share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Dùng nét hoạt họa kể chuyện thẳm sâu


ADVERTISEMENT

Không còn là những nàng công chúa đầy phép màu hay những chuyến phiêu lưu với motif “anh hùng cứu mỹ nhân”, giờ đây,  những sản phẩm hoạt hình đến từ các hãng lớn đã sẵn sàng cùng người xem đi vào cuộc đối thoại trực tiếp với bản thân về những vấn đề sâu nhất trong tâm hồn con người.

Inside Out - Ta và cảm xúc

Vào năm 2015, Inside Out được khán giả mong chờ vì sự trở lại của đạo diễn Pete Docter, người đã gây tiếng vang với tượng đài của Pixar - “Up”.

“Inside Out” lấy bối cảnh bên trong tâm trí của con người khi họ được điều khiển bởi các cảm xúc: Joy (Vui vẻ), Sadness (Buồn), Fear (Sợ) và Anger (Giận dữ). Theo chân nhân vật chính Railey - một cô bé đang tận hưởng niềm vui ở quê nhà, nhưng mọi thứ lại bị đảo lộn khi gia đình cô chuyển tới San Francisco. Cũng như bên ngoài, những cảm xúc bên trong cũng xảy ra những xáo trộn mà “Vui vẻ” nghĩ sẽ chỉ mang đến cho cô sự phiền phức. Qua những xáo động này, đạo diễn Pete Docter đã dẫn dắt và cho ta thấy được tầm quan trọng của việc nâng niu từng cảm xúc trong cuộc sống bên trong mình.

Inside Out, Soul, Puss In Boots, Kungfu Panda 4, phim hoạt hình hay, phim hoạt hình ý nghĩa

Cuộc phiêu lưu của các cảm xúc trong phim cho ta cái nhìn khái quát về tâm lý học cũng như những suy tư sâu xa. Những sự tự ti, vùng ký ức lõi, những “hòn đảo” nhân cách cấu thành nên ta và cả cách mà ta sẽ đối diện với cảm giác khó chịu như thế nào. Có thể trong cuộc sống này, ta luôn tự tạo ra những cơ chế phòng vệ riêng cho bản thân để tránh những điều buồn bã, khó khăn xảy đến với chính bản thân mình. Nhưng liệu đó có phải là điều đúng đắn để thực hiện? Đâu mới là cách để ta đối diện với chính mình, với những khiếm khuyết hay những biến cố trong cuộc sống?

Với câu chuyện và bài học trực diện về việc biết xem trọng từng cảm xúc trong cuộc đời, “Inside Out” dễ dàng chiếm được thiện cảm của khán giả lẫn giới phê bình. Tác phẩm còn nhận về giải thưởng phim hoạt hình xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 88. Và tháng sáu tới đây, “Inside Out” sẽ một lần nữa quay lại màn ảnh rộng với phần thứ hai, kể về giai đoạn dậy thì của cô bé Riley với những cảm xúc mới: “Lo âu” (Anxiety), “Ghen tị” (Envy), “Chán chường” (Ennui) và “Xấu hổ” (Embarrassment). “Inside Out 2” dự kiến sẽ là một lát cắt khác với nhiều sắc thái mới mẻ và bất ngờ.

Inside Out, Soul, Puss In Boots, Kungfu Panda 4, phim hoạt hình hay, phim hoạt hình ý nghĩa

Soul - Nhìn thẳng vào hiện sinh

Cuối năm 2019, Pixar bất ngờ công bố tựa phim tiếp theo của mình mang tên “Soul”, bộ phim sẽ đưa người xem phiêu lưu qua cõi vũ trụ rộng lớn để trả lời một câu hỏi quan trọng trong đời.

Đạo diễn Pete Docter không khiến người xem thất vọng khi quay trở lại với “Soul” - một bộ phim lấy tiền đề về cuộc sống và nỗi lo hiện sinh của con người. Mở đầu với bối cảnh thành phố New York cùng Joe - một thầy giáo dạy thanh nhạc sắp chạm đến ước mơ của mình: Có cơ hội hòa thanh cùng ca sĩ mà mình thần tượng đã lâu.

