Beauty Chế độ ăn plant-based và vegan có gì khác nhau?
Chúng ta đã nghe rất nhiều về các chế độ ăn như chế độ Keto, chế độ vegan (thuần chay), chế độ ăn chay bán phần (vegetarian), chế độ ăn thực vật (plant-based). Điểm chung của các chế độ ăn này đều là giảm lượng thịt, dầu mỡ, các chất béo có hại để hướng tới lối sống lành mạnh. Trong đó, hai chế độ ăn thuần chay (vegan) và chế độ ăn thực vật (plant-based) có khá nhiều điểm tương đồng và thường xuyên khiến nhiều người bị nhầm lẫn. Hôm nay, hãy cùng WOWWEEKEND phân biệt hai chế độ ăn này.
Chế độ ăn thuần chay
Thuật ngữ "thuần chay" được tạo ra vào năm 1944 bởi Donald Watson - một người ủng hộ quyền động vật và là người sáng lập The Vegan Society. Từ "thuần chay" được tạo ra để mô tả một người tránh sử dụng động vật vì những lý do đạo đức. Còn "veganism" có nghĩa là thực hành chế độ thuần chay.
Khái niệm "thuần chay" dần được mở rộng. Đó cũng là lúc chế độ ăn thuần chay ra đời. Chế độ ăn này loại trừ các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, chẳng hạn như trứng, thịt, cá, pho mát và các sản phẩm từ sữa khác. Người theo chế độ thuần chay sẽ chỉ dung nạp các loại thực phẩm thực vật như trái cây, rau, ngũ cốc, quả hạch, hạt và các loại đậu.
Không chỉ gói gọn trong vấn đề ăn uống, một số người ăn chay trường cũng sẽ loại bỏ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật trong đời sống của họ, chẳng hạn như đồ da hoặc lông thú, các sản phẩm sử dụng bất kỳ thành phần nào có nguồn gốc từ động vật (sáp ong hoặc gelatin) hoặc bất cứ thứ gì liên quan đến thử nghiệm trên động vật, đặc biệt là các sản phẩm làm đẹp.
Chế độ ăn thực vật là gì?
Vào những năm 1980, Tiến sĩ T. Colin Campbell - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sức khoẻ Quốc gia của Mỹ (NIH) đã giới thiệu với giới khoa học dinh dưỡng thuật ngữ "chế độ ăn dựa trên thực vật" để định nghĩa một chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, dựa trên thực vật, tập trung vào sức khỏe chứ không phải các vấn đề đạo đức.
Thành phần thực vật được ưu tiên trong chế độ ăn này, nhưng thực đơn có thể linh hoạt và đôi khi vẫn có thể bao gồm thịt, cá, trứng và sữa. Đối với những người ăn theo chế độ ăn thực vật, protein động vật đôi khi có thể đóng vai trò hỗ trợ bên cạnh rau và ngũ cốc nguyên hạt để người ăn có thêm nhiều chất dinh dưỡng.
Ngoài việc có một tư duy ăn uống lành mạnh, chế độ ăn dựa trên thực vật còn giúp giảm cân khi bạn thấy dễ no và tinh thần thoải mái, hài lòng hơn vì bạn đang ăn nhiều chất xơ hơn. Ngoài bổ sung chất xơ, chế độ ăn dựa trên thực vật còn cung cấp cho cơ thể một loạt các vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và hoá chất thực vật (phytochemical).
Vậy chế độ nào tốt hơn?
Cả chế độ ăn thuần chay và thực vật đều tập trung vào việc chỉ ăn thực vật. Cả hai chế độ ăn đều cung cấp một loạt các lợi ích dinh dưỡng, chẳng hạn như thêm nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống, thúc đẩy tiêu hóa, hỗ trợ mức đường huyết ổn định và duy trì năng lượng.
Các chuyên gia dinh dưỡng đều đồng ý rằng sự khác biệt lớn nhất giữa ăn thuần chay và ăn dựa trên thực vật là bao gồm các sản phẩm động vật. Bởi chế độ ăn dựa trên thực vật đôi khi có thể bao gồm các sản phẩm động vật như thịt, cá, sữa và trứng. Còn đối với chế độ ăn thuần chay, thực đơn phải loại trừ tất cả các sản phẩm từ động vật.
Thật ra, không có chế độ ăn nào là tốt nhất. Mỗi chế độ ăn đều có ưu và nhược điểm riêng, tuỳ theo nhu cầu của cơ thể, bạn nên cân nhắc và chọn ra chế độ phù hợp với cơ thể của mình nhất. Trong khi định nghĩa của chế độ ăn thuần chay cụ thể, rõ ràng và tuân theo các quy chuẩn về đạo đức, thì chế độ ăn dựa trên thực vật linh hoạt hơn, bạn có thể sửa đổi nó theo ý thích của mình, miễn là thực vật được đặt lên hàng đầu.
Cả hai chế độ ăn đều có đầy đủ các lợi ích dinh dưỡng mà tất cả chúng ta cần, vì vậy chọn chế độ ăn nào sẽ phụ thuộc vào sở thích của từng cá nhân.