share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Tới Termez lần theo dấu tích Phật giáo ở đất nước Hồi giáo


ADVERTISEMENT

Uzbekistan gây ấn tượng với tôi bởi văn hóa và kiến trúc Hồi giáo đặc sắc. Từ những món ăn địa phương, những ngôi chợ mái vòm đặc trưng tới những ngôi đền thờ Hồi giáo… đâu đâu cũng mang đậm bản sắc văn hóa Hồi giáo. Vậy nhưng, tôi không thể ngờ rằng ẩn sâu dưới lòng đất thuộc về Hồi giáo lại là những tu viện Phật giáo có niên đại gần 2.000 năm tuổi. Và kỳ quan của quá khứ Phật giáo tại vùng đất Trung Á này nằm ở Termez, thành phố phía Nam của Uzbekistan, nơi biên giới xa xôi hẻo lánh giáp với Afghanistan.

Có ai ngờ, ẩn sâu dưới lòng đất thuộc về Hồi giáo lại là nơi một thời hưng thịnh của Phật giáo

Biết tôi tới Uzbekistan, Adiljon – một người bạn Uzbek mà tôi có dịp gặp gỡ tại Việt Nam – liền sắp xếp một chuyến đi đặc biệt cho tôi. Từ Tashkent, chúng tôi chọn đi tàu hỏa để tới Termez. Sau một đêm trên tàu, chúng tôi tới sân ga Termez lúc hơn 10h sáng, nắng rất đẹp và thời tiết ấm áp hơn nhiều so với Tashkent. 16 độ, quá tuyệt vời! Adiljon đón chúng tôi từ sân ga và đưa tới một căn hộ khá rộng và đầy đủ tiện nghi.

Sau khi đã sắp xếp đồ đạc và nghỉ ngơi một chút, chúng tôi đi ăn trưa. Bữa trưa đầu tiên ở Termez đặc biệt với món thịt cừu hầm ăn cùng bánh mì truyền thống. Lại nói đến bánh mì, đây là món ăn không thể thiếu của người dân ở Uzbekistan. Dù bạn ăn gì, gọi món gì hay vào bất cứ quán ăn nào thì bánh mì cũng được dọn ra trước tiên. Và bánh mì được bày bán khắp mọi nơi trên đất nước này, trong cửa hàng, ngoài chợ đâu đâu cũng có.

Món thịt cừu hầm ăn kèm bánh mì rất ngon và lạ miệng

Ăn xong, Adiljon chở chúng tôi đi lòng vòng ngắm thành phố. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, Termez sẽ khiến bạn có cảm giác đây là một thành phố trẻ, đang trong quá trình xây dựng, bởi hầu như đi đến con đường nào trong thành phố tôi cũng bắt gặp những công trình xây dựng đang dang dở. Và với đà phát triển này, sẽ không lâu nữa, nơi đây sẽ là một thành phố đẹp và sầm uất nhất ở khu vực biên giới Trung Á. Vậy nhưng, thực tế Termez lại là một trong những thành phố cổ nhất ở Uzbekistan.

Nhìn thì có vẻ là thành phố mới, nhưng thực tế Termez lại là một thành phố có lịch sử lâu đời

Rời thành phố, chúng tôi tiến về phía trong những con đường làng quê đẹp bình dị. Những cánh đồng bông vải đã thu hoạch gần hết, những ruộng nho bắt đầu đổi màu thay lá vào đông. Xe tiến sâu hơn về phía biên giới Afghanistan, đưa tôi đến với một kỳ quan của quá khứ Phật giáo, tu viện Fayaz Tepa. Tu viện Fayaz Tepa có niên đại hơn 2.000 năm thuộc triều đại Kushan đang được UNESCO và các Phật tử khắp nơi trên thế giới mong muốn được bảo vệ và khám phá. Khu này nằm giữa hoang mạc mênh mông khô cằn. Phía ngoài là một cái cổng có đề bảng của các nhóm khai quật và bảo tồn. Nơi đây trước kia vốn là một trường học nội trú với đầy đủ chức năng sinh hoạt học tập được phân khu rõ rệt.

