share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Lênh đênh hồ Inle


ADVERTISEMENT

Cũng như mọi người, tôi biết về Myanmar qua hình ảnh bình minh, hoàng hôn, ngôi đền chùa vắng lặng và khinh khí cầu bay ngợp trời, và cũng từ đó, tôi đổ gục trước mảnh đất huyền bí và tâm linh này.

Nhiều người bảo: “Myanmar chỉ hợp với người lớn tuổi thôi, chứ còn mấy đứa trẻ ham vui như chúng mình đến đó thì chán lắm, có gì ngoài hoàng hôn bình minh đâu”. Dù vậy, tôi vẫn cương quyết dành dụm hết toàn bộ số tiền tiết kiệm lúc bấy giờ để làm một chuyến xuất ngoại một mình đến “vùng đất hứa” Myanmar mà tôi ấp ủ bấy lâu.

Những ngày ở Bagan, tôi hết lang thang trên những ngôi đền chùa, ngồi trên tầm cao nhất định chờ một ngày lên và kết thúc. Thỉnh thoảng tôi làm quen với vài đứa bé bán postcard quanh đó nên biết thêm một số địa điểm bí mật hơn. Dần dà tôi cũng cảm nhận được sự buồn bã bởi không khí yên tĩnh quá mức và đường phố vắng vẻ của Bagan, tôi quyết định rời Bagan sớm một ngày để đến hồ Inle.

Hồ Inle thuộc bang Shan, là hồ nước ngọt lớn thứ hai ở Myanmar. Không khí có phần mát mẻ và dễ chịu hơn so với cái nắng gắt của Bagan. Tôi tranh thủ đi bộ quanh phố làng trước khi người dân bắt đầu một ngày lao động. Inle là nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số Inthar. Trong tiếng Myanmar, “Inthar” có nghĩa là “người sống trên hồ”, nên hầu hết cuộc sống của họ gắn liền với sông nước từ nhà cửa, trồng trọt đến phương tiện di chuyển.

Đến Inle, chẳng khó để bắt gặp những người đàn ông Inthar trong trang phục váy ôm dài màu vàng quấn quanh người, đứng trên con thuyền độc mộc với tư thế đánh cá một chân huyền thoại được xem như một biểu tượng văn hóa ở Myanmar. Người Inthar bao đời nay “sinh ra ở hồ, lớn lên bên mặt hồ và chết đi cũng ở đây” nên với họ, Inle không chỉ đơn giản là một chốn ăn ở mà nó còn nơi duy nhất cho họ được sống đúng với bản năng của tổ tiên nhất. Sớm bình minh đầu tiên ở Inle, tôi được chú ngư dân ở đây chở đi thăm quan một vòng để hiểu hơn cuộc sống người dân, được kể cho nghe cách người dân trồng trọt cây cà chua dưới nước thế nào và được ngắm cảnh bình minh độc đáo nhất ở đây.

Khi mặt trời bắt đầu lấp ló ở xa, từng con thuyền bắt đầu rời bến. Họ đánh bắt cá bằng cách đứng thăng bằng chỉ với một chân rất điệu nghệ, tay cầm nơm đan bằng tre và thu thập mẻ cá vừa đủ, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Thỉnh thoảng từ xa sẽ có đàn chim sà xuống sát mặt nước và đậu ngay trên thuyền của tôi, sự dạn dĩ của chúng thật thú vị, chẳng giống chú chim thành phố chỉ cần tiến một bước lại gần là bay đi.

Có một lời khẳng định về người dân Myanmar mà tôi thấy chính xác nhất đó là sự hiếu khách và chân thành. Họ không e dè tôi như một người lạ, không chèo kéo như vị khách du lịch mà họ để tôi sinh hoạt gần với nhịp sống thường nhật nơi đây. Tôi hết lênh đênh trên mặt hồ đến được dạy cách dệt sợi tơ sen hay làm thuốc lá. Tuy cuộc sống của người Inthar không quá đầy đủ về vật chất nhưng chưa khoảnh khắc nào tôi thấy nụ cười tắt trên môi họ. Những con người chăm chỉ làm phần việc của mình, cuối ngày lại dành thời gian để cảm tạ thần linh luôn ban tặng sức khỏe và được gắn bó với mặt hồ này hết cuộc đời.

Ngoài người Inthar, ở Inle còn có một bộ tộc rất đặc biệt sinh sống nữa, đó là bộ tộc người Kayan, hay còn được gọi là “người cổ dài”. Theo quan niệm người Kayan xưa, người phụ nữ đẹp là người có chiếc cổ dài. Cho nên từ năm tuổi, họ đã được đeo những vòng đồng đầu tiên, và cứ thế số lượng tăng dần theo thời gian.  Dần dà, chiếc vòng như một bộ phận không thể tách rời trên cơ thể và chính nó giúp họ trở nên độc đáo so với những tộc người khác trên thế giới. 

Trong ngôi nhà nhỏ sát mặt hồ, tôi mê mẩn hình ảnh của người phụ nữ Kayan từ già đến trẻ cần mẫn ngồi dệt vải, miệng nói cười liến thoắng, tay nâng niu những món vật dụng họ làm ra, kể cho tôi nghe những câu chuyện về tộc người của họ bằng ngôn ngữ hình thể. Tôi nhận ra rằng, hạnh phúc không nằm ở số tiền mình có được mà quan trọng là do thái độ sống. Những người Kayan tuy đã trải qua nhiều thăng trầm và cuộc di cư ngoài ý muốn trong lịch sử, nhưng tới nay họ vẫn tích cực sống mỗi ngày, tận tụy với công việc đang làm và yêu mến mảnh đất đang bao bọc họ. Cứ mỗi lần áp lực tôi lại nhớ về câu chuyện về người Kayan kiên cường này như một động lực tiếp tục cuộc sống hiện tại.

Tình yêu với Myanmar của tôi bắt đầu từ hình ảnh bình minh, hoàng hôn như bao người nhưng cái giữ chân và đọng lại trong ký ức lâu nhất lại là hồ Inle. Không phô trương, không sầm uất, không đẹp tráng lệ, nhưng những kỷ niệm về con người nơi đây lại đặc biệt hơn tất cả mọi thứ. Tôi luôn mong Inle đủ vững chãi để bảo vệ những người con hiền lành của nó và cứ thầm lặng, bình yên như ngày tôi ghé thăm.


ADVERTISEMENT