share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Giải Nobel đầu tiên cho một nữ nhà văn châu Á và sức mạnh của dịch thuật


ADVERTISEMENT

Giải Nobel văn chương 2024 là một bất ngờ trên văn đàn thế giới khi gọi tên nữ tiểu thuyết gia người Hàn Quốc Han Kang. Sự kiện này không chỉ đánh dấu một nhà văn châu Á hiếm hoi được trao giải thưởng văn học cao quý này, mà còn nêu bật tài năng của các tác giả nữ châu Á.

Giải Nobel văn chương 2024, tiểu thuyết gia Han Kang, Tác giả nổi tiếng

Trên thực tế, Han Kang là nữ nhà văn châu Á, nhà văn Hàn Quốc đầu tiên và là nữ nhà văn thứ 18 trong lịch sử nhận giải Nobel văn chương, với những ca ngợi từ Viện Hàn lâm Thuỵ Điển về những tác phẩm văn chương “vừa đậm chất thơ, vừa dữ dội khi tiếp cận những thương tổn của lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người".

The Vegetarian, The White Book, Human Acts và Greek Lessons

Nữ nhà văn 53 tuổi này ra mắt văn đàn thế giới khá muộn, nhưng ngay lập tức có những tác phẩm best-seller toàn cầu như The Vegetarian, The White Book, Human Acts và Greek Lessons. Các tiểu thuyết, truyện vừa, tiểu luận và tập truyện ngắn của Han Kang hướng tới khám phá nhiều chủ đề về chế độ gia trưởng, bạo lực, những nỗi đau và cảm xúc sâu sắc của con người. Với lối viết xúc tích, tiết chế nhưng đầy nội lực, Han Kang mang đến sự tinh tế, đồng cảm và đa cảm dưới góc nhìn của một phụ nữ châu Á cho các tác phẩm của mình. Nữ tác giả từng chia sẻ bà lớn lên cùng nền văn học Hàn Quốc và chịu ảnh hưởng nhiều từ những tác giả Hàn Quốc.

 Tác phẩm Human Acts ra mắt năm 2014 của Han kể về vụ thảm sát Gwangju vào tháng 5 năm 1980,

Tuy nhiên, Han Kang có những sự táo bạo khiến chính độc giả Hàn Quốc đã từng ngại ngần khi đọc những tác phẩm của bà. Tác phẩm Human Acts ra mắt năm 2014 của Han kể về vụ thảm sát Gwangju vào tháng 5 năm 1980, khi một cuộc nổi loạn đòi quyền dân chủ của dân chúng Hàn Quốc bị quân đội nước này đàn áp, dẫn đến cuộc thảm sát đẫm máu. Theo Hannah Hyun Kyong Chang, giảng viên khoa nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Sheffield, cuốn tiểu thuyết "khám phá vụ thảm sát Gwangju bằng cách tiếp cận những khổ đau gắn với cuộc sống hàng ngày và cơ thể của 6 nạn nhân, nhân chứng và người sống sót". Han Kang lần theo các sự kiện, dùng ngòi bút của mình để lên tiếng thay cho các nạn nhân trong lịch sử và chọn một phương tiện đặc biệt: dùng tiếng nói của chính những người thuộc về lịch sử, những người đã chứng kiến ​​sự hủy diệt của chính mình để thuật lại một thảm kịch chung của xã hội Hàn Quốc.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Han Kang có tên We Do Not Part

Viết về một vụ thảm sát với chính Han Kang không phải công việc dễ dàng, thành công của cuốn tiểu thuyết này góp phần định hình tiếng nói của tác giả trên văn đàn trong việc khắc họa những đau thương lịch sử từ góc độ nhân văn sâu sắc. Bản thân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã từng ca ngợi Han Kang với khả năng “biến những vết thương của lịch sử Hàn Quốc hiện đại trở thành một tác phẩm văn học vĩ đại”. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Han Kang có tên We Do Not Part (đang trong quá trình xuất bản phiên bản tiếng Anh) cũng tiếp cận một sự kiện lịch sử khác. Cuốn sách kể về hành trình của một nhà văn trong quá trình khám phá tác động của cuộc nổi loạn Jeju năm 1948-49 với gia đình người bạn của cô. Bản dịch tiếng Pháp của tiểu thuyết đã giành giải thưởng Médicis Étranger vào năm 2023.

