share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Reminiscence & Heritage Những khoảng lặng thời gian bên ly cà phê Huế


ADVERTISEMENT

Bạn ở phương xa đến chơi, thế nào cũng được người Huế mời đi cà phê. Đến cà phê bởi không có nơi nào có đủ không gian, âm sắc và hương vị cho một cuộc hàn huyên đến như thế. Văn hóa cà phê Huế không chỉ là nét khắc họa những bức chân dung xứ Huế, mà còn phản ánh nhịp sống một phố thị vốn giàu truyền thống văn hóa. 

Một góc quán cà phê nửa tối nửa sáng, phản chiếu những khuôn mặt trầm tư, với điếu thuốc trên tay, khói thuốc của vị khách này hòa quyện với khói thuốc của vị khách kia, tạo nên cái vẻ mơ màng, trầm tư mà càng ngắm lại càng thấy “ có chút gì rất Huế”. Đó là những hình ảnh bạn có thể bắt trọn dù chỉ tình cờ thả bước chân dọc con phố cổ Chi Lăng trong khoảng 5-6 thập kỷ trở lại đây, nhưng ít ai biết rằng, cà phê vốn là thứ đồ uống thời thượng vào đầu thế kỷ 20, khi theo người Pháp đến xứ này. 

Chuyện kể rằng, cà phê lúc đó thường được phục vụ trong những khách sạn hay quán cà phê nổi tiếng và chỉ dành riêng cho người Pháp cũng như giới trí thức tây học. Vậy mà, rồi phong vị và cách thưởng lãm một thứ đồ uống tưởng rất xa xỉ ấy đã thấm vào nhịp sống người Huế lúc nào không hay. Khi giới trí thức, học sinh và văn nghệ sĩ tề tựu ở mảnh đất giàu truyền thống học thuật này, cà phê đã trở thành nhịp cầu giao tiếp giữa những người bạn, là không gian chia sẻ của giới văn nghệ sĩ. Thậm chí giờ đây, khi hỏi nhiều người già ở Huế về những năm tháng ấy, hình ảnh những chàng trai cô gái thi sĩ trẻ đọc thơ, gảy ghi ta cho nhau nghe còn vấn vương mãi trong ký ức thế hệ thanh niên sôi nổi một thời ở Huế. 

Với người dân xứ Huế, cà phê là ký ức, là sóng sánh những mảng màu thời gian của một thành phố nên thơ và không bao giờ thôi lãng mạn. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong những trang viết về năm tháng tuổi trẻ của ông những người bạn là nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn và họa sĩ Trịnh Cung: “ Chúng tôi đi theo đường phố dọc sông Hương, rẽ sang cầu Trường Tiền và ngồi ở một quán cà phê nổi tiếng thời đó”. Đó, cuộc sống của những nghệ sĩ lớn đương thời, sao có thể thiếu một góc quán cà phê quen để gắn bó với một phần tuổi trẻ? 

Kì thực những năm 60-70 có thể coi là thời kỳ văn hóa cà phê ở Huế dần thành hình, nào cà phê Thành Nội, cà phê Lạc Sơn, cà phê Phấn… văn hóa cà phê dần trở thành di sản và thói quen của nhiều người Huế, từ người lao động đến giới trí thức, nghệ sĩ. Ở số 139 Chi Lăng có quán cà phê tên Dạ Thảo thành lập từ năm 1969, giờ đã trở thành quán cà phê lâu đời nhất ở mảnh đất Cố đô, ở đây, người ta bắt gặp rất nhiều những người già và trung niên, những người lao động tay cầm điếu thuốc, hoặc chăm chú đọc tờ báo mới, hoặc lơ đễnh trầm tư trong âm nền là những bản nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh quen mà chẳng bao giờ cũ. Chân dung cà phê Huế là vậy, sự tĩnh lặng khúc triết tỏa ra từ những nếp nhăn một vị khách quen cả hàng chục năm, đến độ giả có một cuộc chuyện trò, cũng trầm mặc đến độ âm thầm. Chỉ có tiếng nhạc từ chiếc loa thùng cũ là vẫn réo rắt ru người. 

Người Huế thường trầm tĩnh hơn trong những cuộc cà phê, vì họ thiên về thưởng thức hương vị đậm đà của cà phê rang xay Buôn Mê Thuột, và cũng lại được đưa vị bởi chén trà tráng miệng quen thuộc ở bất cứ quán cà phê nào. Và cũng có khi, sự yên lặng ấy là để nghe cho rõ hơn tiếng chim hót trong bụi cây của một góc cà phê vườn. Với tình yêu thiên nhiên như thế, có lẽ chỉ người Huế mới có thể mang khái niệm cà phê vườn vào văn hóa cà phê. Cà phê vườn thường được tận dụng ở những khoảng sân trong khu Thành Nội, trái tim của kinh thành Huế, hay ở bờ Tây sông Hương chạy dọc theo bờ sông An Cựu. Ngày mưa xứ Huế mà được giấu mình trong khu vườn bí mật, nhìn từng hạt mưa lặng rơi trên hiên quán cùng nhịp với từng giọt trong phin cà phê, có biết bao mệt nhọc tưởng như cũng có thể được rũ bỏ nhẹ nhàng như vậy. 

