W Coffee Talk Khởi Đăng Tác Khí – Giá trị truyền thống trong những chiếc đèn lồng cổ
Đi cùng nhịp sống hiện đại, dịp Tết Trung Thu đang dần được “cách tân”. Đêm trăng tròn sáng rực mâm cỗ, đủ thứ bánh trái mang hương sắc mùa thu, Con Lân, Ông Địa và vô vàn món đồ chơi thủ công rực rỡ sắc màu… những hình ảnh thân thương cũng mất đi sự phổ biến. Nhưng giữa dòng chảy này, vẫn có những người chọn tìm về giá trị truyền thống, gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của Trung Thu nói riêng và văn hoá Việt nói chung.
“Khởi Đăng Tác Khí” cũng vậy, nhóm bạn trẻ ở TP. HCM chuyên phục dựng những món đồ chơi Trung Thu cổ lên đến hàng thập kỷ như Đèn lồng Cự Giải, Đèn lồng Cá chép, Tiến sĩ giấy… Tất cả đều được thực hiện thủ công, tỉ mẩn với nhiều công đoạn, chất liệu sao cho giống nhất với sản phẩm của nghệ nhân xưa.
Trong không khí của ngày trước “ngưỡng cửa” Trăng Rằm, WOWWEEKEND đã có dịp khám phá công xưởng nhỏ của “Khởi Đăng Tác Khí” và trò chuyện với các thành viên về hành trình phục dựng và đam mê “giữ lửa” nghề truyền thống.
“Khởi Đăng Tác Khí” ra đời từ đâu? Mọi người đã gặp gỡ nhau như thế nào?
Mình là Kim Thuỷ cùng chồng là Hoàng Sơn đều xuất phát từ ngành Kiến Trúc - Nội Thất (ĐH Kiến Trúc TpHCM). Vợ chồng mình cùng các bạn làm ở Khởi Đăng có chung niềm yêu mến văn hoá, mong muốn cùng được chung tay giữ gìn và phát huy những giá trị Việt.
Nhận thấy trong những dịp lễ hội, nét đẹp riêng của một dân tộc/quốc gia được thể hiện rõ nét nhất. Tụi mình cố gắng phục dựng những chiếc lồng đèn, những món đồ chơi lễ giống với tác phẩm của các nghệ nhân xưa cách đây 100 năm. Thông điệp của mình muốn gửi đến là người Việt mình đã luôn tỉ mẫn, cẩn thận và khéo léo.
Những bạn làm chung với tụi mình có độ tuổi trung bình là 20 và hiện là sinh viên của những trường mỹ thuật, kiến trúc. Lúc đầu mình tìm trên những hội nhóm việc làm sinh viên, có nhiều bạn đã tới cũng như đã đi vì không phù hợp với nghề thủ công truyền thống. Những bạn còn ở lại là những bạn mang nhiều đam mê cũng như tay nghề khéo léo, phù hợp với sự tỉ mỉ của công việc truyền thống.
Bạn đọc hẳn rất tò mò với cái tên “Khởi Đăng Tác Khí”, nó có ý nghĩa gì đặc biệt?
Tên nhóm lấy cảm hứng từ điển tích “Nhất Cổ Tác Khí” (一 鼓 作 氣): “Nhất cổ” là tiếng trống nổi lên khi bước vào trận chiến, “tác khí” với tác là nhấc lên, như trong cụm “chấn tác tinh thần” (振 作 精 神) tức làm tinh thần phấn chấn. Nay tuy không còn chiến trận hữu hình, nhưng hành trình giữ gìn văn hoá xưa cũng khó khăn không kém. Bắt đầu từ những mẫu lồng đèn xưa, “Khởi Đăng Tác Khí” (起 燈作 氣) mong muốn có thể góp phần vào công cuộc này, hun đúc tình yêu văn hóa Việt.
Trong suốt thời gian hoạt động, bộ sưu tập/sản phẩm nào khiến nhóm tâm đắc nhất?
Chúng mình đã phục dựng Lồng đèn cặp Vọng Nguyệt (tái hiện bằng giấy Dó), Tiến sĩ giấy, Lồng đèn Ngư Long, Lồng đèn Cự Giải... Tất cả sản phẩm đều được thực hiện bằng niềm yêu thích và nhiều tâm huyết. Nhưng có lẽ kỳ công, tinh xảo nhất là đồ chơi Tiến sĩ giấy được chế tác từ gần 500 mảnh chi tiết.
