W Coffee Talk Giuseppe De Francesco nói về vẻ đẹp của sự tối giản
Tình yêu nhiếp ảnh và nghệ thuật của nhiếp ảnh gia, nhà sáng tạo hình ảnh kiến trúc và thiết kế Giuseppe de Francesco có lẽ bắt nguồn từ một lẽ đơn giản - anh là người Milan. Giuseppe thừa nhận vẻ đẹp của Milan và tình yêu với thành phố này chính là khởi điểm của công việc anh làm ngày hôm nay.
Với anh, Sài Gòn - thành phố nơi anh đang sống, là một lực đẩy lớn cho quá trình sáng tạo. Từ nền tảng ngành thiết kế sản phẩm, Giuseppe mở rộng đường biên sáng tạo của chính mình với nhiếp ảnh và đạo diễn video trong suốt 15 năm qua với các dự án trải dài khắp châu Á và châu Âu.
Từ Atelier Louis Vuitton, Sofitel Legend Metropole cho đến Milan Design Week hay Studiopepe, IKEA, Masterise Homes... những diễn giải khuynh hướng tối giản đầy chủ ý qua ống kính của nhiếp ảnh gia này đã xuất hiện trên nhiều tạp chí quốc tế danh tiếng như Elle International, Area, Axis, Vogue Italy, và triển lãm cá nhân tại Milan (Tokyo Hyaku, 2022), Singapore (Second Cities, 2024), Tokyo (Homage to Hiroshige, 2018) hay Thuỵ Sĩ (Printemps, 2009).
Điểm chung duy nhất trong những sản phẩm sáng tạo của Giuseppe de Francesco? "Less is More"!
Vì lẽ gì giờ anh chỉ tập trung vào nhiếp ảnh thiết kế và kiến trúc?
Trong quá trình trưởng thành và tích lũy kinh nghiệm, tôi ngày càng trân trọng việc là một người Milan. Mặc dù có tầm vóc toàn cầu, Milan thực ra lại là một thành phố tương đối nhỏ, và người Milan đã quen thuộc với những nét đẹp hiện diện xung quanh họ. Vẻ đẹp của Milan tinh tế và thanh lịch theo cách rất riêng. Sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế sản phẩm, tình yêu dành cho thành phố này đã dẫn tôi đến khám phá những không gian và kiến trúc tuyệt đẹp của Milan. Việc muốn cầm máy ảnh ghi lại những nét đẹp này là một sự tiến triển tự nhiên.
Những cột mốc quan trọng nào đã định hình hành trình sáng tạo của anh?
Làm nhiếp ảnh gia trong ngành sáng tạo là một công việc có tính cạnh tranh cao. Các giải thưởng hay sự công nhận từ ngành nói chung và các công ty có tên tuổi chính là những cột mốc quan trọng trong hành trình sáng tạo và công việc của ai đó. Đối với tôi, việc thấy tác phẩm của mình được xuất bản trên một tạp chí quốc tế cách đây hơn một thập kỷ là một khoảnh khắc quan trọng, khẳng định rằng tôi đã đi đúng hướng.
Điều gì hay ai đã truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến anh nhiều nhất?
Cảm hứng của tôi đến từ nhiều nguồn khác nhau. Mọi hình thức nghệ thuật thị giác đều định hình cách tôi cảm nhận thế giới. Ngoài Ra, khoa học, văn học và thể thao mang đến những góc nhìn mới cho công việc và cách tiếp cận của tôi. Tôi cũng được truyền cảm hứng và chịu ảnh hưởng từ chính là những người bạn thân thiết và gia đình. Tôi may mắn khi được sống và làm việc với những người tài năng, họ luôn thách thức và truyền cảm hứng cho tôi mỗi ngày.
Từng làm việc với một số studio sáng tạo bậc nhất tại Ý, Pháp, Nhật Bản và Việt Nam, anh nghĩ sao về xu hướng thiết kế đương đại? Liệu có không gian nào cho các yếu tố cổ điển và vượt thời gian không?
Tôi luôn tìm kiếm cơ hội để làm việc với các thiết kế vượt thời gian và mong muốn chụp những bức ảnh mà 100 năm nữa người xem ảnh vẫn thấy đẹp và có ý nghĩa. Trong thời đại nơi các mẫu thiết kế và sản phẩm liên tục ra mắt, tôi tin rằng chúng ta càng phải nghiên cứu và đánh giá cao vẻ đẹp bản thể thay vì vội vã chạy theo xu hướng.