The Vegetarian - Han Kang

Han Kang sinh năm 1970, tốt nghiệp ngành văn học Hàn Quốc tại Đại học Yonsei và ra mắt tác phẩm văn học đầu tay của mình vào năm 1993. Trong sự nghiệp cầm bút trải dài suốt 30 năm, Han Kang đã xuất bản nhiều tác phẩm đa dạng về thể loại, từ tập truyện ngắn Love of Yeosu (1995) cho đến những tiểu thuyết nổi tiếng khắp thế giới trong vài năm trở lại đây. Cô thu hút sự chú ý trên văn đàn thế giới từ tác phẩm gây tranh cãi The Vegetarian (2007), cũng là cuốn sách đầu tiên của cô được dịch sang tiếng Anh. Cuốn tiểu thuyết nói về quyết định ngừng ăn thịt của một phụ nữ Hàn Quốc dẫn đến cái kết đầy bạo lực sau đó. Bản dịch của Deborah Smith đã giúp The Vegetarian thắng giải Man Booker năm 2016, đặt dấu mốc cho sự nghiệp thăng hoa của Han Kang.

những ý kiến trái chiều thú vị như The Vegetarian.

Lần đầu tiên trong lịch sử văn chương, một bản dịch lại nhận được những ý kiến trái chiều thú vị như The Vegetarian. Dù nhiều độc giả Hàn Quốc cho rằng bản dịch tiếng Anh không theo sát nghĩa ngôn ngữ gốc, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng bản dịch này đã thực sự thay đổi bộ mặt của văn học Hàn Quốc khi soi chiếu cả phương diện văn hoá và ngôn ngữ của tiếng Hàn và tiếng Anh. Và không thể phủ nhận rằng, nếu không có những bản dịch tiếng Anh, văn chương của Han Kang có lẽ vẫn sẽ là ẩn số với độc giả thế giới, văn đàn thế giới sẽ thiếu những cuốn sách best-seller của một tác giả bán chạy nhất nhì Hàn Quốc, và con đường đến với Nobel văn chương của Han Kang có lẽ sẽ vẫn là điểm đến xa vời.

Han Kang, với tư cách một tác giả,

Han Kang, với tư cách một tác giả, cũng có những tính cách và điểm nhìn rất thú vị. Ngay sau khi được thông báo giải Nobel, cô từ chối tổ chức lễ ăn mừng vì hai cuộc chiến tranh ở Trung Đông và Ukraine - Nga. Và những quan điểm nhân đạo của nữ tác giả này cũng phù hợp với hệ tư tưởng đương thời của giải thưởng lớn như Nobel, nhất là Nobel văn học. Sau một quãng thời gian dài chú trọng chủ yếu vào những tác giả nam da trắng, Nobel bắt đầu có những động thái đáng kể trong việc tôn vinh nhóm tác giả thiểu số. Từ nhà văn người Trung Quốc Mạc Ngôn (2012), nhà văn người Anh gốc Phi Abdulrazak (2021), hay nhà văn gốc Nhật Kazuo Ishiguro (2017)... Với nỗ lực đa dạng hoá và tiếp nhận nền văn học thế giới của giải Nobel trong bối cảnh đa dạng sắc tộc, văn hoá và hệ tư tưởng, việc vinh danh một người phụ nữ châu Á viết bằng tiếng mẹ đẻ là chuyện sớm hay muộn cũng sẽ xảy đến.

Có thể là đồ họa về văn bản

Người Hàn Quốc, vốn đã tự hào với nền công nghiệp văn hoá hàng tỷ USD, giờ đây lại có thêm niềm tự hào mới với văn học. Ngay sau khi tin tức Han Kang giành giải Nobel, nhiều hiệu sách trực tuyến của nước này đã bị sập do lượng truy cập tăng đột biến với hàng loạt đơn hàng mua các tác phẩm của nữ tác giả này. Nhiều độc giả Hàn Quốc bắt đầu tìm mua hàng loạt các tác phẩm của Han Kang. Đây cũng là sự kiện hiếm hoi có khả năng kết nối người dân nước này. Simon Prosser, giám đốc xuất bản tại Hamish Hamilton, nhà xuất bản của Han tại Anh nói về Han Kang: “Với phong cách viết đẹp đẽ và rõ ràng, Han Kang không hề nao núng trước câu hỏi nhức nhối về ý nghĩa của việc trở thành con người – một phần của giống loài vừa có khả năng trở nên tàn ác, vừa có thể yêu thương. Cách cô nhìn nhận, suy nghĩ và cảm nhận không hề giống bất kỳ nhà văn nào khác.”

Tại Việt Nam, ba cuốn sách của nữ tác giả đã được xuất bản gồm Trắng (Nhã Nam), Người Ăn Chay (NXB Trẻ), và Bản chất của người (Nhã Nam).

>> Xem thêm: Triển lãm "thế giới như là bản nháp": Dạo bước giữa những tầng không gian của sự dang dở


ADVERTISEMENT