share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner 150 tác phẩm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm được vinh danh tại triển lãm hồi tưởng lớn đầu tiên ở Pháp


ADVERTISEMENT

Bảo tàng chuyên tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật châu Á Musée Cernuschi tại đại lộ Vélasquez (Paris, Pháp) đã chính thức khai mạc triển lãm "Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm. Những người tiên phong của nghệ thuật Việt Nam hiện đại tại Pháp" diễn ra từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025. Đúng như tên gọi, triển lãm giới thiệu 150 tác phẩm của ba nghệ sĩ Việt Nam nổi bật trong phong trào Mỹ thuật Đông Dương và có tầm ảnh hưởng lớn tới mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Với các tác phẩm chưa từng được công bố từ trước đến nay, triển lãm đặt một dấu mốc mới cho dấu ấn mỹ thuật Việt Nam trên bản đồ thế giới và là triển lãm quy mô lớn nhất tại Pháp cho đến thời điểm này về các tác phẩm hội hoạ của nghệ sĩ Việt Nam.

Với sự tài trợ của quỹ văn hoá Bargi Foundation và Giám tuyển bởi Éric Lefebvre - Giám đốc Bảo tàng Cernuschi cũng như Anne Fort, Giám tuyển chịu trách nhiệm về các bộ sưu tập Việt Nam, triển lãm mang đến cho công chúng lượng tác phẩm đồ sộ đến từ 25 bộ sưu tập khác nhau, gồm các bộ sưu tập cá nhân, từ kho lưu trữ gia đình và bạn bè thân thiết của ba họa sĩ này. Lấy cảm hứng từ chủ đề chính là hành trình sáng tạo của ba họa sĩ Lê Phổ (1907–2001), Mai Trung Thứ (1906–1980) và Vũ Cao Đàm (1908–2000) khi học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương cho đến khi xây dựng sự nghiệp tại Pháp sau năm 1937, triển lãm ra mắt đúng vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập ngôi trường này, cũng là cái nôi nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng đến mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Hành trình từ Trường Mỹ thuật Đông Dương đến Paris của các hoạ sĩ vào những năm 1930 đánh dấu thời điểm then chốt trong sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Được thành lập vào năm 1925 dưới thời cai trị của thực dân Pháp, ngôi trường là nơi đào tạo và khơi nguồn cảm hứng cho sự kết hợp các kỹ thuật vẽ tranh phương Tây với chất liệu văn hoá châu Á. Thành quả là nét độc đáo của nhiều nền văn hoá cộng hưởng, để mỗi hoạ sĩ trong giai đoạn này tìm ra những diễn giải khác nhau trong quá trình thực hành nghệ thuật của mình.

Các tác phẩm trong triển lãm đa dạng về thể loại, từ hình ảnh, các bản phác thảo cho đến những tác phẩm tranh lụa, bình phong sơn mài, và các tác phẩm điêu khắc thạch cao hay đồng. Bên cạnh việc phản ánh quá trình phát triển về nghệ thuật của từng cá nhân, các tác phẩm này cũng đồng thời phác thảo giai đoạn đỉnh cao của chủ nghĩa hiện đại với mỹ thuật Việt Nam và những di sản giai đoạn này để lại cho nền mỹ thuật còn nhiều điều để khai phá.

Trong khi Mai Trung Thứ nhất quán với kỹ thuật vẽ lụa của mình, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm lại khám phá những hình thức biểu đạt mới như tranh sơn dầu. Các tác phẩm sau này của Lê Phổ mang phong cách hậu Ấn tượng và tập trung vào hiệu ứng ánh sáng, còn các tác phẩm của Vũ Cao Đàm lại chịu ảnh hưởng từ tranh của Marc Chagall. Dù đi theo những định hướng riêng, cả ba nghệ sĩ này luôn hướng đến những giá trị văn hoá Việt Nam thông qua các tác phẩm của mình, đặc biệt lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn chương kinh điển như "Truyện Kiều", những sáng tác tĩnh vật, thơ ca và sự cân bằng tinh tế giữa việc bảo tồn di sản văn hóa và các chủ đề truyền thống dưới con mắt hiện đại. 

Cùng với triển lãm, người đến bảo tàng cũng có thể tiếp cận một danh mục được thiết kế như một tác phẩm tham khảo, nêu bật các giai đoạn chính trong cuộc đời và sự nghiệp của mỗi nghệ sĩ như bối cảnh thuộc địa, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giai đoạn ba cuộc chiến tranh liên tiếp từ năm 1939 đến năm 1975 nhằm mang đến một bức tranh toàn cảnh về sự phát triển phong cách và chủ đề yêu thích của các hoạ sĩ. Mỗi tác phẩm trong triển lãm được giới thiệu như một câu chuyện và hành trình khám phá văn hoá và bản sắc Việt Nam giữa bối cảnh toàn cầu.

Kể từ thời điểm tác phẩm “Family Life" của Lê Phổ được bán với mức giá kỷ lục 1,17 triệu USD tại phiên đấu giá Sotheby’s Hồng Kông vào năm 2017, mỹ thuật Việt Nam chính thức trở thành điểm sáng trong thị trường nghệ thuật thế giới. Cũng kể từ phiên đấu giá này, doanh thu đấu giá toàn cầu hàng năm với các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam đã tăng gấp đôi, cùng nhiều kỷ lục mới liên tiếp được ghi nhận nhất là với tranh của nhóm hoạ sĩ “Tứ kiệt trời Âu” gồm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và Mai Thị Lựu như tác phẩm “Mademoiselle Phương” của Mai Trung Thứ được bán với giá 3,1 triệu USD, tác phẩm “La Famille dans le jardin” của Lê Phổ có giá 2,36 triệu USD, hay tác phẩm “Les Chanteuses de Campagne” của Nguyễn Phan Chánh vừa được bán với giá 1,09 triệu USD tại Pháp tháng 6 vừa qua.

Dù các nhà đấu giá danh tiếng trên thế giới như Christie’s và Sotheby’s giờ đây coi tác phẩm của danh họa Việt là vũ khí ngầm trong các phiên đấu giá của mình, hội hoạ hiện đại Việt Nam của giai đoạn này vẫn là ẩn số với người yêu nghệ thuật trên thế giới. Triển lãm "Những người tiên phong của nghệ thuật Việt Nam hiện đại tại Pháp" ở bảo tàng Musée Cernuschi chắc chắn là sự kiện nghệ thuật không thể bỏ lỡ với giới mộ điệu.

>>Xem thêm: “Chasing the Light" - triển lãm ảnh sử dụng iPhone 16 của 3 nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới


ADVERTISEMENT