Điều gì khiến ngôi nhà trở thành một tổ ấm
Nhà là nơi chúng ta thuộc về
Theo các nhà Xã hội học, nhà là một phần của xã hội. Trong khi đó, các nhà Hôn nhân học cho rằng nhà là thế giới của những con người gắn bó, yêu thương, tương trợ vào nhau. Cơ bản, nhà là công trình xây dựng có mái, tường bao quanh, cửa ra vào để ở. Còn với mỗi người, nhà là nơi nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn, nơi có sự chung sức, vun vén, xây dựng của những con người yêu thương nhau.
Thi hào Goethe đã từng nói: ''Người hạnh phúc nhất, dù vua chúa hay nông dân, là người tìm thấy sự bình yên dưới mái nhà của mình''.
Ngày nay, một ngôi nhà không chỉ để ở, hay chẳng phải công trình với bốn bức tường bao quanh, nhà là nơi kết nối những không gian sống, những trải nghiệm & khám phá, thể hiện sự mối liên kết hữu hình giữa nghệ thuật, cảm xúc và phong cách sống. Nói chính xác hơn, giá trị thẩm mỹ của một ngôi nhà luôn chứa đựng nhiều yếu tố, trong đó, tinh hoa được đúc kết từ những quy chuẩn lâu đời cùng hòa quyện với sự sáng tạo, cách bày trí mang đậm dấu ấn gia chủ.
Các nghiên cứu tâm lý học cho rằng không gian sống có tác động trực tiếp đến cảm xúc của con người thông qua cách kích thích giác quan. Nếu chúng ta được sống trong bầu không khí cởi mở, thoải mái và bản thân cảm thấy dễ chịu thì nó sẽ giúp kích thích sự sáng tạo và khơi nguồn cảm hứng. Con người sẽ hoạt động tối ưu với mức độ kích thích vừa phải. Ngược lại nếu được sống trong một môi trường tù túng, ngột ngạt và áp lực thì chắc chắn rằng nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc của chúng ta và còn hơn thế. Nhiều nghiên cứu tâm lý học của Mỹ đã chỉ ra rằng, tâm trạng, cảm xúc và hành vi của con người cũng bị môi trường sống chi phối. Qua thời gian, niềm đam mê, sự nhiệt huyết và khả năng sáng tạo trong công việc cũng dần bị thui chột. Vì vậy, môi trường cũng như không gian là một trong những yếu tố quan trọng.
Hãy tưởng tượng, sau một ngày đi làm mệt mỏi, bạn sẽ muốn bước vào một căn nhà trống trơn chỉ để ngủ, hay một không gian sống với những tiện nghi? Đó là nơi cho ta sự thoải mái, tự do, được là chính mình, chẳng lo ai khác đánh giá, nghi ngại. Giống như vòng tay của một người bạn tri kỉ, ấm áp, bao dung và nhiệt thành. Ngôi nhà đó có thể chưa phải là đẹp nhất, hoàn hảo nhất, nhưng những cảm xúc dành cho nó thì vẫn hoàn hảo.
Không gian sống là một tác phẩm nghệ thuật
Như một bức tranh thủy mặc, không gian sống chính là tác phẩm nghệ thuật sống động nhất mà ở đó tái hiện về cuộc đời và tâm hồn của chủ nhân. Nếu không gian chỉ được định hình dựa vào chuẩn thị giác hay được thiết kế theo một khuôn mẫu nhất định mà bỏ qua các yếu tố kết nối trải nghiệm mỗi ngày, chúng sẽ trở thành một tác phẩm ''đẹp vô cảm''. Cái đẹp nâng tầm không gian là phải ''chạm'' được, nâng niu được, cảm nhận được bằng tất cả các giác quan của gia chủ.
Ở một khía cạnh khác, khi bước vào một không gian nào đó, sự kết nối giữa con người và không gian sống để thể hiện trọn vẹn tinh thần, giá trị và cái tôi cá nhân của gia chủ, thì việc lựa chọn nội thất là điều vô cùng quan trọng. Sự rung cảm về thị giác từ hình khối, màu sắc và hoạ tiết, hay những vật dụng trang trí cho phép hình dung được tổng thể cấu trúc không gian. Nhưng chính tính chân thực của bề mặt, chất liệu sẽ làm sinh động thêm câu chuyện cuộc sống. Nói cách khác, nội thất có sức mạnh rất lớn trong việc kết nối và tạo ra ''cảm quan'' cho cả không gian.
Nếu đường nét và màu sắc tổng hòa của không gian là sự lột tả gout thẩm mỹ hay phong cách kiến trúc của gia chủ, thì nội thất là một ngôn ngữ thể hiện những câu chuyện ẩn chứa về cuộc sống vào không gian. Những chất liệu thô mộc hay pha lê được tái hiện với kỹ thuật cải tiến nhưng vẫn tôn trọng nguyên bản của vật liệu như độ trơn láng tương phản sáng hay chút gợn nhẹ sần nhám, chân thực của bề mặt kết hợp những hoạ tiết sắc nét mô phỏng vân đá, cát, gỗ, vải… sẽ tạo được cảm quan đích thực thể hiện trọn vẹn tinh thần và hơi thở về phong cách sống. Bởi với những gia chủ có gout thẩm mỹ cao, ''phần nhìn'' của vật liệu chưa đủ tạo nên những rung cảm. Một không gian thực sự hòa nhịp cùng hơi thở với chủ nhân khi có thể ''chạm'' để gợi nhắc câu chuyện cuộc sống chính họ.