Huế và thế giới lặng im
Người ta vẫn bảo Huế buồn. Buồn mà lãng mạn. Huế buồn với người ham vui. Huế vui với người coi sự bình yên làm nhà. Vì là một cố đô, thời phong kiến chưa đi qua 1 thế kỷ, Huế vẫn còn mang dấu ấn rất đậm của vùng đất kinh kỳ một thời. Từ tên đường, tên phố, các địa điểm du lịch đến cách con người Huế sống. Và đến nơi này, tôi cũng không thể không ghé thăm một thế giới lặng im, điều làm nên điều riêng biệt của xứ này - thế giới của lăng tẩm đền đài.
Huế là kinh đô nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, là triều đại gần nhất với lịch sử hiện đại. Nhà Nguyễn có tổng cộng 13 vị vua song vì lý do chính trị mà hiện nay chỉ có 7 khu lăng tẩm được xây dựng. Lăng tẩm các vua triều Nguyễn được xây dựng hoàn toàn ở phía nam Kinh thành Huế, bên dòng sông Hương và nằm trên các gò đồi, nơi có rất nhiều cây xanh, hồ nước, sông suối. Cả bảy ngôi lăng đều hội tụ những nguyên tắc phong thủy “Sơn triều thủy tựu”, “tả long hữu hổ”, xứng với nơi an nghỉ của người đứng đầu đất nước một thời. Tuy vậy, mỗi khu vực lăng tẩm đều mang những nét kiến trúc phù hợp với tính cách và sở thích của mỗi vị vua. Đến Huế vào những ngày hè, cũng không có đủ thời gian để đi hết tất cả lăng tẩm và vì một số lăng đang đóng của trùng tu, tôi chỉ có dịp ghé vào ba lăng nổi tiếng và cũng dễ đi nhất.
Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng)
Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng) cách xa thành phố nhất và cũng rộng nhất trong ba lăng tẩm tôi đi. Dù rằng là nơi cuối cùng tôi ghé thăm, nhưng tôi muốn nhắc tới các lăng theo đúng thứ tự ngôi thứ của nhà Nguyễn, và bắt đầu với vị vua thứ hai của triều đại này. Nếu như lăng Tự Đức mang đầy vẻ phong thủy hữu tình, lăng Khải Định tràn đầy sự kết hợp độc đáo giữa phương Đông và phương Tây thì điều tôi cảm nhận được ở lăng Minh Mạng là nét truyền thống rất thuyền túy chuẩn mực của Nhà Nguyễn, hết mực cổ xưa và đậm đà màu sắc Nho giáo, phản ánh đúng con người của vị vua này khi còn sống - thâm sâu, uyên bác, tinh ông Nho học, sùng đạo Khổng Mạnh, không thích phương Tây.