Reminiscence & Heritage Hương Thuỷ Xuân - Hương sắc xứ Huế
Linh hồn của xứ Huế nằm ở mùi hương trầm, đi đến đâu bạn cũng sẽ ngửi thấy mùi hương dịu dàng thanh khiết này. Hương trầm Huế gắn với làng Thuỷ Xuân, một ngôi làng cổ kính, ngập trong các sắc màu.
Ở Huế có đến 13 làng nghề tiêu biểu, mỗi làng nghề hội tụ những tinh tuý của truyền thống, di sản địa phương và bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân. Người Huế sẽ nói với bạn rằng, mùi trầm chính là linh hồn của xứ Huế, cũng bởi đốt trầm không chỉ là một phần quan trọng gắn với đời sống tâm linh nơi đây, người Huế cũng thích đốt trầm để thanh lọc không khí, với mong muốn mang lại sự may mắn gột rửa cho không gian sống và sinh hoạt.
Đến Huế, ở mỗi cung đường, góc phố, hay giữa xóm làng, mùi hương trầm sẽ theo chân bạn, đưa bạn vào vùng cảm giác an yên trầm lắng, như chính hình dung về Huế trong mỗi người. Huế đã có lịch sử làm trầm hương từ lâu, giờ đây, làng Thuỷ Xuân (đường Huyền Trân Công Chúa, gần đồi Vọng Cảnh Huế và lăng Tự Đức) vẫn giữ gìn truyền thống làm hương để cung cấp cho người dân Huế và những tỉnh thành khác.
Thủy Xuân là điểm đến bạn chẳng cần phải tìm địa chỉ, một khi nhìn thấy những sắc hương bừng sáng trên một cung đường, bạn biết mình đã đến được ngôi làng nghề truyền thống này. Ghé vào bất kì cơ sở làm hương nào, bạn cũng sẽ có cơ hội quan sát những người nghệ nhân đang cặm cụi công việc hàng ngày của mình: xay trầm, pha keo, rồi nặn trầm và se hương hàng ngày.
Nghề làm hương ở làng Thuỷ Xuân đã xuất hiện từ khoảng 700 năm trước dưới thời nhà Nguyễn. Nơi đây trở thành địa chỉ cung cấp hương cho triều đình, phủ quan và người dân trong vùng Thuận Hóa, Phú Xuân. Qua nhiều biến động thời gian, nghề làm hương ở Thuỷ Xuân được cha truyền con nối để tiếp tục tồn tại cho đến tận ngày nay.
Trầm hương Thủy Xuân đặc biệt bởi được làm từ những mảng vỏ cây trầm lâu đời thu hoạch từ rừng nguyên sinh, trước khi đến giai đoạn xay bột mịn, trộn với keo, lăn hương chắc và đều hay nặn thành những thanh trầm chắc chắn. Mùi hương Thuỷ Xuân thanh nhã, không quá nồng do không dùng hoá chất, mà được trộn với hương quế chi, hoa hồi, đinh hương, thảo quả, nụ tùng, bột vỏ bưởi rừng hay hoa bưởi khô theo tỷ lệ cẩn thận. Lõi hương được làm từ ruột tre khô đến từ các cây tre già khai thác ở rừng Bình Điền, Phong Sơn hay Nam Đông, được chẻ nhỏ bằng tay, phơi nắng nhiều ngày cho đến khi khô, để hương có thể đốt cháy đến chân hương mà không bị gãy.
Những cây hương Thuỷ Xuân trải qua công đoạn sản xuất đầy công phu, đi từ giai đoạn xay bột mịn, trộn với keo, lăn hương chắc và đều hay nặn thành những thanh trầm chắc chắn. Hành trình dài ấy nằm lại trong mỗi cây hương đủ sắc màu, hay mẩu trầm bé nhỏ, thế mới thấy sự tinh tế và nhọc công của nghề truyền thống này.
Do nằm trên cung đường đến Lăng Tự Đức, làng hương Thuỷ Xuân là địa điểm dừng chân tuyệt vời cho một chút khám phá sâu sắc hơn về văn hoá Cố đô. Cả làng hương bừng lên trong nắng miền Trung, rực rỡ với những mảng màu và hương thơm dịu dàng. Người nghệ nhân ở Thuỷ Xuân cũng rất thân thiện, chẳng ngại ngần chỉ bạn cách làm hương. Công đoạn phơi hương mang đến những góc chụp ảnh đầy ấn tượng, thậm chí chỉ cần đưa máy lên cũng đã có tấm hình đẹp làm kỉ niệm.
Vẻ đẹp của làng hương Thuỷ Xuân không chỉ nằm ở những cây hương, mà còn ở đôi tay nghệ nhân luôn miệt mài với công việc truyền thống của gia đình, nhiều nghệ nhân sinh ra ở vùng khác cũng bắt đầu học nghề làm hương sau khi theo chồng về Thuỷ Xuân. Đó là những câu chuyện bạn sẽ không khó bắt gặp khi có dịp trò chuyện với người dân nơi đây.
Và cũng với cách ấy, họ đã, đang và sẽ lưu giữ một phần linh hồn đất Huế.
>> Xem thêm: Ai ra xứ Huế thì ra...