Rồi đời sống cà phê trẻ hóa bằng những quán cà phê cóc ra đời, như ngay bờ Nam sông Hương nơi người ta có thể chiêm ngưỡng dòng sông hiền chảy qua bên tách cà phê đen đá và câu chuyện ngập ngừng với người yêu, hay góc vỉa hè Trương Định nơi những người trẻ, những bác lái xích lô, xe ôm sôi động trong những cuộc trò chuyện. Cà phê và những bản nhạc cũ, và những bất chợt suy tư, văn hóa cà phê Huế là sự giản đơn và cũng là nhịp sống thường nhật, không cứ thời điểm nào trong ngày, không cứ là có bạn bè hay chỉ có một mình, không cứ vị chủ quán già ấy có vô tình một ngày dọn vội tách cà phê bạn còn đang uống dở. Đi cà phê ở Huế, là cách người ta nắm được hầu như mọi câu chuyện từ những tiếng rầm rì chuyện trò, chuyện chính trị, chuyện phố phường, chuyện văn hóa và có khi chuyện con cái, vườn tược. 

Người Huế yêu cà phê đến độ đã có những sự sáng tạo xoay quanh cốc cà phê giản dị, cà phê muối dường như là điển hình. Cái tên khiến nhiều người liên tưởng ngay đến vị mằn mặn của biển cả, và đưa được cái vị mặn ấy vào cà phê, mới thật tài tình làm sao. Một cốc cà phê muối được phục vụ rất đơn giản, chỉ với một chút sữa lên men với muối, một phin cà phê nhôm truyền thống, một chút đá dành cho những ngày nắng gắt của xứ miền Trung. Và rồi, nếu đây là lần đầu được nhấp ngụm cà phê muối, bạn sẽ ngỡ ngàng bởi hương vị đặc biệt vô cùng được tổng hòa từ những thành phần tưởng chừng rất đơn giản ấy.

Đó là vị thơm, bùi ngậy của sữa tươi lên men, vị mằn mặn thanh thoát của muối tinh, vị nồng đậm đà của cà phê đen truyền thống đã được dịu vị lại nhờ muối và sữa.Không quá khi nói rằng, thưởng thức cà phê muối là lắng mình trong bữa tiệc của vị giác, khi chừng ấy hương vị, mùi thơm đọng lại trong cốc cà phê nhỏ. Bí quyết của một cốc cà phê ngon, là lượng muối chính xác để kết hợp hài hòa với cà phê, vừa đủ để đằm lại vị đắng, nhưng không át đi hương vị rất đặc trưng nồng và hơi gắt của cà phê rang xay. 

Ra đời từ cách đây 6 năm ở một quán cà phê sân vườn trên đường Nguyễn Lương Bằng, cà phê muối nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân đất cố đô, cà phê  muối được phục vụ nhiều hơn ở những quán cà phê rải rác trong thành phố, dù mỗi nơi cũng có chút biến tấu riêng, như sữa lên men và muối được xay chung với chút đá bào rồi mới đổ cà phê vào… chỉ riêng dư vị đậm đà của cà phê muối, là vẹn nguyên. Khách phương xa đến Huế mà nghe nói cà phê muối, hẳn sẽ thấy lạ, nhưng nếu có dịp thưởng thức một lần, hẳn vị thơm ngon ấy sẽ đọng lại mãi. Thế mới biết cái tài tình và sự gắn bó của người dân Huế với cà phê sâu sắc đến thế nào. 

Khác với những thành phố cà phê như thường gắn liền với một không gian, một cách thưởng thức điển hình, nét văn hóa cà phê Huế là góc quán nhỏ nép mình trong khu phố cổ ở phía Đông thành Nội, là những sân vườn như một ốc đảo của những người yêu cà phê, là vài bộ bàn ghế nhựa ở vỉa hè ngã tư Lê Lợi… Quá nhiều sự lựa chọn có thể khiến người lữ khách choáng ngợp để chọn cho mình một quán cà phê đặc trưng Huế để thưởng thức, nhưng dường như điều đó không thể làm khó người Huế, bởi dẫu biết rằng có nhiều những quán cà phê ngon và đẹp, bước chân mặc định vẫn đưa họ đến với những quán quen, những quán cà phê của tuổi trẻ, của tuổi trưởng thành, và của tuổi già. 


>>Xem thêm: Một cõi đi về cùng cà phê Đà Lạt


ADVERTISEMENT