Inside Out, Soul, Puss In Boots, Kungfu Panda 4, phim hoạt hình hay, phim hoạt hình ý nghĩa

Nhưng rồi Joe gặp tai nạn và linh hồn được đưa đến “Cõi Vô Cùng” (The Great Beyond). Sau đó anh cố thoát ra và rơi vào “Chốn Khởi Nguyên” (The Great Before). Tại đây, Joe phải hướng dẫn một sinh linh mang tên “22” để cô có thể tìm được “Tia Lửa” (The Spark) - yếu tố cuối cùng mà cô còn thiếu để có thể xuất hiện trên Trái Đất. Dù đã trải qua hàng trăm năm, nhưng “22” vẫn ở lại với “Chốn Khởi Nguyên” vì đơn giản… cô không thích việc được sống.

“Sao ai cũng háo hức sống một cuộc đời mà mọi người đều phải chết đi như thế” – Trích lời 22 trong Soul.

Chuyến phiêu lưu của Joe và 22 tại cõi sống đã mở ra nhiều lớp nỗi lo hiện sinh trong từng con người. Từ chuyện đơn giản tại tiệm hớt tóc, nỗi lắng lo của mẹ khi biết Joe sẽ không chọn một con đường bằng phẳng, đến ngay cả Joe - người luôn lấy những thành công trong cuộc sống làm kim chỉ nam duy nhất cho cuộc đời mình. Bộ phim đặt lên câu hỏi: Ta đến cuộc sống này để làm gì? Đâu mới là mục đích sống thực sự của ta? Và đâu mới là căn nguyên của mỗi con người?

Inside Out, Soul, Puss In Boots, Kungfu Panda 4, phim hoạt hình hay, phim hoạt hình ý nghĩa

Phim dựa trên thuyết hiện sinh - một chủ nghĩa triết học nổi tiếng vào thế kỷ XIX bàn về cốt lõi của sự sống và bên trong sâu thẳm của loài người. Pete Docter đã thành công khiến người xem đắm chìm trong vô số đợt sóng tư duy về sự tồn tại của chính mình trên cõi đời này. Với cốt truyện ấn tượng cùng màn trình diễn âm thanh xuất sắc, “Soul” đã thu về 3 tượng vàng Oscar danh giá: Nhạc phim xuất sắc nhất, Phim hoạt hình xuất sắc nhất và Âm thanh xuất sắc nhất tại lễ trao giải lần thứ 93 diễn ra năm 2021.

Puss In Boots: The Last Wish - Ngã rẽ cuối cùng

Vốn đã nổi tiếng với loạt phim “Shrek”, “Madagascar” và “How To Train Your Dragon”, hãng phim DreamWorks Animation đã đưa khán giả đến nhiều cuộc phiêu lưu kỳ thú với tiết tấu nhanh hóm hỉnh đặc trưng. Tuy vậy, sau bộ phim gần nhất của hãng là phần tiếp nối trong loạt phim “Boss Baby” không được bùng nổ như phần đầu, người xem đã đặt ra câu hỏi: Liệu DreamWorks có đang dậm chân tại chỗ hay không? Bởi lẽ, phim của hãng ngày càng xuất hiện một kiểu motif phiêu lưu dễ đoán.

Giữa những nghi ngờ đó, sự trở lại sau 11 năm của Puss In Boots: The Last Wish là một minh chứng rằng Dreamworks vẫn còn khả năng khai thác câu chuyện không những đầy đặn mà còn có chiều sâu về tính triết lý.

Inside Out, Soul, Puss In Boots, Kungfu Panda 4, phim hoạt hình hay, phim hoạt hình ý nghĩa

Câu chuyện mở đầu với hình tượng chú Mèo Đi Hia dũng mãnh chiến đấu với con quái vật khổng lồ để bảo vệ mọi người. Nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ, cậu lại bị tai nạn và được bác sĩ chẩn đoán rằng…cậu đã dùng hết 8 trong 9 mạng của mình (quan niệm mèo có 9 mạng), nếu “chết đi” thêm một lần nữa thì đây sẽ là lần cuối cùng. Trong khi cậu cho rằng những lời bác sĩ nói là sáo rỗng thì thần chết - trong hình dạng của một chú sói đã đến tìm cậu. Khác với những lần trước, cuộc thách đấu của Mèo Đi Hia đã gần như thất bại và phải bỏ trốn. Đó cũng là lần đầu tiên, một kẻ gan dạ lại chùn bước trước cái chết của chính mình.

