Cuộc phiêu lưu của Laurence Kubski và những đấu sĩ tí hon
Với màu sắc rực rỡ và bố cục vui nhộn, những bức hình về phong tục nuôi dế cảnh tại Trung Quốc dễ dàng thu hút nhiều độc giả tại trưng bày sách ảnh Thuỵ Sĩ Swiss Photobook Today. Cuốn sách tựa đề Crickets (Tạm dịch: Những chú dế) của Laurence Kubski mới ra mắt năm 2020, là thành quả sau nhiều tuần khám phá chợ côn trùng lớn nhất ở Thượng Hải, theo chân thợ săn dế về đêm và gặp gỡ các băng đảng cá cược hàng triệu Nhân dân tệ trong các trận chọi dế. Trong buổi trò chuyện nghệ sĩ trực tuyến, tác giả chia sẻ chuyện hậu trường từ quá trình thực hiện dự án và giới thiệu thực hành nhiếp ảnh của cô với đề tài chủ đạo là mối quan hệ con người - động vật.
Laurence Kubski sinh ra ở miền quê Thụy Sĩ, nơi có những rặng núi hùng vĩ và đàn bò thung thăng gặm cỏ. Từ nhỏ, cô đã mơ ước mình sẽ chu du khắp thế giới để khám phá tập tục chăn nuôi ở những nền văn hoá khác nhau. Sau khi tốt nghiệp đại học ECAL chuyên ngành thiết kế đồ hoạ và chỉ đạo nghệ thuật, cô thử nghiệm với vai trò nhiếp ảnh gia qua dự án đầu tay mang tên Domesticate (tạm dịch: Thuần hoá). Cô ghé thăm nhiều địa danh để ghi lại những cách thức khác biệt mà con người chăn nuôi, chăm sóc và tương tác với động vật hoang dã, có thể kể đến chuỗi quán cà phê cú mèo ở Tokyo, lâu đài cho chuột lang - loài được người dân vùng núi Andes coi như đặc sản, hay đơn cử như thú nuôi chim, cá cảnh phổ biến ở các quốc gia châu Á. Dù việc thuần hoá động vật hoang dã ngày nay có thể gây tranh cãi, thực hành này đã có từ hơn 1300 năm trước, cô nhận định. Thay vì đưa ra quan điểm ủng hộ hoặc chỉ trích rõ ràng như thể loại nhiếp ảnh bảo tồn, Laurence Kubski mong muốn tiếp cận chủ đề này một cách đa chiều hơn, đặt trong bối cảnh văn hóa đa dạng và những tác động của tiến bộ công nghệ.
Khi thực hiện dự án Domesticate, cô đặc biệt thích thú với những chiếc lồng đựng dế ở Thượng Hải. Sự tò mò đã khiến cô quay lại đây để đào sâu câu chuyện. Nếu trò chơi chọi dế đang ngày càng mai một do quá trình đô thị hoá ở Việt Nam, thì ở Trung Quốc, thú tiêu khiển nghìn năm tuổi này vẫn được lưu truyền và phát triển cho tới ngày nay. Tác giả không đi vào lối mòn nhìn nhận tập tục này như một hiện tượng dị biệt ở phương Đông huyền bí. Thay vào đó, cuốn sách Crickets dẫn dắt độc giả qua hành trình khám phá Trung Quốc đương đại, nơi những đấu sĩ và ca sĩ tí hon vẫn làm say lòng giới mộ điệu qua nhiều thế hệ. Kết hợp ảnh tĩnh vật, tư liệu và chân dung, tác giả tái hiện vòng đời ngắn ngủi mà đầy hỉ nộ ái ố của những chú dế cảnh theo trí tưởng tượng tinh nghịch của riêng mình.
