Trường tiểu học Jadgal ở Iran: Nơi học tập và trung tâm văn hoá của người dân
Thông tin công trình
Địa điểm: Seyyed Bar, Iran
Kiến trúc: Daaz
Kiến trúc sư chính: Arash Aliabadi
Diện tích: 480 m²
Năm: 2020
Ảnh: Deed Studio
Dưới thỉnh cầu của người dân làng Seyedbar-Jadgal, năm 2020, tổ chức phi chính phủ Iran-e Man đã khởi công dự án xây dựng trường tiểu học và trung học Jadgal nhằm nỗ lực nâng cao dân trí của người dân bản địa. Ngôi trường nằm tại hạt Chabahar, tỉnh Sistan & Baluchestan, phía Đông Nam Iran.
Trường tiểu học và trung học Jadgal nằm giữa một khu đất rộng lớn và yên bình
Nhà tổ chức và nhóm kiến trúc sư đã tự nguyện thiết kế và giám sát quá trình xây dựng. Ban đầu, nhóm thiết kế nghiên cứu nét đặc trưng trong văn hoá và kiến trúc của làng trong vài tháng, xác định nhu cầu và những tiềm năng cũng như nhược điểm tại nơi này. Sau đó, họ đã đưa ra ý tưởng xây dựng trường học vừa là nơi giáo dục trẻ em vừa là địa điểm tụ họp của người dân trong làng.
Khoảng sân ở trung tâm là nơi vui chơi của trẻ em đồng thời là nơi sinh hoạt văn hoá của người dân trong làng
Dự án có ngân sách hạn chế nhưng đội ngũ không vận động quyên góp mà thay vào đó, nhà tổ chức chọn phương pháp "tự cung tự cấp" để hiện thực hóa ý tưởng. Người dân trong làng, kể cả phụ nữ, mỗi người một việc dựa trên thế mạnh của mình tham gia xây dựng và tạo ra nguồn kinh phí duy trì.
Họ kêu gọi thanh niên trong thôn góp công sức, dọn dẹp vệ sinh khu vực, xây dựng hệ thống thoát nước thải tự hoại, thành lập xưởng may vá và tạo một trang Instagram có tên là @Banook để giới thiệu và bán các sản phẩm quần áo của phụ nữ trong làng. Toàn bộ số tiền bán áo quần này sẽ được đóng góp vào việc xây dựng trường. Nhờ vậy, phụ nữ đã tham gia vào các hoạt động kinh tế và được xã hội nhìn nhận hơn. Bằng cách này, ngôi trường có được thiện chí của mọi người trong làng.
Hiện nay, ngoài chức năng giáo dục, trường còn được sử dụng như khu vui chơi cho trẻ em vào các ngày lễ, nơi tụ họp của dân làng, nơi xem phim và bóng đá theo nhóm, thư viện, du lịch. Trường được quản lý và duy trì bởi người dân trong làng và giáo viên.
Ngôi trường tuân thủ các quy định về xây dựng của Viện Lập pháp và Kiểm soát Xây dựng trường học ở Iran, chịu được động đất nhờ kết cấu xây dựng theo phương pháp ICF và cốp pha bê tông cách nhiệt. Cấu trúc của ngôi trường không có bất kỳ cây cột nào nhờ vào dạng cong của thiết kế. Lớp phủ cuối cùng được sử dụng là vật liệu bán địa phương được làm từ xi măng và đất địa phương gọi là Simgel có tác dụng ngăn ngừa rỉ sét do lũ lụt và mưa lớn, đồng thời tạo ra sự hài hòa với màu sắc và kết cấu xung quanh. Trong trường hợp lớp phủ này bị phá hủy hoặc nứt, nó cũng có thể được sửa chữa dễ dàng.
Trường Jadgal có nhiều thiết kế dạng cong và không có bất kì cây cột nào
Trường có diện tích 470 mét vuông, bao gồm bốn phòng học với hai lớp trung học và hai lớp tiểu học, một thư viện, một hội trường đa chức năng, một sân chơi lớn ở trung tâm và các sân chơi phụ linh hoạt xen giữa các phòng học.
Bên trong một phòng học
Hình tròn xuất hiện rất nhiều trong hình thái của dự án với ngụ ý giáo dục là trọng tâm, nghĩa là "học cùng nhau" - không có hệ thống thứ bậc và dân chủ. Đó là một khoảng sân lớn ở giữa trường, các lớp học bo quanh thành hình tròn và một bức tường tròn bao bọc bên ngoài nhưng có những khoảng trống nhìn xuyên thấu bên trong. Các khe hở trên tường có nhiều kích thước và hình dạng để có thể là lối cửa phụ vào trường. Chúng được bố trí thành một đường thẳng với cửa sổ để học sinh ngồi bên trong có thể nhìn thấy không gian mênh mông bên ngoài.
Đại diện nhà thiết kế chia sẻ:
"Khi thiết kế ngôi trường này, chúng tôi thay đổi vai trò bức tường từ "dải phân cách" thành một lớp vỏ vui tươi không biên giới để mời gọi mọi người đến tụ họp, khuyến khích văn hóa cộng đồng, nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa cơ bản nhất của việc đi học, đó là 'ở cùng nhau'."
Ngôi trường trong ánh hoàng hôn
Ngôi trường vào những ngày sương mù
Dự án bắt đầu với nỗ lực nâng cao dân trí của người dân trong làng, huy động sự tham gia và gắn kết của cộng đồng. Đặc biệt hơn hết, thông qua hình ảnh bức tường "xuyên thấu", nhà tổ chức muốn truyền tải thông điệp xoá nhoà ranh giới: giữa ý chí tự do và sự gò ép trong một xã hội có chế độ chuyên chế.