share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Reminiscence & Heritage Trung Thu xưa và nay


ADVERTISEMENT

“Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới ánh trăng vàng đàn em cất tiếng hát vang...”

Nghĩ về giai điệu này, tâm hồn ai cũng xao xuyến hân hoan về một mùa Trung Thu đang đến gần. Năm nay, rằm tháng Tám rơi vào ngày 29 tháng 9 dương lịch, tức chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là Trung Thu “gõ cửa”.

Cùng lúc đó, giữa nhịp sống đô thị đông đúc, người ta bắt đầu bàn luận về hai luồng ý niệm đối lập: Trung Thu xưa và nay, truyền thống và hiện đại, giá trị cũ và giá trị mới. Để rồi, trong lòng nhiều người lại dấy lên một nỗi khắc khoải: Liệu ta có đang lãng quên Trung Thu?

Trung Thu trong ký ức

Ít ai nghĩ rằng một nghi thức lễ tết gắn bó chặt chẽ và mang nhiều đặc trưng của Việt Nam lại chịu ảnh hưởng của văn hóa du nhập. Trung Thu là ngày Tết ẩn chứa trong mình các cấp độ ý nghĩa tăng tiến, từ Tết vui chơi của trẻ em, Tết đoàn viên của gia đình cho đến ngày lành để gửi gắm bao ước vọng của người dân đến thần Mặt Trăng.

Hai từ “Trung Thu” có nghĩa đơn giản là “giữa mùa thu” - dịp mà mặt trăng to, tròn và tỏa sáng nhất. Từ hình dáng mặt trăng vào ngày này, người xưa thường liên tưởng đến sự sum họp, đủ đầy nên Tết Trung Thu cũng chính là Tết đoàn viên.

Trung Thu, Trung Thu 2023, Trung Thu xưa và nay, Tết Đoàn Viên, văn hoá ViệtẢnh: L.T.K

Nhờ mang ý nghĩa đoàn viên, tất cả các thế hệ trong một gia đình đều trông chờ dịp này để được quây quần trên khoảng sân rộng và cùng chia sẻ những “thú vui độc quyền” của Tết Trung Thu. Như thư thái đắm mình trong ánh trăng sáng vằng vặc; nhâm nhi bánh nướng, bánh dẻo kèm theo chút trà ướp sen thật thơm; rồi tổ chức vô số hoạt động cộng đồng thú vị khác như múa lân, rước đèn v.v.

Nói riêng về mâm cỗ Trung Thu để trẻ em phá cỗ, các gia đình trước đó luôn chú trọng hai khâu sắm sửa và bày biện. Mỗi gia đình ở các vùng miền khác nhau có thể chuẩn bị mâm cỗ theo cách riêng, song vẫn đảm bảo một số vật phẩm cơ bản là ngũ quả (chuối trứng cuốc, hồng đỏ, na, bưởi và lựu); bánh Trung Thu (bánh nướng và bánh dẻo); trà dùng khi thưởng bánh; đèn lồng phết giấy v.v. Việc các thành viên trong gia đình góp sức để chuẩn bị mâm cỗ đẹp mắt và đầy đủ nhất cũng chính là cách đề cao tính đoàn viên của một mùa Trung Thu ấm cúng.

>> Xem thêm: Xóm lồng đèn – Nơi những ký ức tuổi thơ được lưu giữ

Trung Thu, Trung Thu 2023, Trung Thu xưa và nay, Tết Đoàn Viên, văn hoá ViệtẢnh: Đoàn Phương Thảo

Sau khi phá cỗ với người lớn xong, trẻ con từ các nhà trong làng sẽ tập trung lại để chuẩn bị rước đèn. Chiếc đèn ấy có một vòng tròn kim tuyến bao quanh ngôi sao năm cánh bằng giấy kính đỏ và xanh. Sau này, người ta sáng tạo thêm nhiều hình thù bắt mắt khác cho đồ chơi Trung Thu, song hình ảnh “chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu/cán đây rất dài cán cao quá đầu” mãi để lại những ấn tượng khó phai trong lòng bất cứ đứa trẻ nào.

Các hoạt động tiêu biểu kể trên đã biến Trung Thu trở thành một dịp gợi nhắc cũng như nối dài những kỷ niệm tươi đẹp. Người lớn thông qua Trung Thu mà hồi tưởng thời ấu thơ hồn nhiên chạy chân trần trên con đường làng để đi rước đèn; trẻ con nhờ có Trung Thu lại làm đầy ắp thêm miền ký ức vui vẻ bên người thân, mà rất có thể những ký ức ấy sẽ là hành trang vô giá cho tương lai.

Trung Thu thời “hiện đại”

Theo thời gian, ít nhiều hoạt động trong ngày Tết Trung Thu xưa đã bị giản lược. Đây có lẽ là sự thay đổi tất yếu cho phù hợp với nhịp sống hiện đại.

Thay vì tự tay chuẩn bị một mâm cỗ Trung Thu cầu kỳ và long trọng cả tháng trước đó, các gia đình ngày nay cùng với sự phát triển của công nghệ và nhiều tiện nghi vốn có dễ dàng tiết kiệm thời gian và công sức. Thị trường mua sắm các sản phẩm Trung Thu cũng chẳng thiếu thứ gì, từ đa dạng loại bánh đến những món đồ chơi dễ tìm, dễ mua...

