share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Hồng Kông - Đâu chỉ chung cư cũ kỹ, điểm sấm và trà chiều


ADVERTISEMENT

Khi cả thế giới đã vội vã trở lại bình thường mới, xứ Cảng Thơm mới chậm rãi chào đón khách đến chơi nhà, một cách chậm rãi. Nhưng cái từ từ này cũng mang theo những sự thay đổi rực rỡ đến khó tin. Khám phá vùng đất này trong 24 giờ, mới thấy được rằng: Đâu chỉ chung cư cũ, điểm sấm và trà chiều mới là Hồng Kông!

Lần theo dấu ấn thời gian 

Mở đầu cuộc dạo chơi cùng movie tour Sheung Wan khám phá khung cảnh “ngày ấy” trong những thước phim ngôn tình, phim hành động nổi tiếng của Hồng Kông. Đây là một dạng tour đi bộ độc đáo, được dẫn dắt bởi một người hướng dẫn viên am hiểu và yêu thích những tác phẩm nổi tiếng. 

Ảnh: Expedia

Hơn một tiếng đồng hồ, cả đoàn sẽ thả bộ qua nhiều con phố cổ kính hay các khu nhà san sát để tìm lại cho chính mình mấy thước phim đẹp đẽ trong ký ức. Từ cảnh rượt đuổi ngoạn mục trong “Vô gian đạo”, tấm poster Lưu Đức Hoa, Trương Bá Chi lặng nhìn nhau trong “Đại hòa thượng”, đến con hẻm nơi Trương Mạn Ngọc xách cà-mèn đi mua cháo và chạm mặt người tình cũ... những màn ảnh lớn dần dần hiện ra trước mắt. Chúng rất thực và gần, vô tình dắt du khách vào cuộc hành trình thú vị đến quên mỏi, quên về. 

Sau những “lạc lối”, chúng tôi tìm đến một cha chaan teng - Hung Wan để kịp hiểu bao thế hệ người Hồng Kông ăn gì, uống gì mỗi ngày. Vào những năm 80, ẩm thực Tây Phương, đặc biệt là Anh, du nhập vào Hồng Kông với sandwich, trà uống kèm sữa, cà phê và bánh ngọt... chỉ phục vụ riêng cho tầng lớp giàu có. Nhưng với nhu cầu “ăn vui uống vui” của đại đa số người dân, cha chaan teng ra đời như một biểu tượng đa văn hóa, nơi ẩm thực phương Tây được biến tấu theo kiểu Quảng Đông (Canto-Western cuisine) nhằm nuông chiều những tâm hồn ăn uống. 

Ảnh: Viola Gaskell

Các món ăn điển hình của một cha chaan teng đích thực sẽ bao gồm trà sữa Hồng Kông, trà sữa uyên ương, bánh dứa kẹp bơ, bánh tart trứng và trà chanh lạnh. Đến Hung Wan, hớp ngụm trà sữa ngọt vừa đậm vị trà béo ngậy vị sữa, cắt miếng bánh dứa thơm lừng với lớp bơ tan chảy, và thêm miếng sandwich thơm ngon nhân bò bằm... thật tuyệt! Nhưng phải gọi thêm ly trà sữa thoang thoảng mùi cà phê nữa thì mới tròn.

Bữa trưa trong ánh đèn “tàu”

Nhoáng cái đồng hồ đã điểm ban trưa, chúng tôi lại tiếp tục thong dong trên những con đường, băng qua mấy tòa nhà cổ kính và chầm chậm nhìn ngắm những chiếc taxi đỏ biểu tượng… 

Ảnh: Ho Lan Jeng

Điểm dừng chân tiếp theo cho buổi trưa 18 độ C là Ho Lan Jeng - một quán ăn nổi tiếng với sự thân thiện. Bước chân vào quán, thực khách sẽ bị hút mắt bởi những tấm biển neon đậm chất “di sản văn hóa” xứ Cảng Thơm, kèm theo đó là mùi thức ăn thơm lừng. Thực đơn ở đây được biến tấu theo kiểu fusion nên những món ăn quen thuộc trở nên lạ miệng. 

Mở đầu menu là món sò điệp chua ngọt ăn kèm đông trùng hạ thảo vị chua chua, ngọt ngọt cuốn miệng. Chưa kịp phai thì món xá xíu thịt heo Iberico ướp thơm mềm trong mật ong và áp chảo cháy cạnh đã ngọt mọng và đậm đà. Những món ăn sau đó cũng vậy, rất thơm ngon và cảm tưởng như mọi giác quan đều được kích thích. Bữa trưa “nhẹ nhàng” kết thúc bằng chút đắng đắng của lớp bột sô-cô-la nguyên chất phủ trên chiếc bánh mochi dẻo mềm đẫm nhân, quyện cùng sự ngọt dịu sánh mịn của viên kem tươi nhà làm. Ho Lan Jeng, dù là cách phục vụ hay thức ăn, đều xứng đáng giữ chân thực khách quay lại thật nhiều lần nữa!

​Ảnh: Ho Lan Jeng

Thường thức nghệ thuật và lịch sử

Chúng tôi “lạc” vào chốn tinh hoa hội tụ với những bảo tàng, những triển lãm đương đại hàng đầu Hương Cảng tại M+ Museum. Đây là tổ hợp bảo tàng Văn hóa thị giác lớn nhất Hồng Kông với hơn 33 phòng triển lãm, mỗi phòng lên rộng từ 1.000 đến 2.500 mét vuông. M+ Museum trưng bày tất cả những sản phẩm, công trình thị giác đặc sắc nhất, từ cổ vật, tác phẩm nghệ thuật, phục dựng không gian đến những triển lãm kỹ thuật số đa giác quan. 

