Du lịch xanh 2025 có gì mới?
Ngành du lịch hồi sinh là tín hiệu đáng mừng với nhiều ngành kinh tế, nhưng lại đặt ra những gánh nặng tới môi trường và hệ sinh thái. Với 95% khách du lịch trên thế giới tập trung ở 5% diện tích đất liền, du lịch là một trong những ngành tác động trực tiếp tới môi trường, đóng góp 8% vào lượng khí thải toàn cầu.
Sự gia tăng của du lịch đại chúng đồng nghĩa với một số lượng khách du lịch lớn đổ xô đến những địa điểm du lịch nhất định, khiến nhu cầu về tiêu thụ nước, nguyên liệu thô và sản phẩm thực phẩm tăng cao. Điều này gây áp lực đến những nguồn tài nguyên địa phương, từ việc cộng đồng địa phương có thể bị thiếu nước, hay những cơ sở du lịch mọc lên dẫn đến việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên, cho đến việc đánh bắt quá mức để phục vụ khách du lịch. Nhiều di sản thiên nhiên và văn hoá cũng đang chịu tác động vật lý, dẫn đến tình trạng xuống cấp.
Các hệ sinh thái nhạy cảm như rạn san hô hay đường mòn trên núi, vốn là điểm thu hút khách du lịch, lại là những yếu tố dễ bị khách du lịch tác động nhất. Không phải ngẫu nhiên khi hàng loạt những điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới hiện đều lọt top địa điểm du khách không nên quay lại như Everest, Tulum, Venice, Santorini, Bali hay thậm chí Tokyo. Tình trạng quá tải khách du lịch là một trong những lý do lớn nhất để du lịch bền vững thu hút sự quan tâm của toàn ngành.
Dù du lịch bền vững đã là xu hướng trong nhiều năm trở lại đây, có một thực tế là ngành du lịch vẫn để lại những dấu chân carbon lớn. Hàng không vốn là phương thức phổ biến nhất vận chuyển du khách quốc tế đang trực tiếp phát thải nhà kính với mỗi chuyến bay. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ năng lượng ở các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng cao hơn rất nhiều với mức tiêu thụ thông thường ở hộ gia đình.
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc đã đưa ra Bộ quy tắc đạo đức toàn cầu về du lịch, nhấn mạnh vào những điểm chính như thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau, phát triển bền vững, bảo tồn các di sản văn hoá và tự nhiên, và thúc đẩy được cộng đồng địa phương. Bộ quy tắc này đã được thông qua vào năm 1999, nhưng nhiều người lầm tưởng chỉ có những cơ sở du lịch và kinh doanh vận tải mới phải quan tâm đến điều này. Tuy nhiên, đây cũng chính là kim chỉ nam hữu ích cho những du khách đam mê du lịch nhưng không muốn để lại dấu chân carbon.
Trong năm 2025, những xu hướng du lịch bền vững ngày càng được cụ thể hoá. Với tư cách những vị khách du lịch, đây chắc chắn sẽ là bí quyết hữu ích giúp bạn đi du lịch thông minh và có trách nhiệm hơn.
Khám phá những điểm đến ít người biết
Thay vì giới hạn những lựa chọn du lịch, hay khăng khăng tìm đến địa điểm đã quá nổi tiếng, du lịch bền vững khuyến khích bạn nên tìm kiếm những “viên ngọc ẩn”, ít được biết đến hơn để có những trải nghiệm độc đáo hơn. Ngoài ra, du lịch chậm cũng là hình thức ngày càng phổ biến. Cách tiếp cận này bao gồm việc đi du lịch ít thường xuyên hơn nhưng ở lại lâu hơn tại mỗi điểm đến để đắm mình vào văn hóa, môi trường và cộng đồng địa phương và đồng thời giảm lượng carbon đáng kể.
Lựa chọn chỗ ở được chứng nhận sinh thái
Các địa điểm cư trú này cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, như hệ thống sưởi ấm và làm mát được tối ưu hoá để giảm mức tiêu thụ năng lượng; những lựa chọn bền vững của điểm đến với thực phẩm và hàng dệt may; hệ thống quản lý chất thải có trách nhiệm; Tiết kiệm nước và năng lượng hiệu quả và những thực hành xây dựng có đạo đức. Một số chứng nhận sinh thái nổi bật cho cơ sở lưu trú bao gồm Green Key, Green Globe hay The European Ecolabel.
Khi đi nghỉ dưỡng và du lịch, khách du lịch cũng có thể trực tiếp thực hiện những phương cách bảo vệ môi trường như tắm nước mát và tắm nhanh hơn, tắt đèn khi ra khỏi phòng, giảm việc sử dụng điều hoà hay giảm việc thay khăn tắm và ga trải giường.
Lựa chọn thay thế cho du lịch hàng không
Việc giảm phụ thuộc vào du lịch hàng không là một trong những cách hữu hiệu nhất để giảm phát thải nhà kính. Tàu hoả là một lựa chọn thay thế máy bay ngày càng được quan tâm, với những chuyến tàu hạng sang liên tục được giới thiệu trong năm 2024 và 2025. Những lựa chọn giao thông địa phương cho khoảng cách ngắn như đi chung xe, xe đạp, đi bộ và phương tiện công cộng cũng sẽ giúp bạn trải nghiệm điểm đến sâu sắc hơn và bớt gây hại cho môi trường.
Tiêu thụ sản phẩm địa phương
Sản phẩm địa phương bao gồm ẩm thực và đồ lưu niệm thủ công. Ngoài việc có cơ hội khám phá tính đa dạng của truyền thống ẩm thực mỗi vùng đất, bạn cũng đang trực tiếp tham gia vào du lịch bền vững khi lựa chọn thực phẩm tươi có nguồn gốc địa phương và theo mùa, thay vì chọn thực phẩm khó tìm cần phải vận chuyển đường dài.