Tết về trên làng hương Thuỷ Xuân
Không chỉ có chùa Thiên Mụ, Nhã nhạc cung đình hay những đền đài lăng tẩm oai linh, bức tranh tuyệt đẹp của Huế mộng mơ còn có sự chấm phá của những làng nghề truyền thống. Làng hương Thủy Xuân là một trong số đó khi đã có hơn 700 năm tồn tại mặc cho bao bể dâu thời cuộc.
Khoảng mười năm trở lại đây, làng hương Thủy Xuân đã trở thành địa điểm du lịch nức tiếng cố đô. Và vào độ Tết đến xuân về, những nghệ nhân trong làng lại càng hăng say lao động cả ngày lẫn đêm để cho ra đời những nén hương trầm phục vụ người dân trên mọi miền tổ quốc.
Sợi dây kết nối vững bền
(Ảnh: Duc Nguyen)
Cách trung tâm thành phố Huế 7km về hướng Tây Nam, làng hương Thủy Xuân nằm ẩn mình dưới đồi Vọng Cảnh và tọa lạc bên dòng Hương giang diễm lệ. Điểm nhấn của làng hương là những bó chông hương rực sắc được đặt ở hai bên vệ đường. Cả không gian của làng ngợp tỏa trong hàng cây xanh mướt. Vẻ đẹp tươi nguyên ấy đã khiến không ít du khách ngẩn ngơ và níu chân họ lại lâu hơn để khám phá trọn vẹn cuộc sống của người dân xứ kinh kỳ.
Tương truyền, nghề làm hương đã xuất hiện từ thời nhà Nguyễn. Thuở ấy, hương được làm ra chủ yếu để phục vụ quan lại trong triều đình và bà con vùng Thuận Hóa - Phú Xuân. Trong tâm thức người Việt, hương tượng trưng cho sự tưởng nhớ về tổ tiên, nguồn cội và càng thêm thiêng liêng trong những ngày Tết nguyên đán. Bởi thế, dẫu trải qua bao thăng trầm lịch sử, từng thế hệ vẫn tiếp nối và phát huy nghề làm hương truyền thống mà cha ông đã dày công gìn giữ.
(Ảnh: Duc Nguyen)
Ngày nay, Thủy Xuân đã trở thành làng hương lớn nhất xứ Huế. Giữa dòng chảy hiện đại, làng hương Thủy Xuân vẫn không đánh mất đi bản sắc vốn có và ngày càng để lại dấu ấn khó phai trong lòng lữ khách thập phương.
Những đôi tay tài hoa
(Ảnh: Thổ Địa Du Lịch Huế)
(Ảnh: Thổ Địa Du Lịch Huế)
Ghé làng hương Thủy Xuân, ta sẽ có dịp thưởng lãm nét đẹp văn hóa Việt bởi những lao động nơi đây đa phần đều là nghệ nhân lâu năm và đầu đã điểm hoa râm. Tuy vậy, đôi tay họ vẫn thoăn thoắt trộn bột, se hương để kịp sản xuất những bó hương trầm mang đến tay người dân ở những đô thị lớn như TP. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và còn xuất khẩu sang nước ngoài. Dẫu cung cấp nhiều mặt hàng đa dạng như hương sả, hương quế, hương nhài, nụ trầm, hương vòng, hương trầm mới là sản phẩm định vị nên tên tuổi của làng hương Thủy Xuân.
Hương trầm ở nơi đây dậy nên một mùi hương rất thanh tao, tỏa rộng khắp vùng. Để có một que hương chất lượng như vậy, người thợ không những phải có tay nghề điêu luyện mà còn phải mang cái tâm yêu nghề tha thiết vì quy trình làm hương rất công phu, nhọc mệt.
Cụ thể, bột trầm làm hương sẽ được pha trộn với những loại nguyên liệu như hoa hồi, đinh hương, khuynh diệp, búp thông, nụ tùng… kết hợp cùng quế, bưởi khô, vỏ bưởi rừng… để hương thêm ngát mùi thơm. Tất cả đều được sàng lọc kỹ càng và cân chỉnh theo một tỷ lệ nghiêm ngặt. Hỗn hợp sau đó sẽ được hòa với nước sao cho có độ dẻo quánh đạt chuẩn.
Đồng thời, để có phần lõi hương như ý, người thợ khai thác ruột tre già từ rừng Bình Điền, Phong Sơn, Nam Đông, sau đó vót thành từng mảnh nhỏ, đều rồi đem ra ngoài trời phơi nhiều ngày đến khi khô và giòn lại.
Tiếp đến là công đoạn se hỗn hợp đã trộn dẻo quanh lõi hương. Đây được xem là công đoạn khó nhằn nhất, đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mẩn để que hương làm ra không tắt đột ngột hay gãy ngang. Bột phải lăn đều, chắc tay mới có thể bám vào que hương, sau khi se xong lại đem đi phơi nắng. Để que hương có độ kết dính, người thợ sẽ dùng đến vỏ cây bời lời.
Khi xưa, hương trầm chỉ có hai màu cơ bản là đỏ sẫm và nâu. Sau này, người thợ đã nhuộm màu để sản phẩm thêm phần bắt mắt. Vì vậy, dừng chân tại làng hương Thủy Xuân, ta sẽ khó lòng cưỡng lại trước những chông hương xanh, tím, hồng, vàng "ướp mình" trong nắng sớm. Nhìn từ tổng thể, trông chúng không khác gì muôn vạt hoa tươi thắm đang khoe sắc. Từng chùm, từng chùm nằm kề nhau tạo thành một dải màu vô cùng rực rỡ, thắp sáng cả con đường Huyền Trân Công Chúa.
(Ảnh: Duc Nguyen)
Dù giờ đây máy móc có thể thay thế, người nghệ nhân vẫn chọn cách làm thủ công như một cách làm để gìn giữ nghệ thuật truyền thống của thế hệ trước. Trên thực tế, nghề làm hương chỉ mang lại thu nhập vừa đủ, không dư dả. Tuy vậy, họ vẫn bền chí theo đuổi nghề và mong mỏi có thể quảng bá nét đẹp văn hóa ấy đến muôn nơi.
Đặc biệt, vì chủ những cơ sở sản xuất hương trong làng đều là người Huế nên du khách đến đây đều được họ tiếp đón bằng sự niềm nở, thân thiện. Họ sẵn sàng thiết đãi trà bánh và ngồi kể cho du khách nghe về cuộc sống của họ, cái nghề đã ăn sâu vào máu tủy họ và cả lịch sử sống động của làng nghề. Ngoài ra, nơi đây còn bày bán cả đồ thổ cẩm, quạt, tranh sơn dầu. Du khách có thể gói ghém phong vị Huế rất đỗi đặc biệt ấy vào hành trang xê dịch của mình.
Làng hương Thủy Xuân quả thực là nơi bao thế hệ đã bồi tụ phù sa văn hóa cho đời sống tâm linh của người Việt. Để rồi, ai đặt chân đến mảnh đất cố đô linh thiêng mà không trót nặng tình với vẻ đẹp chân phương của làng hương.