Tu viện Fayaz Tepa, một kỳ quan của lịch sử Phật giáo

Đây vốn là một trường học nội trú với đầy đủ chức năng sinh hoạt cho các Phật tử

Tu viện còn có một đền thờ, một hành lang và chỗ ở cho những người hành hương bao gồm các phòng ăn và nhà bếp với kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên hiện nay, khu di tích này chỉ còn lại những bức tường chia từng phòng và một vật linh thiêng được bảo vệ bên trong nhà mái vòm. Tại nơi này, nhóm khảo cổ đã thu được rất nhiều cổ vật về Phật giáo và được lưu trữ trưng bày tại một bảo tàng ở trung tâm thành phố Termez.

Khu di tích này vẫn còn lại những bức tường thành nằm dưới lòng hoang mạc

Rất nhiều hiện vật của Phật giáo được tìm thấy tại khu vực này

Chúng tôi tiếp tục di chuyển tới một khu khảo cổ khác cũng trong khu vực sau khi đã tham quan xong tu viện. Điểm đến sắp tới rất đặc biệt và tôi là người may mắn khi được vào khu vực mà không phải người địa phương nào cũng có thể đặt chân tới. Để đến được đây, trước khi tôi bay sang Uzbekistan, Adiljon bằng mối quan hệ ngoại giao của mình đã nộp bản sao hộ chiếu của chúng tôi lên Ban chỉ huy quân sự biên giới xin giấy phép. Cho đến sát ngày đi, chúng tôi mới nhận được quyết định được phép này. Adiljon lái xe lòng vòng trên những con đường đất mù mịt tiến vào doanh trại quân đội biên giới trình giấy phép. Sau khi qua khâu kiểm tra, chúng tôi được phép lên đường đến nơi mà tôi đang vừa có chút sợ hãi vừa có chút tò mò háo hức được khám phá.

Khu khảo cổ phế tích của vương quốc Phật giáo Kushan nằm giữa hoang mạc hoang vu giáp biên giới Afghanistan

Lại tiếp tục lòng vòng trên những con đường mù mịt bụi đất trên hoang mạc khô cằn, chẳng mấy chốc chúng tôi tới khu khảo cổ phế tích Phật giáo nổi tiếng khắp thế giới. Khu khảo cổ này là những phế tích của vương quốc Phật giáo Kushan, tồn tại trong khoảng thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 7, là ngã ba quan trọng trên con đường giao thông nối hai nửa Đông và Tây của thế giới. Gần 2.000 năm trước, nơi đây chính là trung tâm của Phật giáo vùng Trung Á. Termez có vai trò quan trọng trong việc đưa đạo Phật vào Tây Tạng và nhiều vùng của Trung Quốc để rồi từ đó, tôn giáo này lan đi các nước khác ở châu Á. Giờ đây, gần 2.000 năm sau, các nhà khảo cổ học đang nghiên cứu, khai quật những tượng Phật bị chôn vùi dưới lòng đất.

Những tượng Phật được khai quật tại khu khảo cổ

Các hiện vật khai quật đều được đặt tại bảo tàng Arxeologiya tại trung tâm Termez

Tại đây, công việc khai quật vẫn còn giang dở. Những lán trại của đội khảo cổ vẫn còn đây. Họ sẽ còn mất nhiều thời gian để khám phá hết thế giới dưới lòng hoang mạc rộng lớn này - nơi từng là một đế chế hưng thịnh, là cội nguồn của Phật giáo.

Các nhà khảo cổ học vẫn đang miệt mài khám phá những bí ẩn nằm dưới lòng đất

Tôi đứng trên một mỏm đất cao, ngắm nhìn toàn khu khảo cổ. Phía trước tôi, cách vài bước chân là con sông Amu Darya, bên kia sông chính là Afghanistan, nơi ngày đêm vẫn xảy ra chiến sự với súng đạn và bom mìn. Chiều xuống nhanh, gió hoang mạc thổi vào lạnh cắt từng cơn. Tôi nấn ná chưa muốn về. Dưới lòng hoang mạc hoang vu này còn bao điều bí ẩn, bao câu chuyện lịch sử mà chúng ta vẫn chưa biết?

Giữa lòng hoang mạc bên bờ con sông Amu Darya còn biết bao điều bí ẩn?

Câu hỏi ấy rơi vào thinh không giá lạnh. Và buổi chiều hôm ấy, với những cảm xúc đặc biệt ấy, tôi sẽ mãi chẳng thể quên được!

 

 

 


ADVERTISEMENT