Anh sẽ miêu tả phong cách sáng tạo của mình như thế nào? Nó có nhất quán trong các hình thức biểu đạt nghệ thuật khác nhau của anh?
Sáng tạo phát triển trong một số ranh giới nhất định. Trong tác phẩm của mình, tôi sử dụng ngôn ngữ khắc họa kiến trúc, đặc trưng bởi các đường thẳng, cân bằng và màu sắc chân thực. Do chủ đề của bức ảnh và video của tôi là những món nội thất, tác phẩm nghệ thuật hay công trình kiến trúc do những cá nhân tài năng tạo ra, vì thế tôi luôn cố gắng khách quan nhất có thể để lý giải khái niệm thiết kế rõ ràng nhất cho người xem, thay vì áp đặt cách diễn giải của riêng mình hoặc làm phức tạp hoá ý định của các nhà thiết kế.
Anh đã sống ở Sài Gòn vài năm, năng lượng của thành phố này có ảnh hưởng đến anh cả về mặt sáng tạo và cá nhân?
Năng lượng của Sài Gòn sôi động và sảng khoái như món cà phê đá nổi tiếng của thành phố này, với sự pha trộn năng động giữa nét quyến rũ truyền thống và sức sống hiện đại. Yếu tố này ảnh hưởng sâu sắc đến cả cuộc sống sáng tạo và cuộc sống cá nhân của tôi. Những âm thanh không ngừng nghỉ của các hoạt động hàng ngày, và bức tranh đầy màu sắc của cuộc sống Sài Gòn khiến tôi cũng muốn tăng tốc để hiểu nhanh hơn về các dự án, và liên tục khám phá những chân trời mới để nắm bắt những góc nhìn đa dạng hơn
Một số tác phẩm nghệ thuật, thiết kế nội thất hay dự án kiến trúc ấn tượng nhất anh từng chiêm ngưỡng?
Trong chuyển trở lại Ý vừa rồi, tôi đã thực hiện một chuyển road trip để đến thăm L’Aquila, một thành phố nhỏ bị tàn phá bởi trận động đất năm 2009. Ngoài các tòa nhà dân cư, trận động đất còn phá huỷ còn không gian văn hóa. Kiến trúc sư người Nhật Shigeru Ban đã thực hiện không công dự án tái tạo phòng hòa nhạc của Nhạc viện bằng cách sử dụng chất liệu bìa các tông có độ bền cao, một kỹ thuật đã mang về cho ông Giải thưởng Pritzker. Dự án này nhanh chóng được tài trợ để xây dựng với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản. Tôi đã có cơ hội đến thăm đúng thời điểm diễn ra một kỳ thi nhạc viện, nơi âm nhạc tràn ngập tòa nhà các tông này. Khoảnh khắc đó nhắc nhở tôi về sự vô thường của cuộc sống.
Thẩm mỹ trong các tác phẩm của anh mang tính cấu trúc và tối giản. Đây là khuynh hướng sáng tạo tự nhiên hay là một lựa chọn có chủ đích?
Chủ nghĩa tối giản là một trong những thành tựu thách thức nhất trong sáng tạo. Nó liên quan đến việc nâng cao ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật bằng cách giảm thiểu chính các yếu tố cấu thành chủ đề. Trong các bức hình của mình, tôi muốn lược bỏ sự hiện diện của mình như một nghệ sĩ, cùng lúc đó tạo nên một ngôn ngữ phong phú, có cấu trúc để mời gọi những diễn giải cá nhân người xem.
Khi không làm những dự án sáng tạo, anh sẽ làm gì?
Hầu hết các hoạt động và sở thích tôi có đều thúc đẩy sự sáng tạo của tôi. Khi đi đâu đó, tôi thường có xu hướng thăm các điểm đến có lối kiến trúc đáng chú ý hoặc có di sản văn hóa phong phú. Khi có thời gian rảnh, tôi cũng thích khám phá các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật hoặc cửa hàng đồ cổ.
Anh có thể chia sẻ về dự án sắp tới của mình?
Hiện tôi đang thực hiện một dự án đầy tham vọng là ghi lại các khu chợ truyền thống của Sài Gòn. Điều làm cho dự án này trở nên đặc biệt là sự tham gia của những cá nhân đầy tài năng, vì thế tôi rất tin tưởng vào kết quả dự án.
Cảm ơn anh về những chia sẻ rất thú vị!
>>Xem thêm: Trò chuyện cùng Christian Selmoni - Giám đốc Di sản và Phong cách của Vacheron Constantin