Fashion Huy Võ Atelier: Hồi sinh di sản từ áo dài Madame
“Tại sao người Việt Nam không sử dụng lụa Việt Nam?”
Đó là câu tự vấn nhà thiết kế Huy Võ đặt ra cho bản thân khi anh quyết định quay trở lại ngành thời trang vào năm 2019. Từ đó, hành trình vòng quanh Việt Nam khám phá các làng nghề truyền thống của anh bắt đầu. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện tìm ra những giải pháp cho nghề, cho làng và cho ngành. Thông qua sáng tạo của mình, Huy Võ mang đến dòng sản phẩm “Di Sản Đương Đại”, giới thiệu các thiết kế mang vẻ đẹp hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, mà khởi nguồn là áo dài Madame.
Bảng màu 2025 & họa tiết Lập Xuân
Sau 5 năm kiếm tìm họa tiết thất truyền và sự kiên nhẫn với làng nghề, thương hiệu Huy Vo Atelier ra mắt bộ sưu tập áo dài mới, mang bảng màu 2025, lấy cảm hứng từ các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam trong thời kì Đông Dương.
Bắt đầu từ tác phẩm “Hai cô gái Việt Nam” của Joseph Inguimberty (1896-1971), người đã khắc hoạ cuộc sống thanh bình, phản ánh mối liên hệ sâu sắc của ông với vẻ đẹp văn hóa và phong tục Việt Nam; cho đến tác phẩm “Phong cảnh” của Nguyễn Gia Trí (1908-1993) thấm nhuần phong cách riêng, cách mạng hóa ý tưởng nghệ thuật sơn mài truyền thống; và không thể không kể đến “Họa Duyên Tương Ngộ” của Trần Phúc Duyên (1923 - 1993), nơi nhà thiết kế cảm nhận được sự giao thoa tinh tế giữa vẻ đẹp Đông – Tây, từ kỹ thuật, chủ đề đến triết lý nghệ thuật. Các tác phẩm này đã trực tiếp khơi nguồn cho “Lập Xuân”, thành công phác họa nên một khởi đầu “mới”.
>> Đọc thêm: Maison De Bijoux ra mắt BST trang sức “Living Canvas” chào mùa lễ hộiBảng phối 2025 đưa người xem vào thời điểm xuân thì, khi thiên nhiên bừng tỉnh và phô diễn vẻ đẹp rực rỡ, mang những hương thơm tươi mới. Về mặt biểu tượng, áo dài Madame gợi lên sự sang trọng và trường tồn với thời gian – điều mà những tâm hồn Việt luôn khao khát. Đặc biệt hơn, mỗi sản phẩm thuộc dòng “Di sản Đương Đại” là kết tinh giữa chất liệu từ năm vùng miền khác nhau, tượng trưng cho năm đức tính tốt đẹp: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Huy Võ và khát vọng đưa lụa Việt tỏa sáng
Trong quá trình đắm mình vào các làng nghề truyền thống, Huy Võ nhận thấy những vấn đề và khó khăn mà các nghệ nhân làng nghề - những thế hệ kế thừa hạ tầng dệt may cao cấp Việt Nam – đang gặp phải. Đặc biệt trong giai đoạn mà thị phần của lụa Việt ngày càng suy giảm và bài toán cân bằng phát triển thương mại là một trở ngại không hề nhỏ.
Thành lập thương hiệu thời trang hướng đến tầm nhìn toàn cầu hoá “Made in Vietnam & Made by Vietnam”, Huy Võ tận dụng kiến thức chuyên môn của mình, nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm “Di Sản Đương Đại”. Anh thử nghiệm nhiều kỹ thuật phom dáng và làm mới áo dài truyền thống từ phom rộng trở thành phom suông có cấu trúc. Áo dài Madame mang đến những lựa chọn tinh tế cho người phụ nữ ở mọi hình dáng, kích thước cũng như lứa tuổi.
Áo dài Madame thiết lập chuẩn mực mới cho sự thanh lịch, đánh thức nhu cầu sử dụng sản phẩm dệt may cao cấp. Con đường phát triển nhân văn này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các nghệ nhân, mà còn góp phần tái sinh các làng nghề truyền thống Việt Nam. Mỗi năm, sản phẩm sẽ được nâng cấp dựa trên trải nghiệm của khách hàng, mang đến các thiết kế ngày càng hoàn thiện hơn.
Đọc thêm: >> The Row và sức hút khó cưỡng của một thương hiệu xa xỉ >> Top 5 thương hiệu trang sức cao cấp được khao khát 2024