share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Broker: Câu chuyện thấm đẫm sự bao dung dành cho thân phận con người


ADVERTISEMENT

Năm 2018, đạo diễn Hirokazu Kore-eda chiến thắng giải Cành Cọ Vàng với bộ phim Shoplifters (Kẻ Trộm Siêu Thị) tại liên hoan phim Cannes. Tiếp nối thành công đó, năm nay, ông trở lại LHP Cannes và mang về một chiến thắng khác với Broker (Người Môi Giới). Đây là bộ phim mới nhất cũng như là bộ phim đầu tiên của nhà làm phim Nhật Bản được chiếu tại Hàn Quốc. 

Chẳng cần các yếu tố kịch tính và cao trào, Broker vẫn chạm đến trái tim người xem thông qua những rung cảm sâu sắc bằng lối kể chuyện chậm rãi, trung dung và khắc họa những chi tiết thường nhật giản đơn nhưng có sức lay động mạnh mẽ.

Nội dung của Broker

Broker, người môi giới, liên hoan phim cannes, phim cannes, cành cọ vàng, phim nghệ thuật

Với kịch bản được chấp bút bởi chính Kore-eda, Broker kể về câu chuyện kinh doanh của Sang Hyun (Song Kang Ho) và Dong Soo (Kang Dong Won). Họ đánh cắp trẻ sơ sinh từ hộp trẻ em ở nhà thờ để bán cho các cặp vợ chồng không thể có con. 

Sau đó, người mẹ trẻ So Young (Ji Eun Lee) để lại đứa con trai Woo Sung cạnh chiếc hộp em bé với lời hứa sẽ sớm quay lại. Ngay sau đó, đứa trẻ được Sang Hyun và Dong Soo đem về chăm sóc, tìm gia đình thích hợp để mua bán. Chưa đầy một ngày sau, So Young với bản năng làm mẹ thôi thúc cô nhanh chóng trở tìm Woo Sung của mình. 

Khi So Young gặp Sang Hyun và Dong Soo, cô cáo buộc họ là tội phạm và dọa báo cảnh sát. Thế nhưng, Sang Hyun sau cùng lại chấp nhận lời mời cùng tham gia hành trình tìm kiếm cha mẹ mới cho Woo Sung. Hành trình còn có sự góp mặt của một cậu nhóc, người đã nhìn ra ý định bán đứa bé sơ sinh của nhóm Sang Hyun. Và thế là họ bất đắt dĩ trở thành một gia đình "chắp vá" lúc nào không hay.

Trong khi đó, công việc kinh doanh của Sang Hyun và Dong Soo đang bị cảnh sát Soo Jin (Bae Doona) và Lee (Lee Joo Young) theo dõi trong một thời gian dài. Hai nữ cảnh sát quyết tâm gài bẫy Sang Hyun và Dong Soo để bắt được họ. 

Câu chuyện thấm đẫm sự bao dung dành cho thân phận con người

Broker, người môi giới, liên hoan phim cannes, phim cannes, cành cọ vàng, phim nghệ thuật

Hirokazu Koreeda nổi tiếng là người kể những câu chuyện về gia đình và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Tương tự như ShopliftersBroker cũng khai thác chủ đề về những người bị xã hội ruồng bỏ, những con người "sứt mẻ" đến với nhau để tạo nên một gia đình kỳ lạ nhưng ấm áp. Mỗi nhân vật trong Broker thoạt nhìn rất bình thường nhưng họ đều phải đối mặt với những cuộc đấu tranh riêng, bất chấp tuổi tác. Không khó để nhận ra sự tương đồng giữa ShopliftersBroker, bởi chính Kore-eda cũng thừa nhận rằng kịch bản của hai bộ phim này được thực hiện cùng một lúc.

Quả thực đề tài mà Broker khai thác là một đề tài vô cùng nhạy cảm, khi ranh giới đạo đức vô cùng mơ hồ. Chiếc hộp em bé đã tạo nên những xung đột gay gắt về mặt đạo đức tại Hàn Quốc. Đa số cho rằng đây là một phát minh vô nhân đạo, dung túng cho sự thiếu trách nhiệm của những người mẹ. Từ một chủ đề gây nhiều tranh cãi, Kore-eda đã biến hóa nó thành một câu chuyện đầy ấm áp, thấm đẫm sự bao dung dành cho thân phận con người. 

