share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Độc đáo kiến trúc Chùa chén kiểu ở Sóc Trăng


ADVERTISEMENT

Tôi trở lại miền Tây vào một ngày đầu tháng 6 nắng như đổ lửa xuống những cánh đồng lúa mênh mông thẳng cánh cò bay. Chuyến đi của tôi được quyết định một cách cực kỳ nhanh chóng, giống như bất kỳ lần nào đi về miền sông nước Cửu Long trước đó. Nhưng lần này tôi dành thời gian nhiều hơn đi cả “Lục tỉnh Nam Kỳ” thăm lại những nơi tôi đã từng đến và tới cả những nơi mà tôi đã bỏ qua trong những chuyến đi trước. Một trong những nơi để lại ấn tượng với tôi trong chuyến đi lần này chính là ngôi chùa Chén Kiểu, có kiến trúc độc đáo ở tỉnh Sóc Trăng.

Chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt

Theo quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km hướng về phía Bạc Liêu, chúng tôi đến chùa Chén Kiểu. Xe dừng lại trước cổng chùa vào đúng giữa trưa. Phía ngoài cổng chùa hàng quán tấp nập, bán đủ loại từ đồ ăn thức uống đến cả các loại tôm cá khô, mắm,… Tôi không bị quyến rũ bởi món hàng ấy mà bị thu hút bởi những tán cây xanh mát ở phía trong khuôn viên chùa. Thế nên tôi cứ thẳng hướng những bóng cây ấy mà tiến đến, chẳng cần “liếc ngang ngó dọc” vào bất cứ hàng quán nào.

Khuôn viên chùa rợp bóng cây xanh

Những gốc sala đang mùa trổ hoa rất đẹp

Chùa Chén Kiểu là một ngôi chùa lâu đời thuộc hệ Phật giáo Nam tông Khmer. Ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc của một chùa Khmer Nam Bộ có rất nhiều ở miền Tây. Nói đến Phật giáo Nam tông, là nói đến “trái tim” của người Khmer Nam bộ. Tôn giáo này có ảnh hưởng sâu sắc và vô cùng quan trọng với cuộc sống của người dân nơi đây, thế nên những ngôi chùa của người Khmer luôn được xây dựng và chăm chút vô cùng kỹ lưỡng. 

Chùa của người Khmer luôn được xây dựng và chăm chút vô cùng kỹ lưỡng

Chùa Chén Kiểu vốn có tên ban đầu là chùa Wath Sro Loun – tên của một con rạch ở gần chùa trước đây. Theo thời gian, người dân đọc trại thành chùa Sà Lôn. Riêng nói về cách đặt tên các địa danh, cách đọc trại ở miền Tây thì có nói cả ngày cũng không hết chuyện, nên tôi để riêng, một ngày nào đó sẽ “mạn đàm” cùng các bạn nhé. Chùa Sa Lôn được xây dựng bằng lá từ năm 1815 và được trùng tu nhiều lần vì bom đạn tàn phá. Năm 1969, trụ trì đời thứ 9 đã dựng lại chùa, gồm có chánh điện, nhà tăng, nhà để kinh sách, khu mộ tháp bằng vật liệu kiên cố. Đến năm 1980, chùa gần hoàn thành thì bị thiếu kinh phí. Lúc ấy tăng sư liền nghĩ ra sáng kiến dùng chén đĩa bể để trang trí chùa. Hưởng ứng lời kêu gọi của nhà chùa, người dân đã mang quyên góp không chỉ chén đĩa bể mà cả những chiếc chén đĩa kiểu lành lặn ở trong nhà. Sau đó các chén kiểu được ốp lên kiến trúc chùa. Từ đó chùa có thêm một cái tên mới, dễ nhớ hơn: chùa Chén Kiểu.

