share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Hành trình đến với Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất Thế Giới (P.2)


ADVERTISEMENT

Ngày thứ 2, trái ngược với hôm qua, chúng tôi từ ánh sáng cửa hang bước sâu vào vùng tối trong hang Én, thì hôm nay, chúng tôi từ vùng tối sâu thẳm trong hang bước ra quầng sáng lòa ở doline 1, cảm giác thực sự choáng ngợp.

So với đêm trước ngủ trong hang Én, đêm đầu tiên ngủ trong hang Sơn Đoòng có vẻ ngon hơn nhiều, một phần do mất sức đáng kể sau 2 ngày vất vả liên tiếp, một phần vì không khí trong hang khá lạnh, phải chui vào túi ngủ cho ấm và quan trọng nhất là không có tiếng lũ chim én ríu rít suốt cả đêm. Từ camp site 1, chúng tôi nhằm thẳng hướng ánh sáng ban mai tỏa xuống từ doline 1 đi tới. Trông vậy nhưng để đến được đó cùng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ vì đường còn khó đi hơn. Vẫn là những tảng đá cực lớn nằm san sát trong lòng hang buộc chúng tôi phải đi vòng và chui luồn qua những khe rất hẹp.

Sau khi di chuyển như vậy chừng nửa giờ, hết đi lên lại đi xuống, chúng tôi tới chân dốc của doline 1, nghỉ ngơi và chụp ảnh trước khi bắt đầu leo lên. Có 2 lối leo lên đỉnh của doline 1, một con đường của ánh sáng và một con đường của bóng tối. Con đường của ánh sáng ở bên tay phải, sáng trưng, rất dốc và nhiều đá cuội nhỏ, người đi phía trên có thể đạp vào đá và làm rơi trúng người đi phía dưới, nên nếu chọn đi lối này thì các đoàn phải chia thành nhiều nhóm nhỏ chỉ 3-4 người đi cùng nhau. Dĩ nhiên là với độ dốc như thế cũng đồng nghĩa với nguy cơ trượt ngã rất cao. Chính vì thế mà đoàn chúng tôi quyết định đi con đường của bóng tối. Đường này nằm ở bên tay trái, luồn dưới vòm hang tối om, đi phía trên dòng sông ngầm và phải đu dây leo lên chừng 20m.

Toàn bộ lòng hang Sơn Đoòng hầu như là 1 đường thẳng chạy hướng từ Nam ra Bắc, với 2 hố sụt ở giữa, đây chính là một đường đứt gãy lớn trong khối đá vôi Phong Nha Kẻ Bàng, góp phần lý giải cho kích thước khổng lồ của hang. Doline 1 là hố sụt đầu tiên, nằm ở phía Nam, còn doline 2 là hố sụt kế tiếp, nằm ở phía Bắc. Chân hố sụt 1 rộng tới 110m, để vừa 1 sân bóng đá với 1 sân tennis, được hình thành do nước sông ngầm bào mòn làm yếu trần hang, không đủ sức chống đỡ khối lượng lớn đất đá phía trên nên sụp xuống. Sau khi hố sụt hình thành, quá trình tạo thành nhũ đá vẫn tiếp tục, nước rỏ ở phía trên xuống tạo nên khối thạch nhũ lớn được ví như Bánh sinh nhật. Khối thạch nhũ này phải cao đến 50m tính từ chân, khoảng cách từ chân hố sụt lên tới miệng cỡ 90m, theo phỏng đoán của Watto. Vào mùa khô, “cái bánh” này khô khốc hẳn, nhưng vào mùa mưa có vể ẩm mịn hơn, vì liên tục có nước nhỏ xuống từ miệng hố sụt.

Bên dưới hố sụt 1 có một thảm thực vật mỏng, chủ yếu là cây thân cỏ, thêm vài cây thân gỗ nhỏ, tất cả tạo thành một khu vườn lớn màu xanh gọi là Vọng khủng long (Watch out for dinosaur).

Sau khi chụp chúng tôi hướng về phía hố sụt 2, và nghỉ chân ăn trưa ở ngay giữa những vách bồn trũng cực lớn tạo thành nhiều hồ nhỏ nước trong văn vắt, soi bóng những khối nhũ đá xanh từ trên hố sụt.

Sau khi ngắm doline 2 chán chê từ trên đỉnh núi thạch nhũ, nhóm tiếp tục men theo Watto leo xuống và bắt đầu đi về phía Vườn địa đàng. Chúng tôi bắt đầu xuyên rừng rậm để đến camp site phía bên kia. Mất thêm nửa giờ leo trèo nữa, camp site hiện ra trước mắt, nhỏ xíu trong miệng hang khổng lồ. 

Lúc này mới hơn 2 giờ chiều, chúng tôi nhanh chóng nhận lều, quẳng balo vào, ngồi nghỉ ngơi ít phút để tiếp tục đi sâu vào lòng hang xem thạch nhũ. Cứ đi vài chục mét là phải dừng lại, kinh ngạc và hí hửng tột độ bởi những khối thạch nhũ khổng lồ cứ xuất hiện nhiều dần, chụp bao nhiêu ảnh cũng chưa thể “đã” được. Từ vị trí camp site đi qua một bãi đá rộng phải tới gần 500m, mở ra một thế giới của con sông ngầm. Dưới chân bây giờ không còn là đất, đá hay thạch nhũ nữa mà là cát và bùn khoáng lắng đọng, hầu như bằng phẳng và cực kỳ rộng.
Lúc ấy là tầm 4:30 chiều khi chúng tôi đã ngắm hang động thỏa thích, Anetta dẫn cả đám xuống bến nước để tắm. Nước rất sâu và lạnh, hơi đục nhưng sạch, ai cũng công nhận đó là một trong những lần tắm sướng nhất và điên nhất trong đời.

(Còn tiếp...)

Tác giả Hoàng Lê Giang:

Được biết tới với vai trò là một phượt thủ nổi tiếng, là người Việt Nam đầu tiên chinh phục được Bắc Cực. Hoàng Lê Giang từng đi qua 30 nước trên thế giới, 7 lần chinh phục dãy Himalaya nằm ở Tây Tạng và từng sống sót sau khi trải qua trận bão tuyết ở Nepal. 


ADVERTISEMENT