Reminiscence & Heritage Một cõi đi về cùng cà phê Đà Lạt
Chông chênh trên một ngọn đồi, hay mơ màng giữa khu phố thị nhộn nhịp, người ta có thể bắt gặp những quán cafe ở bất cứ đâu trong lòng Đà Lạt. Thành phố cao nguyên trầm mặc, ngày qua ngày hình thành trong đó một nét văn hóa cafe rất riêng, đó là tổng hòa của khí hậu, lịch sử và của những tâm hồn người Đà Lạt.
Cà phê - một cõi đi về của người Đà Lạt
Đã 140 năm trôi qua kể từ ngày người Pháp lần đầu tiên mang hạt cà phê Arabica sang trồng ở Đà Lạt, và cũng với từng ấy thời gian, cà phê dần đi vào đời sống của những người con Đà Lạt. “Arabica du Tonkin” trứ danh khi ấy, đã lưu lại dấu ấn về một loại cà phê cao cấp, hương vị thơm đậm đà, nhưng ít ai biết được rằng, Đà Lạt là nơi duy nhất có đủ yếu tố thổ nhưỡng và khí hậu để có thể trồng được loại cà phê rất “ Châu Âu’’ này. Không khó để nét văn hóa cà phê ở nơi đây trở nên độc đáo và khác biệt so với những cà phê Hà Nội hay Sài Gòn vốn trở nên nổi tiếng trong lòng khách thập phương.
Hẳn nhiên, khí hậu là một trong những yếu tố khiến cà phê trở thành thức uống thân thuộc vô cùng với nhiều người nơi đây. Có gì tuyệt vời hơn một cốc cà phê đen hay nâu nóng pha đậm đặc để nhâm nhi giữa bầu không khí mát mẻ trong lành của Đà Lạt. Người Đà Lạt có lẽ thích cà phê pha đậm đặc hơn hẳn, cà phê có khi được phục vụ trong chiếc chén nhỏ xinh, chất lỏng đặc sệt sóng sảnh lẩn khuất vài hạt đường nâu chưa tan kịp đủ thể hiện gu thưởng thức của người sành cà phê xứ này. Cà phê đắng nồng nên mỗi lần uống chỉ nhấp một ngụm nhỏ, mang đúng nghĩa thưởng thức hương vị tinh túy của cà phê nguyên thủy, vừa để kéo dài thêm thời gian. Có một nét rất đặc trưng ở những quán cà phê cóc ở Đà Lạt, cà phê thường được pha sẵn, dù cà phê phin hay cà phê vợt, người đến uống thường có cà phê sẵn ngay, vẫn ấm nóng mà không phải đợi chờ.
Cà phê có khi chỉ được phụ vụ trong chiếc chén nhỏ, và thường rất đậm đặc
Từ sớm tinh mơ khi sương mờ còn giăng kín những con dốc nhỏ, cho đến khi khắp ngả phố Đà Lạt giăng đèn trong cái lành lạnh se se của màn đêm, dường như thời điểm nào cũng là lúc thích hợp đối với người Đà Lạt để “ đi cà phê”. Dọc con đường Phan Đình Phùng hay đường Ba Tháng Hai, cứ đi vào bước chân, người ta lại bắt gặp những quán cà phê nho nhỏ bày xếp những bộ bàn ghế gỗ thấp, có khi chỉ đủ cho 1-2 người ngồi. Cũng giống như nhiều quán cà phê cóc ta bắt gặp trên đường phố Hà Nội hay Sài Gòn, người Đà Lạt cũng có thú vui ngồi cà phê nhìn ra phố phường, với người nào thích sự tĩnh lặng hơn, hay chọn góc nhỏ sâu tít trong quán, thì thầm trò chuyện hay lơ đãng với chính mình. Chỉ đơn giản như vậy, mà hàng giờ cũng có thê trôi qua cùng cốc cà phê, gạt tàn thuốc bốc khói nghi ngút miền kí ức.
