share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Reminiscence & Heritage Chợ nổi trong hồi ức thuở thiếu thời


ADVERTISEMENT

Lớn lên từ một miền quê nghèo, trong ký ức tuổi thơ tôi là những dịp cuối năm theo ba má đi sắm tết ở chợ nổi. Ba tôi hay bảo: "Ở miền Tây mà chưa một lần lênh đênh trên những chiếc ghe bẹo đi sắm sửa này nọ là dở lắm nhe con…". Về dần, chợ nổi đã trở thành một nét đặc sắc, là mảng màu nổi bật trong bức tranh quê hiền hòa, yên ả đặc thù của người dân đồng bằng Nam Bộ quê tôi.

Đa phần các hoạt động ở chợ nổi miền Tây được bắt đầu khá sớm, khoảng độ 3 - 4 giờ sáng. Tiếng rao hàng, tiếng chào hỏi buôn bán lẫn trong tiếng cười nói rôm rả dọc theo bờ sông chính là những âm thanh quen thuộc cho ngày mới. Đây cũng là lúc má tôi lục đục nhóm bếp cho nồi nước lèo. Tuổi thơ tôi là cùng gia đình sống nương theo dòng chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) bằng nồi bún nước lèo trứ danh của ba má.

chợ nổi, ký ức, miền tây, cần thơ, chợ nổi cái răng, chợ nổi ngã năm, sóc trăngQuang cảnh chợ nổi Ngã Năm 

Tờ mờ sáng, tôi đã tất bật chạy xuống ghe phụ má. Thuở thiếu thời của tôi từ đó mà sớm quen với cuộc sống neo đậu ở chợ nổi. Bao nhiêu năm gắn bó với con nước, mặt trời chưa lên khỏi ngọn cây, ba má tôi cùng các bạn hàng đã bắt đầu di chuyển xuống ghe đi bán. Cứ tầm này là ghe xuồng, vỏ máy từ khắp nơi bắt đầu đổ về hướng chợ nổi đông đúc, các phương tiện giao thông đường thủy cũng tấp nập ngược xuôi.

Ấn tượng nhất với tôi ở các chợ nổi miền Tây có lẽ là những "cây bẹo". Ghe thuyền bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này là "cây bẹo". Có hai cách "bẹo hàng", một là "bẹo hàng" trên những cây sào nằm ngang, loại này thường thấy ở chợ nổi miệt Sóc Trăng hay Cà Mau. Hai là người bán dùng cây chống đứng ngay trước mũi ghe thuyền của mình để tiện quảng cáo những mặt hàng phong phú mà họ đang muốn bán.

chợ nổi, ký ức, miền tây, cần thơ, chợ nổi cái răng, chợ nổi ngã năm, sóc trăng(Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo)

chợ nổi, ký ức, miền tây, cần thơ, chợ nổi cái răng, chợ nổi ngã năm, sóc trăng(Ảnh: Quang Thiện)

Đối với người dân quê tôi, đi chợ nổi mỗi ngày như là một thói quen. Có nhiều người chèo xuồng hay chạy máy ghe cả đoạn đường dài tới chợ chỉ để ăn một tô cháo, một tô bún nước lèo hay mua trái cây, rau củ, đồ gia dụng... thăm hỏi, giao lưu cùng người quen ở chợ. Các cô chú bán hàng trên ghe đều rất vui vẻ vì hầu như khách đến chợ mua gì cũng bán và bán gì cũng mua. Từng chiếc ghe chất hàng cao ngất ngập màu xanh của bầu bí, hay rợp đỏ với màu chôm chôm, thanh long, măng cụt… tô điểm cho nhánh sông những mảng màu sinh động.

Nhiều lần tôi hí hửng theo ba ngược dòng nước lên chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) - nơi được mệnh danh là khu chợ nổi lớn nhất và độc đáo nhất miền Tây Nam Bộ. Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Hàng hóa tập trung về đây với số lượng rất lớn. Tại đây, tôi quan sát thấy có những chiếc ghe như "căn hộ di động" trên sông nước với những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi, các tiện nghi đầy đủ như ti-vi màu, đầu dĩa, dàn âm thanh… có cả xe gắn máy đậu trên ghe. Du khách tham quan tại Cái Răng cũng đông hơn hẳn các chợ nổi khác.

chợ nổi, ký ức, miền tây, cần thơ, chợ nổi cái răng, chợ nổi ngã năm, sóc trăng(Ảnh: Quang Thiện)

chợ nổi, ký ức, miền tây, cần thơ, chợ nổi cái răng, chợ nổi ngã năm, sóc trăng(Ảnh: Quang Thiện)

"Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng,

Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn.

Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng,

Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ…"

(Thơ Huỳnh Kim)

Ở chợ nổi Cái Răng, ngoài thưởng thức các món ăn đặc sản theo phong cách "lênh đênh", hai ba con tôi vẫn không quên nhâm nhi một cốc cà phê "kho" độc nhất vô nhị. Trước sự chông chênh, lắc lư của những con sóng, người bán cà phê ở chợ nổi Cái Răng đã sáng tạo ra cách để giữ hương vị cà phê vừa ngon vừa nóng bằng cách "kho". Cà phê được giữ trong một cái niêu đất, bên dưới luôn được giữ lửa. Với hình thức này cà phê không chỉ luôn được giữ nóng mà hương thơm của nó quyện vào mùi của lửa, của niêu sẽ tạo nên một vị rất lạ, rất cuốn hút. Hớp một ngụm cà phê nóng, ngắm nhìn sông nước, thả lòng mình vào thời khắc đầu tiên của ngày mới quả thật là một trải nghiệm khó quên.

chợ nổi, ký ức, miền tây, cần thơ, chợ nổi cái răng, chợ nổi ngã năm, sóc trăngCà phê "kho" độc đáo trên sông (Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo)

Ngoài chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Ngã Năm thì miền Tây vẫn còn rất nhiều các chợ nổi trứ danh khác: chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Hậu Giang), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long)… Mỗi khu chợ nổi mang một vẻ đẹp độc đáo, thu hút riêng, khiến bất cứ đã từng đặt chân đến đây cũng đều xao xuyến không muốn rời.

Các khu chợ nổi miền Tây huyên náo nhất chính là vào những ngày giáp Tết Nguyên đán. Hàng hóa nhiều hơn và phong phú hơn về chủng loại. Ghe đi bổ hàng thì đổ về các ngã kênh, rạch nhỏ; còn ghe lớn thì đậu đâu đó để chờ dỡ đủ hàng, đi tiếp về các chợ xa. Ghe lớn, ghe nhỏ, xuồng năm lá, xuồng ba lá… lên hàng, xuống hàng suốt từ khi trời còn mờ sương đến khi tối mịt. Gia đình tôi cực nhất nhưng cũng vui nhất là vào những ngày này. Những chiếc ghe chở đầy dưa hấu xanh mướt len giữa những chiếc xuồng bán hoa cúc vạn thọ vàng rực càng làm tưng bừng, rạng rỡ cả một khúc sông.

chợ nổi, ký ức, miền tây, cần thơ, chợ nổi cái răng, chợ nổi ngã năm, sóc trăng

Người lênh đênh trên sông nước, ghe là nhà, là tài sản quý giá nhất. Các đoàn ghe đậu san sát nhau như xóm làng trên dòng chợ nổi. Ba tôi kể mỗi người mỗi ghe là mỗi quê, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng lại có điểm chung là sự tảo tần, chất phát, thiệt tình trong buôn bán mưu sinh. Rồi vào những buổi chạng vạng, khi ghe ba tôi hết hàng sớm, cũng là lúc mấy chú bác ghe hàng lân cận kéo đến lai rai vài xị rượu ấm nồng cùng mấy con cá lóc tươi rói đem nướng trui thơm phức. Màn đêm dần buông, những ánh đèn điện bật lên rực sáng, văng vẳng đâu đó những câu hò điệu lý đờn ca tài tử như sưởi ấm đời thương hồ chợ gạo nước sông. Trên dòng chợ nổi vậy thôi mà nặng nghĩa tình.

chợ nổi, ký ức, miền tây, cần thơ, chợ nổi cái răng, chợ nổi ngã năm, sóc trăng(Ảnh: Quang Thiện)

chợ nổi, ký ức, miền tây, cần thơ, chợ nổi cái răng, chợ nổi ngã năm, sóc trăng(Ảnh: Quang Thiện)

Những dòng sông, con rạch vẫn chảy ngược xuôi quanh năm. Dòng sông luôn hữu tình ôm ấp từng chiếc xuồng ghe, vỏ máy. Dẫu cuộc sống vẫn ngày ngày theo quy luật phát triển hiện đại, nhưng những nếp sinh hoạt, văn hóa miền Tây sông nước vẫn còn tồn tại. Cuộc sống mưu sinh trên dòng chợ nổi miền Tây thân thương rồi sẽ tiếp tục đong đầy cho những ký ức, làm mạch nguồn cảm xúc bất tận cho nét sinh hoạt độc đáo của miền Tây Nam Bộ.


ADVERTISEMENT