Trung Thu, Trung Thu 2023, Trung Thu xưa và nay, Tết Đoàn Viên, văn hoá ViệtẢnh: Tường Vy

Thậm chí, một số gia đình bận rộn còn chủ động đơn giản hóa mọi thứ và chỉ giữ lại vài hoạt động đặc trưng như mua bánh Trung Thu và hoa quả về thắp hương, cho trẻ em lên phố Hàng Mã (Hà Nội), phố Lương Nhữ Học (TP.HCM) để mua đèn lồng và tận hưởng không khí nhộn nhịp v.v.

Quy mô Trung Thu ở nhiều nơi cũng dần bị thu hẹp, từ quy mô cả làng như thời xưa nay chỉ gom lại vài hộ gia đình thân quen hoặc tổ chức riêng cho trẻ em trong một tổ dân phố. Nếu có điều kiện thì tổ dân phố sẽ phát bánh kẹo, đèn ông sao cho trẻ em, tổ chức biểu diễn văn nghệ v.v. Nếu không thì các gia đình tự túc, nhà nào có sân thượng sẽ quây quần trong nhà với nhau để trông trăng.  

Trung Thu, Trung Thu 2023, Trung Thu xưa và nay, Tết Đoàn Viên, văn hoá ViệtẢnh: MLST

Nhìn chung, sâu trong tâm tưởng mọi người vẫn luôn nhớ về Trung Thu vì bằng chứng là ai ai cũng cố gắng mua tối thiểu hộp bánh nướng, bánh dẻo để thắp hương và nhâm nhi sau đó. Dẫu vậy, nhịp sống bận rộn và tư tưởng hiện đại quả thực đã ảnh hưởng nhiều đến cách thức đón Tết Trung Thu của mỗi nhà.

Từ đây, câu hỏi đặt ra là liệu ta có đang lãng quên Trung Thu?

Đáp án là sự “cách tân”

Cách thức đón và chơi Tết Trung Thu đã thay đổi, song cái hồn hay chính là tinh thần chung của ngày này chưa bao giờ mất đi. Chỉ có điều, “chiếc áo” đậm đà truyền thống của cái hồn ấy đã được “khoác” lên mình một kiểu dáng mới mang tên: cách tân.

Cụ thể, một số người, bao gồm các bạn trẻ biết sáng tạo những cách thức rất riêng để chào đón ngày Tết quan trọng này.

Những năm qua, cô bạn Nguyễn Thị Thùy Dương (Hà Nội) đã trổ tài điêu khắc tranh dân gian trên bề mặt bánh Trung Thu, độc đáo hơn nữa là trực tiếp tạo hình nghệ thuật 3D cho bánh thành các hình thù con gà, con trâu, một góc làng quê v.v với các chi tiết sống động như thật.  

Hay đôi bạn trẻ Nguyễn Thùy Chi và Lê Sơn Tùng (Hà Nội) từng tái hiện sân khấu rối nước ngay trong hộp bánh Trung Thu để thể hiện sự tôn trọng dành cho văn hóa nước nhà, đồng thời giúp mọi người tiếp cận văn hóa theo cách sáng tạo, mới lạ.

Trung Thu, Trung Thu 2023, Trung Thu xưa và nay, Tết Đoàn Viên, văn hoá Việt

Trung Thu, Trung Thu 2023, Trung Thu xưa và nay, Tết Đoàn Viên, văn hoá ViệtẢnh: Chichi&Stung

Có năm Trung Thu đúng vào giai đoạn dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Xuân Hoa (Hải Phòng) đã lên kế hoạch trông trăng theo cách riêng, cụ thể là làm đèn lồng từ phế liệu. Chị tận dụng chai lọ nhựa và túi ni lông để cho ra đời những chiếc đèn lồng vừa độc đáo, vừa góp phần bảo vệ môi trường. 

Một số gia đình có con nhỏ còn “thổi làn gió mới” cho mâm ngũ quả bằng cách tạo hình nhiều con vật dễ thương từ chính những loại trái cây quen thuộc hàng ngày như minions làm từ dưa hấu, thiên nga làm từ táo, rùa làm từ vỏ cam v.v.

Trung Thu, Trung Thu 2023, Trung Thu xưa và nay, Tết Đoàn Viên, văn hoá ViệtẢnh: Lê Hằng

Kết luận lại, Trung Thu ngày nay là sự tổng hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Hai giá trị ấy cộng hưởng, hòa quyện và làm đẹp thêm cho dịp Tết quan trọng của dân tộc. Tính truyền thống nhắc nhở con người ta dù có “cách tân” Trung Thu bao nhiêu đi chăng nữa cũng phải giữ gìn vẹn nguyên những giá trị cốt lõi; còn tính hiện đại đã đáp ứng được nhu cầu về sự tiện lợi và tiết kiệm, đồng thời đưa Trung Thu với “màu áo mới” trở nên tiệm cận thế hệ trẻ hơn.

Bất luận đón Trung Thu theo cách thức nào, chỉ mong rằng một gia đình dù có nhiều thế hệ đến mấy thì khi ngồi lại bên nhau trong một dịp đặc biệt như thế, khoảng cách thế hệ cũng sẽ bị xóa nhòa. Song song đó, mọi lo toan về cuộc sống thường nhật hay tương lai phía trước tạm được gác lại. Mỗi người sẽ có cơ hội trở về với phiên bản hồn nhiên nhất của chính mình để chào đón Trung Thu bằng tất cả niềm hân hoan, rạo rực như trong ký ức xưa.

>> Xem thêm: 8 lễ hội mùa thu đặc sắc vòng quanh thế giới


ADVERTISEMENT