"Đắk Lắk có gì vui không anh?"
"Đắk Lắk có gì vui không anh?" - "Nhiều! Có thổ địa dẫn đường, thì sợ gì không vui. Lên đây chơi nhé!"
Đấy là đoạn tin nhắn ngắn giữa anh em tôi vào mấy ngày mưa tháng trước. Còn giờ tôi đã đi về, đang xem lại ảnh của chuyến đi vừa rồi. Và tôi sẽ kể lại cho bạn những kỷ niệm đẹp của tôi ở vùng đất Tây Nguyên này. Tôi cũng sẽ mách bạn biết nơi ấy có gì vui chơi nữa nhé. Hãy theo chân tôi nào!
(Ảnh: Anna Han)
Chuyến bay của tôi hạ cánh xuống sân bay thành phố Buôn Ma Thuột vào một sáng đẹp trời. Chuyến đi này của tôi khác những chuyến đi trước rất nhiều, bởi ra khỏi sân bay đã có người quen chờ đón. Tính tôi ham vui, nên chọn một khách sạn gần chợ trung tâm thành phố, để thuận tiện lê la khắp các gian hàng. Sau khi nhận phòng và cất đồ, thời gian cũng đã gần trưa, nên anh bạn đưa tôi vào buôn Akô Đhông, vừa tiện thăm thú buôn làng vừa ăn trưa luôn. "Ở đây có quán ăn rất ngon" - anh bảo vậy. Chỉ cần nghe nhiêu đó, khỏi biết tôi vui cỡ nào!
Buôn Ma Thuột đón tôi vào một ngày đẹp trời (Ảnh: Anna Han)
Akô Đhông cách trung tâm thành phố khoảng 2km. Sở dĩ buôn được đặt tên Akô Đhông (có nghĩa là "suối đầu nguồn") là vì buôn này nằm ngay đầu nguồn suối Ea Nuôi. Buôn Akô Đhông còn có nhiều tên gọi khác như buôn Ako Thôn, buôn Cô Thôn. Akô Đhông được xem là buôn giàu mạnh nhất Tây Nguyên và là buôn đẹp nhất thành phố Buôn Ma Thuột. Mặc dù ngày nay không gian kiến trúc của buôn dần bị phá vỡ, nhưng đây vẫn là buôn duy nhất hiện giờ còn giữ được dáng dấp, nét độc đáo của một buôn làng người Ê Đê. Vì thế, trên đường vào buôn, tôi vẫn có dịp nhìn ngắm những ngôi nhà sàn mang đậm kiến trúc Tây Nguyên. Có những ngôi nhà còn rất mới, nhưng cũng có những ngôi nhà cổ, dáng dấp xưa cũ nhuốm màu thời gian. Hiện nay, trong buôn vẫn giữ gìn nếp sống, văn hóa buôn làng và thường tổ chức các lễ hội đậm bản sắc Tây Nguyên.
Akô Đhông vẫn còn giữ nhiều ngôi nhà sàn đậm chất Tây Nguyên (Ảnh: key2015)
Sau khi tham quan một vòng buôn Akô Đhông, chúng tôi vào nhà hàng nằm trong khu du lịch sinh thái Ako Ea, ở đường Trần Nhật Duật, để thưởng thức đặc sản Tây Nguyên. Trong khu du lịch này có hồ nước, cầu tre, những ngôi nhà nhỏ nằm bên bờ hồ. Tới đây, tôi như chìm đắm trong không gian yên ả, trong trẻo của đất trời Tây Nguyên.
Bữa trưa hơi muộn, vì tôi mải mê tham quan buôn làng cho đến khi đói ngấu mới chịu đi ăn. Chúng tôi gọi mấy ống cơm lam, gà chạy bộ nướng muối ớt, rau rừng chấm kho quẹt, một đĩa gỏi bê thui và một tô canh rau rừng. Món ăn ngon, lại vừa đói vừa lạ miệng nên tôi ăn khá nhiều. Giờ ngồi nghĩ lại, vẫn thấy ngon!
Điểm tiếp theo mà tôi tới chính là Buôn Đôn, nơi đã gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ trong câu hát trong trẻo khi còn thơ bé. Buôn Đôn cách trung tâm thành phố khoảng 40km, trước đây đã từng là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, là nơi chung sống của các dân tộc Ê Đê, M’Nông, Gia Rai, Lào, Thái, người Kinh. Buôn Đôn được biết đến như là một nơi có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ở Buôn Đôn có rất nhiều thắng cảnh đẹp như thác bảy nhánh, du lịch cầu treo, hồ Đăk Mil, nhà sàn cổ, mộ vua voi, vườn quốc gia Yok Đôn, dòng sông chảy ngược Sêrêpôk.
