share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Làng bè Châu Đốc: dải lụa sắc màu giữa miền sông nước An Giang


ADVERTISEMENT

Nếu có dịp đến với thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang, bạn sẽ bắt gặp ở ngã ba sông Châu Đốc một làng bè với hàng trăm ngôi nhà nổi dọc theo chiều dài 1km, tạo nên hình ảnh như dải cầu vồng trên dòng sông Hậu. Thực chất, làng bè này chính là nơi người dân sống với nghề nuôi cá nước ngọt truyền thống. 

Theo đó, nhờ sáng kiến của chính quyền địa phương, làng bè đã được sắc màu hoá để trở thành địa điểm du lịch lý tưởng của vùng biên thuỳ. Từ đó, vẻ đẹp rực rỡ của làng bè thôi thúc người ta đào sâu hơn vào những lát cắt rất đời, rất bình dị trên miền sông nước.

Làng Bè Châu ĐốcẢnh: Kỳ Anh Nguyễn

Lịch sử của làng bè

Manh nha ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước, thuở ấy làng bè chỉ có vỏn vẹn vài căn nhà đơn sơ được cất trên sông, cá phần lớn được nuôi tự nhiên do nguồn nước tốt. Tuy vậy, một thập kỷ sau đó, nhận thấy lợi nhuận kinh tế cao từ việc nuôi thuỷ sản tại đây, số lượng người dân kéo đến an cư lập nghiệp ngày càng nhiều. Từ đó, làng bè Châu Đốc trở thành khu vực kinh tế trọng yếu của An Giang.

Đặc biệt, giai đoạn 1990 - 2005 chính là thời vàng son của làng bè khi có hơn 20.000 hộ gia đình sinh sống trên sông và sản lượng cá đạt mức trung bình 2.000 tấn/năm. Trong đó, hai mặt hàng chủ lực là cá basa và cá tra chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu.

Song khi biến đổi khí hậu ập đến cộng với việc sông Mekong bị ô nhiễm, nhiều hộ gia đình rơi vào tình trạng thu hoạch thất bát. Từ đó, người dân trên làng bè quyết định chuyển sang nuôi các loại cá thịt như cá mè dinh, cá he, cá hú, cá chim, cá bông, v.v rồi xuất khẩu sang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Theo thời gian, kinh tế của họ bắt đầu khởi sắc, làng bè Châu Đốc từ đây cũng trở nên có sinh khí hơn.

Làng Bè Châu ĐốcẢnh: Kỳ Anh Nguyễn

Điều đặc biệt là mọi nơi ở trên làng bè này đều có sự đồng nhất trong kiến trúc. Cụ thể, những căn nhà được xây từ gỗ chống thấm, sau này còn kết hợp với tôn kim loại và trần được lợp simili hoa văn. Trong đó, các bè nuôi cá làm từ gỗ sao có chiều sâu khoảng 5m, xung quanh được bọc lại bằng lưới inox. Có nhà rộng đến 100m2, trong đó có đầy đủ các tiện nghi như phòng bếp, phòng khách, phòng vệ sinh, thậm chí còn trưng cả cây kiểng để làm đẹp không gian. 

Tuy ở làng bè, rất nhiều gia đình đã bỏ xứ mà đi nhưng cũng không ít hộ dân vẫn kiên cường bám trụ và quyết giữ lấy cái nghề mà cha ông đã trao truyền qua bao thế hệ. Giờ đây, việc nuôi cá nước ngọt trong lồng bè không chỉ là sinh kế của họ mà còn là một đặc trưng văn hoá giàu đẹp của vùng đầu nguồn sông Mekong.

Làng Bè Châu ĐốcẢnh: Kỳ Anh Nguyễn

Làng bè được thay “áo mới”

Và rồi, năm 2023, những ngôi nhà thô mộc trên làng bè bắt đầu được thay “áo mới” bởi Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang. Theo đó, 165 bè nuôi cá nằm trên ngã ba sông Châu Đốc đến làng Chăm ở thượng nguồn sông Hậu nhất loạt được phủ lên các màu theo thứ tự như: đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím. Sự “lột xác” này được thực hiện với mục đích kích cầu du lịch địa phương, đồng thời giúp người dân ở làng bè cải thiện đời sống kinh tế. 

