Cuisine Xu hướng ẩm thực locavore: Tôn vinh sản vật địa phương
Chuyện ăn uống không chỉ liên quan đến hương vị món ăn, mức độ phù hợp với khẩu vị người thưởng thức mà ở góc độ sâu xa hơn, nó còn phản ánh mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên nói chung.
Từ lâu, một bộ phận tín đồ ẩm thực đã theo đuổi phong cách locavore để vừa thưởng thức món ăn tươi ngon, vừa ý thức được tầm ảnh hưởng của mình đối với môi trường. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng WOWWEEKEND tìm hiểu về xu hướng ẩm thực thú vị này.
Ảnh: SCAD District
Xu hướng ẩm thực locavore là gì?
“Locavore”, mang nghĩa đen là “những người chỉ mua thực phẩm gần nhà (trong bán kính 150 km)”, đã trở thành từ của năm 2007 theo bình chọn của ban biên tập từ điển New Oxford American. “Locavore” thực chất được ghép từ chữ “local” (địa phương) và “vorous” (ăn).
Thuật ngữ trên dần trở nên phổ biến vào năm 2005, khi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đưa ra thử thách dưới cái tên ấy. Cụ thể, trong một tháng diễn ra cuộc thi, những người tham gia chỉ được tiêu thụ các sản vật địa phương tươi sống, có giá trị dinh dưỡng cao.
Ảnh: Unsplash
Cứ thế, locavore trở thành lối ăn uống “lợi cả đôi đường” bởi nó vừa bảo vệ môi trường vì hàng hóa nhập khẩu gây tốn kém nhiên liệu vận chuyển, gia tăng sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời thúc đẩy kinh doanh ở các khu chợ của nông dân.
Xuất hiện cách đây khá lâu song sức hút của xu hướng locavore chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bằng chứng là nhiều người ngày nay thậm chí tự trồng rau củ quả - tức sử dụng sản phẩm 0 đồng trong bán kính 0 km - và tất nhiên họ cũng ưa chuộng những nhà hàng theo đuổi triết lý này.
Lợi ích “3 trong 1”
Tại “thiên đường du lịch” Bali, nhà hàng Locavore (nằm ở thị trấn Ubud) phục vụ khách hàng bằng các món ăn mang đậm hơi thở của núi, biển và rừng rậm. Ngoài ra, lá chùm ngây với công dụng điều trị bệnh cao huyết áp cũng thường được sử dụng trong các món súp, salad.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy nhiều nhà hàng ở những điểm đến du lịch nổi tiếng bắt đầu hướng đến mô hình kinh doanh du lịch kiểu mới, cụ thể là tận dụng nguồn lực địa phương để chăm sóc sức khỏe khách hàng - trước hết là thông qua đồ ăn thức uống họ tiêu thụ. Locavore là sự lựa chọn lý tưởng lúc này với lợi ích “3 trong 1” dành cho khách hàng, nhà hàng và môi trường.
Ảnh: Unsplash
Đối với khách hàng:
Hương vị độc đáo, giá trị dinh dưỡng cao là những điều cốt lõi khách hàng sẽ nhận được khi thưởng thức các món locavore. Chúng là thành phẩm từ những nguyên liệu bản địa theo mùa tươi ngon nhất, được thu hoạch gần đó và chế biến một cách tài tình. Nhìn chung, ẩm thực Locavore là sự kết hợp hoàn hảo giữa món ăn kiểu Âu hiện đại với nguyên liệu tươi ngon của địa phương, được bày biện đầy tinh tế với khẩu phần ăn từ nhỏ đến vừa.
Nếu là dân sành ăn, dễ dàng để nhận ra sự khác nhau đôi khi rất nhỏ về màu sắc, hương vị... của cùng một nguyên liệu ở những nơi khác nhau thì bạn hẳn sẽ ưa thích xu hướng locavore hơn hẳn bởi độ tươi ngon không lẫn vào đâu được. Ngoài ra, thực đơn locavore cũng biến đổi linh hoạt tùy thuộc vào sản vật theo mùa, do đó khách hàng có thể được trải nghiệm nhiều món ăn hơn.
Đối với nhà hàng:
Tất cả lợi ích trên đối với khách hàng đã đủ khiến họ quay lại nhà hàng thêm nhiều lần nữa để khám phá các công thức nấu ăn mới. Đó là lý do tại sao các nhà hàng locavore nhận được sự trung thành của khách hàng lớn hơn. Đặc biệt, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, uy tín cũng tạo ra sự tin tưởng nơi họ.
Ảnh: @locavorenxt
Lượng khách tăng kéo theo doanh thu tăng - thực tế là khách hàng đang chú ý nhiều hơn đến thói quen ăn uống bền vững, đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để dùng bữa ở một nhà hàng địa phương. Cùng lúc đó, các chủ nhà hàng và nguồn cung cấp thực phẩm địa phương có thể làm “cú bắt tay” lâu dài để đảm bảo lợi ích song phương.
Đối với môi trường:
Việc tiêu thụ nông sản địa phương sẽ góp phần bảo vệ môi trường do không cần tiêu tốn nhiên liệu và công sức để vận chuyển xa, giảm thiểu túi ni lông, đồ nhựa trong quá trình bảo quản. Ngoài ra, locavore cũng đảm bảo rằng động vật được nông dân địa phương tắm rửa và cho ăn đầy đủ, đồng thời lấy thịt một cách nhân đạo nhất có thể.
Trong tương lai, người tiêu dùng sẽ tiếp tục hưởng ứng xu hướng bền vững và các ngành công nghiệp sẽ dựa vào đó để chiều lòng mọi người. Từ đây, việc xây dựng một nhà hàng locavore sử dụng các sản phẩm hữu cơ, áp dụng biện pháp tiết kiệm năng lượng, tái chế và cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường là ý tưởng khôn ngoan về lâu dài cho những người theo đuổi ngành F&B.
Ảnh: Unsplash
>> Xem thêm: Fusion cuisine: Nghệ thuật “pha trộn văn hóa” trong ẩm thực
>> Xem thêm: Du lịch nông nghiệp Thái Lan: Khám phá thiên nhiên kết hợp văn hóa độc đáo