Trong thời gian ở Trung Quốc, Laurence Kubski đã thử nuôi vài loài dế để tự tìm lời lý giải tại sao chúng có sức hút độc đáo đến vậy. Có con to bằng ngón trỏ người lớn, có con chỉ nhỏ như hạt đậu, đủ màu đen, nâu, xanh, đỏ. Lần đầu chụp những "nhân vật" ồn ào ngỗ ngược cũng không dễ dàng gì, nhưng cô đã kịp học vài thủ thuật hữu ích từ chuyên gia địa phương, biết cách sử dụng cây tăm bông từ bộ dụng cụ cơ bản để di chuyển dế vào vị trí chính xác trong bố cục. Nghề chơi quả thực cũng lắm công phu: cuốn sách còn cho thấy hàng loạt những công cụ nuôi dế muôn màu muôn vẻ, có chất liệu, kích cỡ và hình thù khác nhau. Từ bình gốm, lồng tre cho tới những quả bầu khô rỗng ruột được chế tác tinh xảo, những vật dụng tưởng vô tri này chứng tỏ đôi tay tài hoa của nghệ nhân và sự ưu ái giới mà thượng lưu dành cho những người bạn nhỏ.
Trước chuyến đi thực địa, tác giả đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tập tục nuôi dế và văn hoá Trung Quốc. Tham khảo tác phẩm hội hoạ truyền thống, những bức ảnh tĩnh vật của cô không chỉ duy mỹ mà còn khéo léo kết hợp những biểu tượng về mùa màng. Ở chuỗi tứ quý danh hoa, những người mẫu côn trùng hiện lên duyên dáng bên nhánh mộc lan, sen hồng, cúc vàng và lá trúc, tượng trưng cho bốn mùa xuân hạ thu đông. Chúng cũng gợi tới vai trò thông báo thời gian thu hoạch của dế trong nền nông nghiệp Trung Quốc cổ đại.
Bên cạnh sở trường chụp ảnh sắp đặt trong studio, Laurence Kubski cũng nhạy cảm không kém khi ghi chép cuộc sống. Qua những bức ảnh tư liệu, độc giả có thể cảm nhận nhịp điệu hối hả ở "thủ phủ dế" tại thị trấn Sidian vào mùa hè, thời điểm người chơi tứ xứ đổ về tìm mua, trao đổi, huấn luyện và cá cược. Ta thấy nhóm người xúm xít quanh đấu trường vỏn vẹn 20 cm² để theo dõi một trận chọi dế vỉa hè. Một tay chơi giang hồ giấu mặt đeo dây chuyền vàng có khắc hoạ tiết dế thay vì rồng phượng. Những thợ săn dế kỳ cựu xuất hiện bên công cụ săn bắt thủ công, nhưng thế hệ thương nhân mới đang tích cực rao bán "hàng" tươi sống trên mạng xã hội và trang thương mại điện tử, tác giả chia sẻ.
Cuốn sách có thiết kế giản dị. Tiêu đề được in trên gáy sách; bố cục đơn giản, tiết chế với ảnh được in kèm lề nhỏ hoặc tràn trang, được sắp xếp để tạo nhịp điệu linh hoạt, di chuyển giữa động và tĩnh, giữa quan sát và dàn dựng. Trong triển lãm sắp tới, cô có dự định sắp đặt âm thanh thu tại hiện trường và sản xuất bộ khung gỗ lấy cảm hứng từ hoạ tiết trang trí cửa sổ. Tạp chí National Geographic ấn bản Trung Quốc cũng sẽ sớm đăng tải dự án này.
Crickets mang đến một góc nhìn mới về thú tiêu khiển đã tồn tại từ đầu thế kỷ 12. Nhưng rốt cuộc là có gì thú vị khi nghe tràng gáy chói tai hay xem hai con côn trùng nhỏ xíu hạ gục nhau bằng nanh hàm? Dù tác giả không đưa ra lời đáp, tông màu vui tươi của cuốn sách đã ngầm nói lên trải nghiệm thật khó quên. Sau nhiều đêm mất ngủ, cô phóng thích vật nuôi của mình trở lại tự nhiên vào ngày cuối cùng của chuyến đi.
Tác phẩm nhiếp ảnh của Laurence Kubski xoay quanh mối quan hệ giữa con người và động vật trong những nền văn hoá khác nhau. Cô đã đạt nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh và thiết kế tại Thuỵ Sĩ và các nước châu Âu. Cuốn sách ảnh đầu tay "Crickets" của cô do Simonett & Baer xuất bản năm 2020.