Sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người châu Á trong mùa dịch Covid 19
Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi số người tử vong vì Covid 19 vẫn không ngừng tăng lên. WHO đã phải công bố Covid 19 là đại dịch toàn cầu. Song bên cạnh những thiệt hại về mọi mặt đặc biệt là kinh tế và giao thương, thời gian chống dịch đã tạo ra nhiều thay đổi trong thói quen ăn uống của người châu Á nói chung và người Việt nói riêng.
Gần đây, các nhà nghiên cứu thị trường của Nielsen đã tiến hành một số khảo sát về quan niệm ăn uống của người dân châu Á. Một cuộc khảo sát trực tiếp đã thu về hơn 6000 ý kiến từ 11 nền kinh tế bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia trong khoảng thời gian từ 6 - 17 tháng 3 năm nay. Kết quả cho thấy, 86% người dân Trung Quốc ăn tối ở nhà thường xuyên hơn khi dịch bệnh bùng phát, tiếp theo là Hong Kong 77%. 62% là con số thu được tại các nước Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam. Từ đó, họ còn đưa ra kết luận từ những số liệu thực tế rằng: Người châu Á dường như không muốn trở lại thói quen thường xuyên ăn ngoài mà sẽ chuyển hướng sang mua đồ mang về ăn sau đại dịch Covid-19.
Ảnh: Shutterstock
Về phía Việt Nam, đây có thể xem là một sự chuyển hướng trong thói quen ăn uống, trở nên xanh - sạch - hơn. Người Việt với một nền văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc. Song một số trong đó có phần lạc hậu chưa đảm bảo vệ sinh và từ mùa dịch Covid -19 đã có những chuyến biển đáng kể. Ăn uống nơi vỉa hè đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong xã hội Việt. Không cầu kỳ, đòi hỏi, bất cứ chỗ nào cũng có thể trở thành quán ăn, bất cứ chỗ nào cũng có thể có thực khách, kể cả các khu vực chưa đảm bảo vệ sinh như miệng cống, khu vực đổ rác, thậm chí khu vực vệ sinh, chăn nuôi. Đây được xem là thói quen chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ảnh: Shutterstock
Như rất nhiều nền văn hóa khác, Việt Nam cũng có những món ăn xếp vào hàng “kinh dị” như tiết canh, thực phẩm sống. Những loại thực phẩm này chứa rất nhiều vi trùng và có hại cho sức khỏe song vẫn là món khoái khẩu của đa phần người Việt. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã kéo theo sự vắng bóng của những hoạt động này. Mọi người bắt đầu có ý thức những nguy cơ tiềm ẩn từ những món ăn nguy hiểm.
Ảnh: Shutterstock
Hơn nữa, việc không rửa tay trước khi ăn đã dần trở thành thói quen của nhiều người. Khi cuộc sống dần trở nên hiện đại, thói quen ấy đã được sửa đổi ít nhiều, nhưng vẫn có thể bắt gặp ngay cả ở thành thị, nơi tập trung những người có nhiều hiểu biết. Gần đây, việc rửa tay được coi là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh virus Covid-19, thói quen cũ đang dần được thay đổi, người dân bắt đầu chú trọng việc rửa tay trước mỗi bữa ăn.
Ảnh: Shutterstock
Như vậy, có thể nói sau sự kết thúc của dịch Covid-19, xã hội sẽ có những thay đổi mới trong thói quen ăn uống, trở nên xanh - sạch - đẹp hơn. Đây là một bước tiến quan trọng để nâng cao đời sống xã hội.