Lần đầu tiên được dạo một vòng quanh phòng triển lãm Madame Song, ngắm nhìn những thiết kế độc quyền Pierre Cardin dành riêng cho người phụ nữ tuyệt vời này, cả những tác phẩm thời trang của bà, nổi trội như bộ hoàng bào của hoàng hậu trong phim điện ảnh Hoàng đế cuối cùng…  

Ảnh: M+ Museum

Rời phòng trưng bày phía Tây, chúng tôi đến khu bảo tàng Nghệ thuật Trung Quốc đương đại, nơi hơi thở phương Đông quyện hòa cùng âm hưởng nghệ thuật phương Tây đem đến những trải nghiệm thị giác vượt bậc. Có lẽ không có bất kỳ mỹ từ nào có thể diễn tả được cảm giác được hòa mình vào những gì tinh túy nhất của nghệ thuật, đến những suy tư để lại sau khi nhìn ngắm chúng. 

Oi Man Sang đêm náo nhiệt

Lưu lại M+ Museum đến tận chiều, chúng tôi quyết định trở về sự nhộn nhịp của Hồng Kông bằng một bữa tối náo nhiệt tại Oi Man Sang với phong cách ẩm thực dai pai dong đặc trưng. Dai pai dong? Cùng lục lọi trí nhớ về một xe đồ ăn được sơn màu xanh lá đậm đặt ngay bên vỉa hè của những phố phường tấp nập ở Hồng Kông, với mấy chiếc ghế nhựa xanh trắng đỏ đặt bên hông làm chỗ ngồi. Tiếng xì xèo, leng keng của mấy chiếc vá kim loại, tiếng lửa bén lên vành chảo, làm nức lên mùi đồ ăn thơm ngon, phảng phất mùi dầu tỏi và mùi chảo được tôi qua năm tháng. Đây chính là văn hóa dai pai dong phát triển mạnh mẽ và bền vững qua tháng năm ở đây.  

Ảnh: TheSmartLocal

Và, một trong những nơi tuyệt vời nhất để thưởng thức dai pai dong có lẽ là Oi Man Sang, một trong những ki-ốt thức ăn hơn 60 năm tuổi, nay đã dần dà phát triển “từ ngõ vào tận nhà” với hai gian chật kín khách, nhưng vẫn giữ lại nét truyền thống với hai quầy bếp ngay vệ đường. 

Ở Oi Man Sang, nổi tiếng nhất là mực một nắng xào hoa hẹ và hạt điều cùng món bò xào khoai tây. Nghe đơn giản nhưng đây thực sự là món ăn giữ chân thực khách lâu năm. Bò mềm, mọng nước, chỉ cần nhai nhẹ đã cảm nhận được sự quyến luyến nơi đầu lưỡi. Khoai tây ăn kèm được cắt múi cau, chiên sơ qua cho vỏ giòn, bùi béo, ngầy ngậy. Kèm thêm đó là một vài lát ớt tươi, cay vừa đủ để cân bằng được ngũ hành. Chắc hẳn phải thưởng thức qua, mới cảm nhận đủ tinh túy của một “thương hiệu” nổi tiếng. 

Ảnh: That Food Cray!!!

Và chưa dừng lại ở đó…

Chúng tôi leo lên Ding Ding, tìm đến đường Ning Po để kịp ăn chén chè tráng miệng. Giữa sự tấp nập của dòng người qua lại, nhịp hối hả của dân văn phòng tan tầm cùng ánh đèn tắt dần, Ding Ding đem đến một cảm giác chậm rãi đến lạ. Từng trạm xe dần lướt qua với tiếng “ding ding” vui tai đến tận Kai Kai dessert. 

Không hổ danh là tiệm chè Michelin, người đợi ăn xếp dài từ trong nhà ra ngoài hẻm. Kể cũng đúng, trong tiết trời se lạnh mà được cắn một viên trôi nước vỏ mỏng tan, nhân mè đen béo ngậy hòa cùng nước đường gừng ấm người thì có đợi chút cũng không sao. Kai Kai cứ như vậy, dùng chút “ngọt ngào” thanh dịu của mình mà chinh phục khẩu vị của bao thế hệ. 

Ảnh: Hong Kong Tourism Board

Một chuyến đi chóng vánh nhưng để lại trong chúng tôi quá nhiều tương tư: Tại sao Hồng Kông lại đẹp đến vậy? Tại sao sự pha trộn giữa vẻ cổ điển và hiện đại lại hoàn hảo như thế? Ngồi trên chuyến bay rời đi, nghe những câu thông báo bằng tiếng Quảng Đông hòa lẫn tiếng Anh, tổ hợp mới - cũ đẹp đẽ này như được cộng hưởng thêm nhiều lần. Hồng Kông, nhiều hơn những chung cư cũ, điểm sấm và trà chiều.

>> Xem thêm: "8 chữ lắm" khi du lịch mùa thu xứ cảng Hong Kong
>> Xem thêm: Du lịch nông nghiệp Thái Lan: Khám phá thiên nhiên kết hợp văn hóa độc đáo


ADVERTISEMENT