Có ba thứ tôi ấn tượng khi đến Buôn Đôn. Đó là đi cầu treo, cưỡi voi vượt dòng sông huyền thoại và tiếp tục thưởng thức đặc sản của núi rừng. Vâng lại tiếp tục ăn đấy ạ!
Những cây cầu treo bắc trên cây gừa cổ thụ ở Bản Đôn
Cầu treo Buôn Đôn được làm bằng tre, nứa, song mây, có gia cố thêm cáp sắt. Cầu được bắc trên một cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Sêrêpôk đoạn chảy qua Buôn Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Sêrêpôk. Tán cây gừa bao trùm một diện tích rất rộng với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành nên trông rất lạ mắt. Vì vậy, cây cầu treo này cũng rất nhiều nhánh và dài khoảng 1 km. Cầu treo có nhiều phân đoạn gắn kết hài hòa với một hệ thống sàn nghỉ, nhà hàng gia công bằng gỗ cũng hoàn toàn nằm trên cây. Cái cảm giác đi trên cầu treo lắc lư theo nhịp chân khá là hồi hộp các bạn ạ. Nhất là đi qua những đoạn bắc qua nhánh sông, nhìn xuống dưới tôi càng run chân, chẳng dám đi nhanh.
Tôi đã phải đấu tranh tư tưởng lắm trước khi quyết định thử một lần cưỡi voi trong đời. Chẳng qua là tôi nhát. Đi đường bằng thì không sao, mà vượt sông bằng rừng thì cảm giác như chơi trò cảm giác mạnh. Cuối cùng anh bạn trấn an, quản tượng đảm bảo tôi mới dám leo lên lưng voi. Sau khi ngồi một lúc, quen cảm giác rồi thì cảm xúc của tôi cũng bình ổn trở lại, ngoại trừ vài lần voi đi vào vùng nước sâu. Voi thông thuộc lối đi trên sông, lối mòn trong rừng và ngoan ngoãn. Quả thực, ngồi bên trong chiếc bành voi, lắc lư theo từng bước chân của chú voi to lớn dưới sự điều khiển của chàng thanh niên nài voi người dân tộc rất thú vị. Tôi có thể thả lỏng tâm tình mà ngắm trời mây sông nước, ngắm núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn.
Trải nghiệm cưỡi voi vượt sông Sêrêpôk (Ảnh: Anna Han)
Ngày tiếp theo ở Đắk Lắk chúng tôi đi xa hơn, về huyện Lắk, ngắm những chiếc thuyền độc mộc trên hồ Lắk mênh mông. Vì muốn ngắm bình minh lên trên mặt hồ cũng vừa muốn tận hưởng một đêm thanh vắng giữa núi rừng, tôi ở lại đây một đêm. Sáng sớm nhâm nhi tách cà phê đậm đà hương vị Tây Nguyên, ngắm mặt hồ yên ả, ngắm nữ thần mặt trời vén mây… thật chẳng còn gì thú vị bằng.
Chiếc thuyền độc mộc trôi trên mặt hồ Lắk trong một sáng bình yên (Ảnh: Anna Han)
Rời huyện Lắk, tôi đi ngắm thác Dray Nur - Dray Sáp, thác nước hùng vĩ trên dòng sông Sêrêpôk. Thác nước này không cao, nhưng lại trải dài cả 100 m tạo nên cảnh quan đẹp mắt. Thác Dray Sáp ầm ầm đổ nước suốt ngày đêm bên vách đá sừng sững, bọt nước tung trắng xóa nhau tạo nên một cảnh đẹp lung linh, huyền ảo.
Thác Dray Sap tung bọt trắng xoá giữa dòng Sêrêpôk hùng vĩ (Ảnh: Anna Han)
Ngày cuối cùng trong chuyến đi, tôi dành trọn cho thành phố Buôn Ma Thuột. Chúng tôi cùng nhau đến nhà thờ chánh tòa, thăm viện bảo tàng, đi dạo quảng trường, ghé chợ mua sắm, đến làng cà phê Trung Nguyên thưởng thức ly cà phê thơm ngon và sau đó là ghé quán ăn thưởng thức món linh đơn Tây Nguyên vô cùng đặc biệt.
Chuyến đi quá vui khiến tôi thấy thời gian trôi thật nhanh. Tôi tiếc mình không thể kéo dài thêm vài ngày ở lại đây. Bạn tôi lại bảo không cần phải tiếc, lần sau có cớ để lên Đắk Lắk tiếp. Nghĩ cũng đúng, chưa khám phá hết, chưa thỏa mãn thì sẽ còn ngóng trông. Thôi thì, hẹn Đắk Lắk lần sau tôi lại đến!