffiti cỡ lớn trên nhiều mảng tường ở khắp các con phố trung tâm trên thế giới, nhiều kiến trúc sư cũng chẳng ngần ngại thử nghiệm nghệ thuật đại chúng vào khuôn dạng một tòa nhà. Các công trình như Bảo tàng Guggenheim Bilbao của Frank Gehry, Nhà nguyện Graceland ở Las Vegas của Paul Revere Williams hay toà nhà thương mại Archi-Fiore ở Hàn Quốc… là những ví dụ tiêu biểu trong sử dụng khái niệm Pop Art đầy màu sắc, hình khối hình học và hoạ tiết vui tươi. 

Từ một phong trào Độc lập (trong nghệ thuật) ở London, hay những phòng tranh nhỏ ở New York, các tác phẩm Pop Art giờ đây trở thành ngôi sao của những triển lãm và phiên đấu giá ở không gian danh giá nhất. Trong khi tác phẩm “Untitled” (1984) của Andy Warhol và Jean-Michel Basquiat lập kỷ lục tại Sotheby’s với giá 19,4 triệu USD, Sotheby’s thậm chí còn tạo nên một triển lãm đầy quy mô trước phiên đấu giá các tác phẩm của Keith Haring chỉ để tái hiện lại những bức vẽ phấn trắng của ông trong quãng thời gian ông lang thang vẽ ở bến tàu điện ngầm khi mới đến New York. 

Warhol giữa tác phẩm điêu khắc Brillo Box (1964) của ông tại Moderna Museet (Stockholm) vào năm 1968 (Lasse Olsson)

Nước Pháp, nơi có bảo tàng Louvre danh tiếng đến vậy với hàng trăm ngàn tác phẩm cổ điển cũng chẳng thể làm ngơ vai trò và tầm ảnh hưởng của những nghệ sĩ Pop Art. Từ tháng 10/2024 đến tháng 2/2025, triển lãm “Pop Forever, Tom Wesselmann &…” tại Fondation Louis Vuitton là một lá thư tình gửi tặng Pop Art với 150 tác phẩm của Tom Wesselmann (1931-2004). Lịch sử Pop Art được thể hiện theo trình tự thời gian, không gian, những biểu hiện đương đại của 70 tác phẩm của 35 nghệ sĩ ở các thế hệ và quốc tịch khác nhau như Derrick Adams, Evelyne Axell, Thomas Bayrle, Frank Bowling, Hannah Höch, Jasper Johns, Yayoi Kusama, Roy Lichtenstein, Marisol, Tomokazu Matsuyama, cho đến Tadanori Yokoo… Trước triển lãm này, Fondation Louis Vuitton cũng đã có triển lãm trưng bày các tác phẩm đôi của hai nghệ sĩ Andy Warhol và Jean-Michel Basquiat, đồng thời là triển lãm có số lượt khách xem đông nhất năm 2023 của bảo tàng nghệ thuật đương đại danh tiếng nước châu Âu. 

Keith Haring vẽ tại Stedelijk Museum ở Amsterdam (Hà Lan) (1986) (Rob Bogaert)

Vượt khỏi sự nổi tiếng “hiển nhiên” đó, Pop Art và chủ nghĩa Pop suy cho cùng cũng đến từ chính động lực sáng tạo của Keith Haring khi ông quay trở lại với hội hoạ vào năm 1980: “Nếu tôi định vẽ, phải có một lý do. Tôi quyết định rằng lý do đó là vì mọi người. Nghệ thuật chỉ tồn tại thông qua trải nghiệm của người quan sát. Thực tế của nghệ thuật bắt đầu từ con mắt của người xem và đạt được sức mạnh thông qua trí tưởng tượng, sáng tạo và đối đầu.” 


ADVERTISEMENT