Reminiscence & Heritage Ai ra xứ Huế thì ra...
Năm cấp hai tôi có dịp được học Văn với một thầy giáo gốc Huế. Tôi thích vô cùng giọng đọc luyến láy rất ngọt ngào và rất Huế, như tôi đã từng nghe qua những bộ phim về cung đình xưa.
“Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”
Cách thầy ngân nga câu thơ ấy, cách thầy kể về Huế với chất giọng rất Huế ấy khiến tôi cảm thấy dường như mình đang đứng trước màn mưa trắng xóa ở đất Huế, đứng trước những cổng thành in dấu thời gian. Cảm thấy sao mà vi diệu thế!
Tôi biết đến những thành quách của Huế qua lời kể của thầy
Sau này thì tôi biết thêm chiếc nón bài thơ, màu áo tím dịu dàng qua một cô hàng xóm mới chuyển tới. Một buổi xế chiều, cô đội chiếc nón lá mỏng thêu hai chữ “Huế thương” sang nhà tôi chào làm quen. Cô mang cho chị em tôi chén chè thập cẩm vừa ngọt vừa thơm, thích lắm! Thỉnh thoảng tôi cũng nghe cô hát “Ai ra xứ Huế thì ra. Ai về là về núi Ngự. Ai về là về sông Hương”… Cô hát không thật sự hay nhưng tôi vẫn thích, thích vì chất giọng Huế đặc biệt. Thế là Huế cuốn hút tôi không chỉ bởi có thanh mà còn có sắc, có vị và có tình. Đấy, tôi chưa từng tới Huế, cũng không biết cảnh sắc Huế ra sao, hữu tình thế nào mà đã yêu Huế từ thuở nghe thầy đọc thơ, nghe cô hàng xóm hát.
Huế trong tôi có cả vị ngọt thơm của những loại chè rất lạ
Rồi tôi cũng có dịp ra xứ Huế mà tôi “thầm thương trộm nhớ”, háo hức đến mất ngủ cả đêm trước khi lên đường. Huế những ngày tháng 4 là rực rỡ những đóa bằng lăng tím, những cánh điệp vàng, phượng đỏ theo cơn gió trải thảm hoa cho những góc phố thêm xinh. Huế cũng là thành phố, cũng tấp nập đông đúc, nhưng có gì đó ở đây khiến cho người ta thấy sự trầm lắng, nhẹ nhàng. Nếu những nơi khác có những cái tên mỹ miều như “thành phố mộng mơ”, “xứ sở sương mờ”… thì Huế xứng đáng là một “nốt trầm” đặc biệt trong bản nhạc hay khiến người ta ngẩn ngơ. Phải chăng cái cốt cách hoàng tộc nó ngấm vào trong từng hơi thở của đất trời, của con người xứ này.
Huế nhẹ nhàng, sâu lắng với màu áo tím thướt tha
Cảnh sắc Huế như một nốt trầm dịu êm
Người ta bảo mưa ở Huế buồn lắm. Nói thiệt, mưa ngồi nhà ôm gối thì ở đâu cũng buồn cả. Tôi nghĩ, điều khiến cho người ta nói Huế buồn khiến các mặc khách, thi nhân vương thơ sầu là bởi sự nhẹ nhàng, bình yên và tĩnh lặng ở vùng đất Thần Kinh này. Có những ngày mưa phố vắng người, sông vắng đò… nhưng đây chẳng phải lúc người ta lắng lại để hiểu nhau hơn, thân nhau hơn là gì. Nếu cứ ồn ào thì làm sao cảm được cái giọng nhẹ nhàng, dễ thương của các o các mế. Nếu cứ tấp nập đông đúc thì làm sao thấy được nét thời gian in trên từng mái ngói tường thành rêu phủ. Vậy nên, một chút yên tĩnh, một chút buồn mà vẫn đẹp và an yên thế là đủ để yêu thương rồi.
Chút sâu lắng để lần theo dấu vết rêu phong trên các tường thành
Người ta bảo Huế nhỏ như cái lòng bàn tay, đi một thoáng đã quay về vị trí xuất phát. Với tôi, điều đó cũng chẳng có hề chi. Đã yêu thì chỉ một thoáng cũng yêu! Này nhé, chỉ cần đi một vòng thành Đại Nội tìm về quá khứ vàng son của một thời vua chúa cũng thấy đủ. Hay đến các khu lăng mộ, thành quách cũ lần theo dấu tích rêu phong. Hoặc buổi tối ngồi xích lô dạo qua cầu Tràng Tiền, qua phố phường ngắm muôn sắc đèn lấp lánh. Hay vào chợ Đông Ba nghe câu mời chào ngọt ngào “O tìm chi rứa”. Hoặc về Lê Lợi, ghé quán chè cung đình Huế với hàng chục món, thử mỗi loại một chút cho đến lúc no căng thôi. Hay chỉ là ngồi lặng yên ở một góc chùa Thiên Mụ ngắm ráng chiều vàng trên dòng Hương giang nghe văng vẳng câu hò mượt mà, sâu lắng… Thế là đủ thích, đủ yêu rồi.
Về thành Đại Nội, lần theo dấu hoàng gia
Yêu sao những ánh đèn lấp lánh trên cầu Tràng Tiền
Ngắm dòng Hương giang nghe văng vẳng câu hò xứ Huế
Huế trong tôi là những điều bình yên, đơn giản và đẹp nhẹ nhàng như thế dù rằng tôi chỉ mới đến đây một lần. Thế nên, “Ai ra xứ Huế thì ra…”, riêng tôi nhất định sẽ trở lại “Huế mộng Huế mơ” một lần nữa. Chắc chắn thế!