Puss In Boots: The Last Wish là một tác phẩm đặc biệt của đạo diễn Joel Crawford. Ông đặt thẳng đích đến của đời người, cũng là nỗi ưu tư của thuyết hiện sinh “cái chết” vào một bộ phim hoạt hình tưởng chừng sẽ chỉ là một bản trường ca khác. Phim cho ta một thái độ rõ ràng về cách mà ta sẽ đối mặt với chính mình khi đi đến ngã rẽ cuối cùng của cuộc đời, dù theo hình thức và cách thức nào. Việc áp dụng kỹ thuật phim “2.5D”, đồ họa 3 chiều thông thường với những bức tranh màu nước khiến cho phim có độ huyền ảo trong phần nhìn.

Inside Out, Soul, Puss In Boots, Kungfu Panda 4, phim hoạt hình hay, phim hoạt hình ý nghĩa

Song song đó, những tuyến truyện phụ như “Godilock và ba chú gấu” nêu cao giá trị gia đình và “Jack Horner” với thông điệp về lòng tham của con người đan vào nhau, bổ trợ cho vấn đề của nhân vật chính. Quả thật, Puss In Boots là một trong những thước phim cho thấy khi cần thiết, DreamWorks vẫn có thể đưa người xem dấn thân vào nơi chưa đựng những suy tư thầm kín nhất của chính mình.

Kungfu Panda 4 - Chấp nhận dòng chảy vô thường

Kết thúc phần ba, sau khi Po trở thành Thần Long Đại Hiệp, sư phụ Shifu nói với Po rằng cậu phải trở thành nhà lãnh đạo tâm linh của Thung Lũng Hòa Bình. Điều đó có nghĩa, Po sẽ không còn là Thần long Đại Hiệp nữa và cậu cần tìm một ứng viên khác để kế nhiệm.

Hành trình lần này của Po có Zhen - một nàng cáo hành nghề trộm cắp bị Po bắt được. Cũng từ đó, thông tin về một phản diện mới dần lộ diện. Tắc Kè Bông - một phù thủy mạnh mẽ có thể thay đổi hình dạng thành bất kỳ động vật nào mà ả ta muốn.

Inside Out, Soul, Puss In Boots, Kungfu Panda 4, phim hoạt hình hay, phim hoạt hình ý nghĩa

Ẩn sâu trong những chuyến du hành và những cuộc tranh đấu là bài học về sự chấp nhận vô thường, lấy cảm hứng từ một trong ba pháp ấn trong Phật giáo. Vô thường nghĩa là sự vật không mang tính đồng nhất bất biến. Mọi sự đều có thể thay đổi, như Po phải từ bỏ danh phận Thần Long Đại Hiệp để tiến tới trạng thái cao hơn, như Tắc Kè Bông có thể thay đổi diện mạo và thuộc tính để thỏa mãn những ham muốn của mình. Sự biến đổi có khi là một hình thức để ta hướng tới những phiên bản của chính mình, hay chỉ là sự thay đổi vô tận mà sâu thẳm bên trong ta vẫn… trống không.

Kungfu Panda 4 đã cho thấy được một sự phát triển về khía cạnh tinh thần của nhân vật chính. Từ chú gấu trúc bị cho rằng không xứng đáng trở thành Thần Long Đại Hiệp, cho đến một Thần Long Đại Hiệp đang từng bước tiến đến nấc thang tiếp theo của cuộc đời. Sự xuất hiện của Đại Long - “phản diện” mùa đầu tiên cũng củng cố được tinh thần thượng võ, đề cao sự vô thường và chấp nhận những thay đổi trong cuộc sống giúp ta trở nên tốt đẹp hơn.

Những ví dụ trên là ví dụ cho thấy rằng cách khai thác nội dung phim hoạt hình đã thay đổi. Có lẽ, đối tượng khán giả chính của loại phim này đôi khi lại là những người “người lớn” đang trong quá trình trưởng thành, đang từng bước hoàn thiện bản thân từng ngày.


ADVERTISEMENT