Các loại chén đĩa được trang trí trong chùa từ cầu thang, đến lan can và trên những bức tường

Sự sắp xếp khéo léo trong trang trí bằng chén đĩa đã tạo nên kiến trúc độc đáo cho ngôi chùa

Chùa Chén Kiểu có khuôn viên khá rộng, với nhiều cây xanh cao vút, tạo sự thoáng mát. Phía ngoài cổng chùa là khu vực Phật tháp, mộ tháp, phía sau chùa là khu nhà lá cho các sư trẻ tuổi ở trong thời gian tu học. Khu vực trung tâm chùa chính là nơi thu hút sự chú ý của bất cứ vị khách nào ghé thăm. Ở giữa sân chùa là một cột cờ hình tượng rắn thần Nagar, một con vật linh thiêng từng che mưa che nắng cho đức Phật trong ngày thiền tọa. Bao quanh khuôn viên sân chùa gồm có một ngôi Sala, một kiểu nhà hội của Phật tử, nơi tiếp khách trong những ngày lễ Tết của đồng bào Khmer, một tháp kim quan nổi bật với màu sắc sặc sỡ, khu nhà bếp, khu giảng đường tu học và chánh điện.

Cột cờ hình tượng rắn thần Nagar ở giữa sân chùa

Trong chùa Chén Kiểu có hai công trình gây ấn tượng với tôi. Một là khu giảng đường tu học, nơi được xây dựng và trang trí bằng các loại chén dĩa kiểu, tạo nên tên gọi của ngôi chùa. Ở tòa này, dù là những mảnh chén bát vỡ hay các loại chén đĩa mới đều được trang trí hài hòa, ấn tượng trên khắp các bức tường, lan can, cầu thang, tạo nên kiến trúc vô cùng độc đáo.

Công trình trang trí bằng chén đĩa ở chùa Chén Kiểu

Nơi thứ hai mà tôi ấn tượng đó là chánh điện của chùa. Chánh điện của chùa Chén Kiểu không phải là tòa nhà lớn nhất nhưng là tòa nhà có kiến trúc đẹp nhất. Chánh điện không có màu sắc sặc sỡ như các công trình khác trong chùa, mà có sắc trắng hòa quyện cùng nhiều màu sắc khác nhau như cam, xanh, đỏ rất hài hòa. Chánh điện được xây trên bậc tam cấp với ba nếp nền nhỏ dần. Bốn góc của chánh điện là bốn con sư tử thần màu cam canh giữ. Trước cổng vào là những bức tượng tiên nữ chắp tay thành kính. Mái của chánh điện có nhiều nếp với mỗi góc đều có đầu đao nhọn vút lên trên. Bốn cột bốn góc đều có những được thiết kế với các bức tượng Krud như đang chống đỡ mái. Trong chánh điện, các mảng tường được ốp gạch men đủ màu với các kích cỡ khác nhau còn nền lát gạch bông cổ điển. 16 hàng cột to chống đỡ mái đều được dán bằng gạch men. Trên trần có trang trí họa tiết nhiều màu sặc sỡ và hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể về cuộc đời của Phật Thích Ca.

Chánh điện chùa không rực rỡ sắc màu như các công trình khác

Cũng như các chùa Phật giáo Nam tông khác, chùa Chén Kiểu chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca. Trong chùa, từ khu chánh điện đến khuôn viên chùa có rất nhiều tượng Phật Thích Ca với nhiều kích thước và tư thế đứng, ngồi, nằm khác nhau. 

Phật giáo Nam tông chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca

Sau khi đã tham quan một vòng trong chùa Chén Kiểu, tôi tìm tới bóng mát dưới gốc cây sala đang mùa hoa trái. Cái cảm giác ngồi ở trong khuôn viên chùa Khmer không tiếng kinh kệ, gõ mõ, khác hoàn toàn với ngồi ở chùa Phật giáo Bắc tông. Ngắm nhìn những nhóm khách tới tham quan chùa trong đủ màu áo, ngắm những ngôi tháp màu sắc cam, đỏ, vàng nổi bật giữa nền trời xanh, tôi cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái. Thế nên, nếu có đi về miền Tây, các bạn đừng bỏ qua việc tham quan một ngôi chùa Khmer nói chung và nếu có về Sóc Trăng thì nhớ ghé chùa Chén Kiểu nhé!


ADVERTISEMENT