share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Reminiscence & Heritage Đông Chí - tiết khí lạnh nhất trong năm


ADVERTISEMENT

Hôm trước dắt bạn phương xa đi dạo phố người Hoa Quận 5, thấy nhà nhà bày bàn trước sân lễ bái. Ngẫm thấy lạ, không phải đầu tháng, cũng chẳng phải rằm vậy mà khắp khu phố khói hương nghi ngút. Nhìn lịch mới chợt nhớ ra, hôm đó là Tết Đông Chí (nhằm vào ngày 21 - 22/12 theo lịch dương), một trong những lễ tết cổ truyền còn được lưu truyền trong nhân gian, đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa nước ta.

Nặn bánh trôi - Một trong những tập tục truyền thống trong ngày Đông Chí (Nguồn: Guu.vn)

Lễ Tết này nhắc nhớ chúng ta về một mùa lạnh nhất trong năm, khi ngày ngắn nhất và mặt trời xa cách nhất. Thảo nào những là ngày trời Sài Gòn se lạnh những sáng sớm, đêm đen. 

Ngày bé chúng ta học phân biệt xuân, hạ, thu, đông. Lớn lên, nhận thức khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam không phân rõ sắc màu của thời tiết như đã từng mường tượng: xuân đơm hoa, hạ kết quả, thu rụng lá vàng, đông rơi tuyết trắng. Đặc biệt khi vào Sài Gòn, các mùa lại chỉ còn gói gọn mưa và nắng. Nhưng trong ký ức của tôi, ông bà không nói mùa mà phân thời tiết trong năm thành 24 tiết khí, ứng với mùa vụ và những thay đổi rõ rệt trên thân thể già nua. Và chẳng hiểu bằng duyên phận ngẫu nhiên như thế nào, mà những ấn tượng của tôi về tiết khí trong năm đều gắn với ngày Đông Chí. Như năm đó trong một đám giỗ, cụ trưởng thôn bấm đốt tay rồi bảo: Hôm nay ngày Đông Chí đầu tiên, bay đi đơm cá ắt được nhiều. Quả nhiên các anh thanh niên sau một chiều xách sọt ra mương đem về cả giỏ cá trê, cá lóc béo núc.

Rồi một sớm Đông Chí năm ngoái, ngoại ngồi bên cửa sổ xếp gọn những tép chỉ thêu dở của mình. Lân la hỏi ngoại về nguyên cớ đơm cá năm đó, ngoại mới bảo rằng tiết này khí hàn, cá ra khỏi hang vì xương cốt nhức mỏi. Chợt nghĩ, xương cốt ngoại chắc cũng nhức mỏi nhiều, nên ngày xưa tháng cũ bao giờ cũng có một chậu than hồng dưới chân giường.

Bữa cơm gia đình đoàn viên cho những ngày cuối năm (Nguồn: Elliotku.com)

Theo dòng ký ức với ông bà, tôi tìm hiểu sâu xa hơn về tiết trời Đông Chí. Trong ngày này, thời gian ban ngày trên Bắc bán cầu ngắn nhất, dẫn đến thời gian ban đêm dài nhất, là thời điểm khí hậu lạnh nhất trong năm. Đây là thời điểm giao mùa đông - xuân, báo hiệu đông đang chuẩn bị giã từ, nhường đất trời lại cho nàng xuân. Chính vì thế mà, trong 24 tiết khí của cả một năm thì Đông Chí được đón chờ và coi trọng nhất.

Ông bà ta cho rằng, khi đến ngày Đông Chí, mặc dù đất trời vẫn còn bao trùm trong tiết mùa hàn lạnh, nhưng mùa xuân đã cách vách cận kề. Trong thời gian này, những người con tha hương đều cần quay về sum vầy đón ngày Đông tiết. Hành động này như một cách tượng trưng cho việc quy về với nguồn cội khi một năm nữa sắp qua. Ở một số địa phương, hay như chính trong khu phố người Hoa tôi vừa chứng kiến, Đông tiết hằng năm chính là ngày con cháu sum vầy, cúng vái tổ tiên.

Đông Chí cũng là dịp cúng vái tổ tiên tạ ơn một năm mưa thuận gió hòa (Nguồn: bennytpix.blogspot.com)

Đêm Đông Chí là một đêm đặc biệt với thời gian dài nhất trong tất cả các ngày của năm. Vậy nên mới sinh ra tập tục người người, nhà nhà tận dụng thời gian của buổi đêm để nặn bột nếp thành món ''bánh trôi Đông Chí''. Anh bạn họa sĩ gốc Hoa kể rằng, khi làm món ''bánh trôi Đông Chí'', người nhà anh hay nương theo sở thích của con trẻ mà nặn bột thành hình những con vật ngộ nghĩnh, khiến lũ trẻ mỗi độ này đều háo hức, phấn khởi. Ông bà anh kể lại lời tương truyền, gia đình nào có phụ nữ mang thai trong dịp lễ này, nếu bánh trôi Đông Chí nở ra thì sẽ sinh hạ bé trai, còn không sẽ sinh hạ bé gái. Lúc ăn bánh trôi, nhất định phải đưa bánh vào miệng thành đôi thành cặp với tâm nguyện cầu mong cát lợi may mắn. Ăn bánh cho đến khi chỉ còn thừa lại hai miếng cuối cùng, người kết hôn sẽ được vạn sự như ý, còn nếu thừa một miếng bánh, người chưa thành gia lập thật sẽ phàm sự thuận lợi.

Một số gia đình trong ngày này còn bày biện các loại hoa quả thực phẩm dâng lên gia tiên và các vị thần linh. Cũng có một tập tục được tiến hành trong ngày này là phơi gạo ngày đông, mà người hoa vẫn hay gọi là Sái Đông Mễ. Tập tục này là lấy gạo trắng vo qua bằng nước sạch, sau khi rải phơi dưới ánh nắng trong đúng ngày Đông Chí thì đem cất, để dành nấu cháo cho những người gầy ốm trong gia đình.

Bánh trôi Đông Chí (Nguồn: greenqueen.com.hk)

Tiết Đông chí là dấu mốc báo hiệu thời tiết chuyển lạnh khắc nghiệt. Sau Đông Chí, thời tiết chuyển sang giai đoạn ''Số cửu'', kinh qua chín chín tám mốt ngày mới có thể đón chào xuân mới ấm áp, xán lạn. Không khí lạnh nhưng lại có độ ẩm cao nên cây cối thường trơ trụi, khó trồng trọt, không sinh trưởng. Thế nhưng, trong chính những ngày băng giá này, chất dinh dưỡng sẽ được tích trữ trong rễ và thân, chỉ chờ tiết trời ấm lên là len lỏi đâm chồi, nảy lộc. Nông lịch và 24 tiết khí ra đời chính là để tính toán những hiện tượng thời tiết đổi dời như vậy. Theo lời ông bà, tới đông chí cũng là thời điểm cuối mùa vụ, vừa đủ thời gian để các gia đình tích trữ lương thực để sử dụng qua mùa đông: Xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn.

Sau Đông Chí, mùa xuân đang cận kề sát vách (Nguồn: Huyết Vy)

Dường như Đông Chí năm nay ở Sài Gòn rõ rệt hơn mọi năm với những cơn gió buốt sớm đến đêm về. Nhưng chính trong cái lạnh hiếm hoi này ta lại cảm nhận được niềm thích thú và ấm áp của sum vầy. Ăn nhiều và mặc ấm trong những ngày cuối năm để tận hưởng trời đông thật trọn vẹn bạn nhé.


ADVERTISEMENT