Chưa kể, sự “đứt gãy” văn hoá khiến nhiều người cho rằng sản phẩm này không thể hiện giá trị văn hoá gì. Trong khi ý nghĩa của Tiến sĩ giấy là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn" – Tiến sĩ giấy tượng trưng cho những vị tiến sĩ đỗ cao, làm quan thanh liêm có công an sinh hay bảo vệ bờ cõi, đất nước. Đã có rất nhiều bậc quan được vinh hiển trở thành thần hoàng bảo vệ làng xã. Tiến sĩ giấy trên mâm cỗ Trung Thu, trong góc bàn học là mong muốn những đứa trẻ trong nhà cũng sẽ noi gương hay tài đức kiêm toàn.
Quy trình làm ra một chiếc lồng đèn của “Khởi Đăng Tác Khí”?
Sau khi nghi cứu tư liệu hình ảnh và phỏng dựng, chúng mình thử nghiệm từ hình dáng đến vật liệu và bắt đầu quy trình. Đầu tiên là 9 tiếng uốn, nối và ráp. Những thanh trúc thẳng sẽ được dùng nhiệt uốn thành đường cong hay nối lại làm một vòng liền nhau rồi ráp thành hình.
Sau khi tạo khung là bước dán. Căng lớp giấy kiếng trên bề mặt, quét keo lên khung để dán và căng thẳng theo những đường cong. Cần tỉ mỉ nếu không sẽ làm rách giấy kiếng hay để lại nếp nhăn, không kéo cọ thẳng được trong khi vẽ. Từ 16 đến 20 tiếng tiếp theo là bước lựa chọn và vẽ màu phù hợp: màu khoáng, màu poster, acrylic… Cuối cùng, lắp các bộ phận của lồng đèn lại, căng chỉnh dáng lồng đèn trên dây treo và hoàn thiện.
Trong quá trình thực hiện lồng đèn, điểm hấp dẫn nhất với “Khởi Đăng Tác Khí” là gì?
Chính là sự cải tiến không ngừng. Từ những sản phẩm thủ công truyền thống, chúng mình luôn tìm tòi, sáng tạo hơn trong việc ráp khung, cách dán giấy kiếng, đi cọ, sử dụng màu hay làm sao để sản phẩm có thể tháo lắp dễ dàng, nhỏ gọn, di chuyển được nhiều nơi.
Giữ gìn văn hóa truyền thống là một việc không hề dễ dàng. Chắc hẳn các bạn đã phải trải qua ít nhiều những khó khăn, hãy chia sẻ một chút với WOWWEEKEND cùng bạn đọc nhé!
Khó khăn lớn nhất của xưởng trong giai đoạn đầu là bỡ ngỡ không biết phải bắt đầu từ đâu. Tư liệu hình ảnh hiếm hoi, khá mờ hay không đủ thông tin về vật chứng, nhân chứng do khoảng cách thời gian đối chiếu quá xa (từ những năm 1920). Phải mày mò lại từ dáng tới hình, từ chất liệu tới cách thực hiện bằng phương pháp nào là phù hợp nhất. Cũng không ít lần, chúng mình có xung đột trong việc làm sao để vừa hiệu quả, cải tiến nhưng không mất đi cái cốt lõi bên trong là truyền thống, tinh tế, tỉ mỉ.
Nhưng sau tất cả, khi nhìn thấy hình ảnh những món đồ chơi truyền thống được sống lại lần nữa, chúng mình vô cùng hạnh phúc và tự hào!
Thời gian tới, “Khởi Đăng Tác Khí” có dự án nào mới không?
Chúng mình dự định làm những workshop nhỏ lan toả kiến thức, kĩ thuật làm lồng đèn đến với mọi người cũng như hợp tác với những hoạ sĩ, nhà thiết kế có chung mong muốn sáng tác trên chất liệu truyền thống để nâng tầm giá trị văn hoá Việt.
“Khởi Đăng Tác Khí” kết hợp cùng NTK Trương Tấn Linh
Cuộc sống hiện đại với vô vàn điều mới mẻ và hoa lệ, nhưng những hình ảnh truyền thống bao giờ cũng rất đẹp đẽ và đáng trân quý. Chúng góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc, là “linh hồn” của đất nước, quê hương.
Cảm ơn Khởi Đăng Tác Khí vì buổi trò chuyện đầy cảm hứng! Chúc các bạn từng bước vững vàng hướng đến mục tiêu và thực hiện giấc mơ của mình!
>> Xem thêm: Trung Thu xưa và nay