Cũng bỏi đi cà phê đã trở thành thói quen, nên thói quen ấy lớn lên và già đi với rất nhiều thế hệ người Đà Lạt, nhiều người gắn bó với một góc quán cà phê hàng chục năm, trung thủy với cùng một hương vị cà phê, cùng một góc phố. Như quán cà phê mang cái tên mộc mạc “ Bà Năm” trên phố Phan Bội Châu, ngày ngày dập dìu những vị khách quen, là những cư dân Đà Lạt lớn tuổi, râu tóc bạc phơ, quần áo chỉnh tề, lẩn khuất trong khói thuốc và những câu chuyện bất tận. Gắn bó cả cuộc đời với quán cà phê nhỏ, bà Năm và những vị khách thân thuộc của mình đã ngày ngày góp mình vào nét văn hóa cà phê Đà Lạt. Giờ bà Năm không còn nữa, nhưng quán cafe - di sản của bà thì vẫn ở đó và vẫn phục vụ người dân Đà Lạt với hương vị cà phê vợt thân quen.
Bà Năm đã gắn bó với góc quán cà phê vợt của mình hơn nửa thế kỉ
Vẻ đẹp của văn hóa cà phê Đà Lạt, còn được khắc họa qua cái cách người Đà Lạt phục vụ cà phê, mỗi quán có một đặc trưng riêng, một nét quan tâm riêng của người bán với khách đến quán. Có khi là một ấm trà xanh nóng nghi ngút miễn phí đi kèm, có khi chiếc ấm đồng nhỏ xinh đựng chất trà đặc truyền từ bàn này qua bàn khác để làm dịu đi vị đắng của cà phê. Hiếm có nơi nào như ở đây, cà phê bình dân mà lại được phục vụ kèm với bánh quy bơ nhà làm thơm lừng, giòn tan, điều ta chỉ có thể bắt gặp trong một quán cà phê Châu Âu. Đó, văn hóa cà phê Đà Lạt, là sự tổng hòa giữa văn hóa uống cà phê của người Việt dọc miền đất nước, và cách này hay cách khác, phảng phất nét văn hóa rất Châu Âu, rất “ sành” và cũng rất thơ.
Những vị khách thân quen đến quán cà phê bà Năm ( Phan Bội Châu) như một thói quen thường nhật
Một trong những nét độc đáo Người Đà Lạt vẫn truyền tai nhau những câu chuyện mơ màng thời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng bạn bè mình ngồi đàm đạo ở góc quán cà phê Tùng giữa khu Hòa Bình. Cà phê Tùng nhiều năm về trước cũng là địa điểm ưa thích của các nhiếp ảnh gia nghiệp dư, họ thường ngồi thâu đêm ở đây, chờ tinh mơ để “vác máy” tìm bình minh trên những hàng thông già giữa thành phố cao nguyên. Chất Pháp lẩn khuất trong cái cách người Đà Lạt chọn góc quán cà phê để bàn “sâu” chuyện thế sự, chuyện nghề, chuyện nghệ thuật, vì thế, những quán cà phê là chốn để bất cứ ai cũng có thể tìm đến, đó hẳn là nét độc đáo nhất làm nên văn hóa cà phê Đà Lạt.
Quán cà phê Tùng ( khu Hòa Bình) đã gắn bó và là nguồn cảm hứng của biết bao nghệ sĩ, trí thức tên tuổi Việt Nam
Ngày nay cũng vậy, người Đà Lạt đến quán cà phê để gặp bạn bè, có khi chuyện công việc nghiêm túc cũng tìm đến bên cốc cà phê, có khi là để hò hẹn, có khi, chỉ để tìm đến và hồi tưởng cùng với những kỉ niệm quá khứ qua bản nhạc Trịnh dai dẳng từ chiếc đĩa hát, hay âm thanh bất chợt của một bản nhạc Pháp cũ vị chủ quán ngẫu hứng bật. Những âm hưởng râm ran từ nhiều cuộc trò chuyện quyện lại với nhau, cùng với tiếng lanh canh của chiếc thìa khuấy, và những khuôn mặt lẩn trong tranh sáng tối giữa những tầng khói thuốc. Đó là điển hình của một quán cà phê Đà Lạt, không ngạc nhiên khi nhiều vị lữ khách có khi chạy xe miệt mài cả ngày đường tìm đến thành phố này, cốt chỉ để đến ngay một góc quán cà phê hòa mình vào bầu không khí bay bổng và dập dìu ấy, để biết rằng họ đã đến với Đà Lạt.
>>Xem thêm: Cơn mưa hè vẽ lại ký ức ngày thơ bé