Broker, người môi giới, liên hoan phim cannes, phim cannes, cành cọ vàng, phim nghệ thuật

Một người mẹ tham gia vào cuộc giao dịch bán chính đứa con của mình. Một người đàn ông đã thực hiện không biết bao nhiêu giao dịch nhưng cũng ôm trong lòng khao khát hoàn lương và trở về với vợ con. Một gã trai hành nghề buôn trẻ nhưng lại có tình cảm đặc biệt sâu sắc với những đứa trẻ bị bỏ rơi và bao nhiêu năm vẫn khắc khoải mong chờ mẹ mình sẽ quay trở lại. Đây thật sự là một câu chuyện khó kể, đòi hỏi nhà làm phim cần sự nhạy cảm và ý thức sâu sắc về lựa chọn của mình, đặc biệt là sự rung cảm với những nhân vật để có thể phác hoạ họ trên màn ảnh một cách chính xác nhất. Và Kora-eda đã làm được điều đó. Ông khiến khán giả tạm ngừng phán xét về quyết định của các nhân vật vì cuối cùng, họ đều có lý do để trở thành con người của họ hiện tại và sâu bên trong họ vẫn còn giữ lại một chút lòng trắc ẩn để có thể hoàn lương.

"Cảm ơn vì đã được sinh ra"

Broker, người môi giới, liên hoan phim cannes, phim cannes, cành cọ vàng, phim nghệ thuật

Trong một khoảnh khắc ngẫu hứng, So Young nói "Cảm ơn vì đã sinh ra đời" với tất cả mọi người. Trong căn phòng khách sạn nhỏ bé với 5 con người nhỏ bé sống những ngày tạm bợ chỉ để hoàn thành một giao dịch phi pháp, câu nói "Cảm ơn vì đã sinh ra đời" cất lên như một nghi thức thiêng liêng để gột rửa những số phận khốn nạn. Đây chính là nút thắt quan trọng nhất trong kịch bản, để trả lời cho câu hỏi được đặt ra xuyên suốt bộ phim: Đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi, được sinh ra là một điều phước lành hay đau khổ? Sự thiếu thốn tình thương, thiếu sự giáo dục và bảo vệ từ nhỏ đẩy họ bước vào con đường nằm ngoài giới hạn của pháp luật hoặc đạo đức, nhưng sâu bên trong họ vẫn tự dằn vặt và hối tiếc. Với Kore-eda, ông chưa bao giờ từ bỏ nhân vật của mình mà luôn cho họ cơ hội để trở nên tốt đẹp hơn. 

Phim của Kore-eda không có nhân vật hoàn toàn xấu, và Broker cũng vậy. Họ có thể giết người, trộm cắp, cờ bạc, nợ nần... nhưng vị đạo diễn người Nhật không bao giờ nhìn nhận đó là bản chất duy nhất của nhân vật. Ông luôn đi tìm cách lý giải những gì ở đằng sau. Và ở cuối con đường, luôn có một lối ra để họ bắt đầu lại và hoàn lương. Bởi Kore-eda có niềm tin mãnh liệt vào mong muốn trở nên tốt hơn của con người. Vì lẽ đó, câu nói "Cảm ơn vì đã được sinh ra" cũng chính là lời cảm ơn mà Kore-eda dành cho những nhân vật của mình. 

Cũng giống như "quái kiệt" Bong Joon Ho của điện ảnh Hàn Quốc, Hirokazu Kore-eda là người làm ra một thứ điện ảnh không nên được bóc tách theo thuyết nhị phân. Trong những tác phẩm của cả hai vị đạo diễn, không có thứ gì hoàn toàn đen và trắng, không có đúng và sai, cũng không tôn vinh hay phán xét. Người xem sẽ để cảm xúc dẫn đường và tự bước vào miền chiêm nghiệm nhân sinh khi bộ phim khép lại với một kết thúc mở đầy tính nhân văn.


ADVERTISEMENT