Explore Về làng Nôm đi tìm làng Việt cổ của thời “vang bóng”
Thiết nghĩ quãng đường 30km từ Hà Nội về làng Nôm, chắc chỉ dành nửa ngày để thăm thú làng quê Bắc Bộ là đủ thì chẳng thỏa đáng. Người lữ khách tìm về làng Nôm để thấy cả không gian làng quê thuần Việt không phải chỉ còn của một thời “vang bóng”. Đi hết bằng thời gian vật lý của một ngày, từ tinh mơ, rồi sáng, trưa, chiều, tối cho tới lúc sương khuya thì mới lắng xuống mà thấy rằng rất thật, rất thực, cái hồn quê của làng Việt cổ nằm trong cả khung cảnh, nếp sống, con người.
Cổng làng được xây theo kiến trúc bát trụ, xưa chỉ dành cho hoàng thân quốc thích
Trước khi về, gõ “làng Nôm, Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên” thì thông tin quá đầy đủ để hình dung được cả cái yên ả từng góc của ngôi làng cổ, nhưng thứ ngạc nhiên đến thích thú là hiếm có làng quê nào được xếp hạng Việt cổ mà vẫn thuần chất làng, chưa cả bị thương mại hóa. Con đường vắt qua cánh đồng mênh mang là lúa, dẫn về tới cổng làng cũng sắp sậm tối. Về giờ này cốt là để được thấy rõ nhất giai điệu làng quê ở hai thời điểm chiều tối và sáng sớm ngày hôm sau, để được ngồi ngoài hè ăn bữa cơm thơm nồng khói bếp củi, rồi ăn quà sáng chỉ có ngoài chợ mới bán và để được ngủ qua đêm nghe ì oạp ếch nhái, trở mình lúc gà gáy nước lên….
Độ 9h tối là chẳng còn ai bước ra cổng, cả làng quê tĩnh mịch tới độ chỉ thỉnh thoảng vẳng tiếng chó cắn hoang. Chắc tại mắt quen nhìn điện thành phố sáng hơn thì phải, chỉ có một bóng đèn giữa nhà chẳng đủ hắt ra hết hiên hè, ngoài sân giếng đã xong hết việc nên cũng tối thui. Không khí trong lành tới mát rượi như ru ngủ, mà ngủ cho sớm để sáng mai còn theo ra chợ, gặp đúng hôm chợ phiên, cứ đúng bận chỉ mở các ngày có số cuối là 1, 4, 6, 9… thành ra háo hức chẳng khác gì đứa trẻ được hôm mẹ cho theo ra chợ.
Chợ quê là bức tranh phản ánh chân thực nhất đời sống làng quê. Từ các ngõ đã xôn xao tiếng chào hỏi của các bà các bác xách làn đi chợ. Trong làng gần như chả có hàng quán gì nên hết thảy mọi thứ đều bán ngoài chợ, từ quà sáng như cái bánh rán, bát cháo lòng… rồi thịt thà rau quả cho tới các vật dụng khác trong nhà…Người ta ngồi hết ba dãy lán chợ được xây kiên cố có mái che, rồi ngồi tràn ra cả sân tới mép cổng tam quan cửa chùa.
Đi chợ được qua cây cầu đá “trứ danh” bắc qua sông Nguyệt Đức chảy quanh làng. Người ta thường bảo bước qua cổng hay gặp cây đa thì ắt sẽ tới làng nhưng về làng Nôm còn phải bước qua cây cầu đá có 9 nhịp đỡ bằng trụ đá, được điêu khắc bằng họa tiết đầu rồng tinh xảo nên dân gian quen gọi là cầu Chín Đầu Rồng.
Cây thông trăm tuổi vẫn nghiêng bóng bên Linh thông cổ tự
Ngoài chợ ồn ã là thế nhưng bước qua cổng tam quan cao to lừng lững vào sân chùa như sang một thực cảnh khác mang tên Linh Thông Cổ Tự, tên chùa có gốc gác từ ngàn năm trước, tương truyền chùa được dựng giữa rừng thông. Hơn trăm pho tượng bằng đất nung đã được các nhà khoa học nghiên cứu là minh chứng rõ nhất cho niên đại tới ngàn năm của ngôi chùa. Trải qua 3 trận lụt lịch sử các năm 1945, 1971, 1986, nước ngập tới nóc nhà vậy mà hàng trăm pho tượng bị ngâm trong nước vẫn nguyên vẹn cả cấu trúc lẫn sắc màu. Ấy vậy ngôi chùa không chỉ là không gian tâm linh mà còn là đời sống tinh thần của các bậc trung niên và cao niên trong làng. Tới độ chiều muộn là các bà, các bác đã xong hết công việc để ra chùa ngồi thiền tụng kinh cùng sư trụ trì.
Cây đa ôm tròn mái đình cổ Tam Giang
Theo lối ra tới đình Tam Giang là đi hết làng. Cứ men dọc đường gạch, hai bên bờ ao làng là các nhà thờ cổ họ Lê, Nguyễn, Tạ…như một nét đẹp văn hóa “danh gia vọng tộc” minh chứng cho sự giàu có của đất thương cảng phố Hiến ngàn xưa. Nắng mới bừng lên xiên qua những mảng tường hàng trăm tuổi rêu phủ gần kín, những bóng cây cổ thụ đổ dài đường làng như chợt khẽ cựa nhắc rằng thời gian nơi đây vẫn chậm trôi. Cây đa đầu đình nay đã ôm trọn cả ao súng, trọn cả tuổi thơ của cả các cụ cao niên nhất làng và không biết bao nhiêu thế hệ trước đó nữa.
Nhà thờ cổ trăm tuổi hai bên bờ ao làng
Chẳng xa xôi gì, cách Hà Nội chưa đầy 40km vậy mà làng Nôm thêm vài chục năm nữa chắc vẫn chưa bị “phố hóa”. Gần như không tiếng còi xe, không tiếng máy móc hoạt động của các cơ sở sản xuất, cũng không tiếng ồn ão bán bán mua mua… Chắc bởi hầu hết những người trẻ, lứa con cháu đều rời làng ra thành phố học tập, sinh sống, chỉ còn lớp cội rễ là các bác, các ông, bà đã sống gần hết một đời ở lại giữ làng, giữ cả cái hồn quê.