Khởi động năm mới an nhiên, tích cực với yoga và thiền chánh niệm
Ngày nay, yoga và thiền chánh niệm là hai phương pháp rèn luyện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần được nhiều người quan tâm và theo đuổi. Cả 2 phương pháp vừa có những điểm riêng biệt, lại có mối liên kết chặt chẽ với nhau và đều đem lại nhiều giá trị tích cực cho cuộc sống của bạn.
Yoga được hiểu là hệ thống các bài tập về thể chất và tinh thần, bao gồm các động tác, cách kiểm soát hơi thở,... Theo Kinh Yoga của Patanjali, có 8 con đường dẫn đến sự giải thoát, được gọi là “Hệ thống Yoga Ashtanga” hoặc “Tám chi của Yoga”. Trong hệ thống 8 chi đó, thiền định (gọi là “Dharana”) giữ một vị trí quan trọng. Như vậy, thiền là một phần của Yoga.
Về khái niệm thiền và thiền chánh niệm, chúng có liên hệ với nhau, nhưng không giống nhau. Ta có thể hiểu đơn giản, thiền là khi ta sử dụng một kỹ thuật - chẳng hạn như chánh niệm hoặc tập trung tâm trí vào một đối tượng, suy nghĩ hoặc hoạt động cụ thể - để rèn luyện sự chú ý và nhận thức, đồng thời đạt được trạng thái tinh thần minh mẫn và cảm xúc bình tĩnh, ổn định. Thiền chánh niệm là lúc bạn tập trung tuyệt đối vào nhận thức của mình, từ cảm xúc, suy nghĩ, “phản hồi” của cơ thể cho đến tác động của vạn vật xung quanh.
1. Yoga – Cách sống hướng tới “một tâm hồn khỏe mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh”
Con người là một thực thể gồm 3 yếu tố cấu tạo thành: vật chất, tinh thần và tâm linh. Chính Yoga sẽ thúc đẩy sự phát triển cân bằng và hài hòa của cả 3 yếu tố trên. Nó tập hợp các kỷ luật về thể chất và tinh thần để con người đạt được thân – tâm bình an. Yoga giúp kiểm soát tốt căng thẳng, lo lắng, giữ cho bạn luôn thư giãn. Nó cũng tác động đến thể chất bằng cách tăng cường sự linh hoạt, sức mạnh cơ bắp và làm săn chắc cơ thể; đồng thời cải thiện năng lượng, hô hấp và sức sống của bạn.
Khi nghĩ về Yoga, bạn có thể đơn thuần chỉ nghĩ về các bài tập kéo giãn. Thế nhưng, Yoga đem lại nhiều lợi ích hơn thế từ cách bạn nhìn, di chuyển và cảm nhận mọi thứ.
“Yoga là hiện thân của sự thống nhất giữa tâm trí và cơ thể; suy nghĩ và hành động; sự kiềm chế và sự hoàn thành; sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên; một cách tiếp cận toàn diện đối với sức khỏe và hạnh phúc. Nó không phải là về tập thể dục mà là để khám phá cảm giác hòa nhập với bản thân, thế giới và thiên nhiên...”
- Narendra Modi, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, 9/2014.
2. Thực hành thiền chánh niệm là một cách lắng nghe chính mình
Trong khi Yoga tập trung rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần thì thiền chánh niệm lại chú trọng hơn cả về mặt tinh thần, nhận thức. Nó là sự kết hợp giữa thiền định với thực hành chánh niệm. Thiền chánh niệm khuyến khích bạn sống chậm lại, cho phép bạn suy ngẫm sâu hơn về ý nghĩ, cảm xúc của bản thân và có thể giúp bạn khám phá những điều tích cực về chính mình. Điều này liên quan mật thiết đến khái niệm “đứa trẻ bên trong” của bạn. Đến với thiền là cơ hội tuyệt vời để bạn gửi một thông điệp tới đứa trẻ bên trong, rằng nó được quyền bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài, dù là cảm xúc tiêu cực hay tích cực.
