share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Lomography: Chụp đi, nghĩ chi


ADVERTISEMENT

Ánh sáng và tỉ lệ là hai yếu tố thông thường cấu thành nên một bức ảnh đẹp, bằng chứng là có nhiều quy tắc khác nhau về các vận dụng hai yếu tố này khi chụp ảnh mà bất cứ người cầm máy nào cũng phải ghi nhớ. Tuy nhiên, khi đề cập đến Lomography thì những thông số kỹ thuật và quy tắc chụp ảnh thông thường dường như đều trở nên vô nghĩa.

Một chiếc máy lomo thường gặp

Lomo, hay theo nguyên bản tiếng Nga “ЛОМО”, là một loại máy ảnh của Liên Xô ra đời vào giữa thế kỷ XX. Loại máy ảnh này đặc biệt nhạy cảm với các màu đỏ, vàng và xanh. Năm 1991, có hai chàng sinh viên người Áo đã mua một loạt những chiếc máy ảnh Lomo cũ và mang đi chụp một cách ngẫu hứng, không quan tâm đến những kỹ thuật như tiêu cự, ánh sáng, tỉ lệ,… Chính sự “ngông cuồng” trong lối chụp ấy, kết hợp với màu sắc đặc trưng của cảm biến Lomo đã tạo nên những bức ảnh vô cùng độc đáo và mang cá tính riêng.

Triển lãm ảnh Lomo đầu tiên được tổ chức và Hội Nhiếp ảnh Lomo Quốc tế cũng ra đời năm 1993, thu hút đông đảo sự quan tâm của giới nhiếp ảnh Châu Âu và thế giới.

Ngày nay, Lomography có lẽ là thể loại nhiếp ảnh dễ tiếp cận nhất, nếu xét về giá thành của những thiết bị chụp. Những chiếc máy lomo của Holga hay Lomo LC-A đều có giá rất rẻ, không vượt quá 200 USD. Ngoài ra còn có vô số những chiếc máy ảnh Lomo “trông như đồ chơi” với thân máy và thấu kính đều được làm bằng nhựa, được bán chỉ khoảng 200 nghìn tiền Việt, nhưng cũng đã đủ dùng cho một người nhập môn chụp Lomography.

Máy ảnh của hãng Holga

Loại máy ảnh như đồ chơi có thể dễ dàng mua với giá rẻ

Đặc trưng của máy ảnh Lomography là lỗi. Có thể có rất nhiều quang sai (sắc sai/ cầu sai) khi chụp ảnh dẫn đến sai lệch về màu sắc và độ nét của tấm ảnh sau cùng, thậm chí, hình ảnh thu được trên ống ngắm của một chiếc máy lomo có thể khác hoàn toàn so với hình ảnh thu được trên ống kính. Với Lomo, máy ảnh chỉ là một công cụ thu nhận ánh sáng không hơn kém, người chụp không có khả năng làm chủ máy ảnh mà chỉ có thể làm chủ cảm xúc chụp của mình.

Ảnh lomo với nhiều quang sai, nhưng đó cũng là “chất" của thể loại này

Kỹ thuật chụp Lomo cũng rất đơn giản, nếu không muốn nói là chẳng có bất cứ kỹ thuật nào cả. Bảng 10 quy tắc vàng khi chụp Lomography bắt đầu bằng việc yêu cầu người chụp luôn phải mang máy ảnh theo mình, và kết thúc bằng lời khuyên cứ thoải mái chụp ảnh, đừng quan tâm đến 9 quy tắc còn lại.

Lomography không có quy tắc nào cả

Lomo đề cao sự ngẫu hứng, khuyến khích người chụp đừng để những yếu tố môi trường làm phân tán cảm hứng chụp ảnh của mình. Sau mỗi lần nhấn nút chụp, kéo phim mới, là xong, không nghĩ thêm về tấm ảnh vừa chụp, cũng không cần cân nhắc rằng sẽ phải chụp gì tiếp theo. Mỗi tấm ảnh Lomo là một chuyến phiêu lưu vào sự tự do tuyệt đối. Quan trọng là phải nhanh!

Khẩu hiệu của những người chụp Lomo “Chụp đi, nghĩ chi” – “Don’t think, just shoot” cũng đã phần nào giải thích cho đặc tính “ngông cuồng” của trường phái nhiếp ảnh này.

Ở Việt Nam, Lomography phát triển mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là trong cộng đồng nhiếp ảnh trẻ khi trào lưu sử dụng máy ảnh phim quay lại. Có thể kể đến một cái tên tiêu biểu của Lomography Việt Nam là nhiếp ảnh gia Maika Elan, nữ nhiếp ảnh gia đầu người Việt đầu tiên đoạt giải ảnh báo chí thế giới cho World Press Photo Foundation tổ chức với bộ sách The Pink Choice của mình.

Cùng xem qua một số bức hình đẹp của Maika. Cô chủ yếu vận dụng kĩ thuật chồng hình khi chụp, là một kĩ thuật rất đơn giản khi sử dụng máy ảnh phim nói chung và máy ảnh lomo nói riêng để tạo nên nét đặc trưng cho những bức hình của mình.

Ảnh từ project “Like My Father" chụp người bố bị ung thư của Maika

Một số ảnh lomo khác của Maika

Lomography là một trường phái độc đáo của nhiếp ảnh, là sự chạy thoát khỏi những quy tắc cứng nhắc và kỷ luật khi cầm máy, mang lại niềm vui và cảm giác tự do cho người chụp. Khi chụp Lomo, mọi thứ dường như nhẹ nhàng và thoải mái hơn, xét trên cả bình diện người chụp và người được chụp: một chiếc máy ảnh “trông như đồ chơi” sẽ không làm ai cảm thấy khó chịu, nhưng vẫn thu được những hình ảnh ấn tượng.

Đã tồn tại được ngót nghét 20 năm, Lomography sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai với những đặc tính của mình. Mua một chiếc máy ảnh lomo và thử dạo phố chụp ảnh, rồi bất ngờ với những bức hình sau khi tráng rửa là trải nghiệm mà bất cứ ai cũng nên thử một lần. Chụp đi, nghĩ chi?!


ADVERTISEMENT