Quả vậy, sau khi được thay đổi ngoạn mục, cảnh tượng làng bè nhìn từ trên cao thực sự như một kiệt tác nghệ thuật khiến người xem phải mãn nhãn. Chính diện mạo tươi tắn, trẻ trung đã biến làng bè Châu Đốc trở thành cung đường thuỷ độc đáo nhất miền Tây. Về đêm, khi màn đêm buông xuống và những ánh đèn được thắp lên, làng bè lại càng trở nên trữ tình, lãng mạn hơn. 

Làng Bè Châu ĐốcẢnh: Khương Nhựt Minh 

Cuộc sống bình dị miền sông nước

Nếu muốn chứng kiến cảnh người dân hăng say lao động, hãy ghé nơi đây vào mùa nước nổi (tháng 8 - tháng 11 âm lịch). Đây là lúc mà dòng sông Hậu phù sa dồi dào và các lồng bè ắp đầy cá tôm. Ngoài ra, bạn còn có dịp tìm hiểu về quy trình nuôi cá trong lồng bè cũng như trải nghiệm hoạt động trực tiếp cho cá ăn. Chắc chắn cảnh tượng hàng trăm con cá tung tẩy trong bể nước để tranh giành nhau miếng mồi sẽ khiến du khách cảm thấy vô cùng thích thú. 

Song song, bạn cũng có cơ hội biết nhiều hơn về sinh hoạt thường nhật của người dân và ngộ ra được rằng vì sao họ chọn sống giữa bốn bề mênh mông sóng nước. Hoá ra, dù cuộc sống trên làng bè vẫn còn bất tiện, chí ít họ không phải xoay xở với chi phí mua đất, thuê nhà như bao người. Thay vào đó, họ chọn cách hoà hợp với thiên nhiên, vui thú với bè cá và giờ đây là tiếp đón khách du lịch đến với “ốc đảo” nhỏ của mình.

Tại đây, phương tiện di chuyển chính của người dân là ghe và thuyền. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc ghe chở đưa khách, ghe hút cát, ghe chở cá, ghe bán bánh bò thốt nốt và những đứa trẻ với nụ cười vô tư lự. Ngoài ra, khi trời về chiều, người dân sẽ ngơi nghỉ sau một ngày làm việc vất vả. Lúc này, phụ nữ sẽ tất bật chuẩn bị cơm tối cho gia đình, phái nam thì lúi húi sửa máy, vá lưới. Thi thoảng, họ lại ngẫu hứng ngâm nga vài ba câu hò miền Tây ngọt ngào. 

Làng Bè Châu ĐốcẢnh: Kỳ Anh Nguyễn

Đặc biệt, khi đến với làng bè sắc màu, bạn còn được họ chiêu đãi những món đặc sản sông nước cực kỳ hấp dẫn như chả cá basa chiên xù, mắm cá, lẩu cá bông lau. Trong đó, món bún cá Châu Đốc chắc chắn sẽ khiến bao người thòm thèm. Sợi bún dai mềm làm từ bột gạo, cá được ướp với nghệ tươi, phần nước dùng thì được ninh với sả, nước cốt ngải bún. Tô bún còn ngập ngụa những loại topping như thịt lợn quay, bông điên điển, bắp chuối, rau thơm… Hương vị đậm đà và phong phú ấy cứ thế chiếm trọn trái tim du khách.

Làng Bè Châu ĐốcBún cá Châu Đốc là một trong những đặc sản của vùng. Ảnh: Dân Việt

Bên cạnh đó, chuyến thăm thú của bạn sẽ trọn vẹn hơn nếu kết hợp cả việc ghé đến làng Chăm Châu Phong và làng Chăm Châu Giang ở 2 bên bờ sông Hậu. Bạn sẽ có cơ hội khám phá về cuộc sống của người Chăm theo đạo Hồi, các thánh đường Hồi giáo của họ cũng như những xưởng dệt thổ cẩm. Hoặc ngay ở làng bè, bạn cũng có thể mang về một tấm vải thổ cẩm dệt tay, dụng cụ đánh cá bằng tre hay khô cá đặc trưng của những thương hồ nơi đây.

Làng dệt thổ cẩm An GiangLàng nghề dệt thổ cẩm đã có từ rất lâu. Ảnh: Cục du lịch quốc gia An Giang

Như vậy, làng bè sắc màu ở ngã ba sông Châu Đốc có rất nhiều tiềm năng để trở thành một “viên ngọc sáng” về du lịch cộng đồng và xứng đáng để lọt vào mắt xanh của nhiều du khách quốc tế.


>>Xem thêm: Khám phá Cần Giờ - “Ốc đảo xanh” đặc biệt giữa lòng Sài Gòn


ADVERTISEMENT