Thiền định giúp bạn sẵn sàng chấp nhận những cảm xúc tự nhiên nhất của bản thân, đồng thời biết cách thể hiện chúng một cách lành mạnh. Nó là một phương pháp rèn luyện tinh thần giúp bạn giảm bớt những suy nghĩ chạy đua, buông bỏ phiền não, đồng thời “làm dịu” cả tâm trí lẫn cơ thể.
Các kỹ thuật có thể khác nhau, nhưng nói chung, thiền chánh niệm bao gồm hít thở sâu và nhận thức về cơ thể và tâm trí. Thực hành thiền chánh niệm không cần đạo cụ hay sự chuẩn bị (không cần nến, tinh dầu hoặc thần chú, trừ khi bạn thích chúng). Để bắt đầu, tất cả những gì bạn cần là một chỗ ngồi thoải mái, 3-5 phút rảnh rỗi và tư duy không phán xét.
Kết hợp yoga và thiền chánh niệm, tại sao không?
Bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 bộ môn này, hoặc cả 2, miễn là phù hợp với mục tiêu thực tế của bạn. Việc kết hợp Yoga và thiền chánh niệm cũng là trải nghiệm thú vị, bởi lẽ bạn sẽ nhận song song 2 nguồn lợi ích: lợi ích thể chất liên quan đến các tư thế Yoga, kỹ thuật thở khác nhau và lợi ích tinh thần bởi sự tĩnh lặng và thư giãn tâm trí thông qua nhận thức chánh niệm. Từ đó, bạn sẽ cảm nhận rõ rệt sợi dây liên kết giữa cơ thể và tâm trí, thu hẹp khoảng cách giữa 2 thứ để cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể đều khỏe mạnh.
Một lợi ích khác là tăng khả năng kiểm soát các biểu hiện thể chất, tinh thần và cảm xúc của bạn, đặc biệt là cách chúng phát sinh trong những hoàn cảnh khác nhau. Bằng cách thực hành Yoga và thiền chánh niệm, bạn sẽ thấy mình ở trong trạng thái bình tĩnh, bất kể nơi đâu.
Sau đây là 7 cách tuyệt vời để bạn bắt đầu kết hợp Yoga và thiền chánh niệm:
· Nhận căn cứ: Nếu bạn có thể thở, bạn có thể tập Yoga. Nếu bạn có thể chú ý đến hơi thở của mình, bạn có thể trau dồi chánh niệm.
- Đi theo dòng cảm xúc: Thoải mái trải nghiệm và thể hiện cảm xúc khi chúng xảy ra, mà không cần đánh giá điều gì cả. Chỉ cần cảm nhận bất cứ điều gì bạn cảm thấy. Khóc, cười, ngáp, thở dài hay bất cứ điều gì.
- Lấy lại sức mạnh của bạn: Tiếp xúc với ý chí, kỷ luật, sức mạnh và sự chủ động của bạn. Lưu ý tăng cường cốt lõi: cơ bụng, lưng dưới và không quên hít thở thật sâu nhé!
- Lấy trái tim làm trung tâm: Hãy biết ơn những gì bạn có thể làm. Hãy biết ơn món quà tuyệt vời của cơ thể bạn.
- Lên tiếng khi thích hợp: Chánh niệm là một thực hành đầy thử thách bao gồm việc nói một cách chân thực, rõ ràng và cân bằng.
- Lắng nghe: Hãy tập trung lắng nghe mọi thanh âm, từ tiếng thầm thì của hơi thở cho đến những âm thanh tự nhiên trong nhà, ngoài trời,...
- Hồi tưởng công đức: Cống hiến công đức của việc thực hành là điều cơ bản cho mọi thiền định.
Mỗi người có những cách thức khác nhau để khởi động một năm mới nhiều niềm vui. Yoga và thiền chánh niệm là một trong những trải nghiệm lành mạnh, tích cực và phù hợp cho cả nam lẫn nữ mà bạn không nên bỏ qua!