Tips & Advice Làm thế nào để không còn cảm thấy lạc lõng trong thế giới đang đi quá nhanh?
Từ năm 1985 trở lại đây, số người Mỹ cảm thấy mình không có bạn thân, không thể tin tưởng, chia sẻ cùng ai đã tăng lên gấp 3 lần. Thời đại công nghệ lên ngôi khiến người dùng dành thời gian của mình nhiều hơn vào các mối quan hệ trên mạng xã hội, càng nhiều con người ta càng cảm thấy bất an, trống rỗng. Với một thế giới đang đi quá nhanh, lượng thông tin mỗi phút, mỗi giây cứ cập nhật liên tục, con người chạy theo và dần thấy mệt mỏi, lạc lõng. Cuộc sống tiện ích nhưng lại khiến người ta càng thấy cô đơn. Vậy phải làm sao để bước qua trạng thái này trong một thế giới đang thay đổi liên tục?
Trực tiếp đối mặt
Có rất nhiều lý do để con người ta trở nên lạc lõng, và nếu bạn đang ở trong trạng thái này, thay vì né tránh, chúng ta có thể chọn cách đối diện trực tiếp để tìm ra nguyên nhân khiến bản thân trở nên như thế. Từ đó, con người có thể hạn chế tiếp xúc hay thực hiện chúng.
Nếu không có động lực để làm việc, thay vì gắng gượng bạn có thể tạm gác lại, xem một bộ phim, ngồi nghe một bài nhạc bản thân yêu thích.
Nếu cảm thấy buồn, nhận ra mình cô đơn vì không ai bên cạnh, bạn có thể chọn cách thường xuyên gọi về cho ba mẹ, nghe họ kể về cuộc sống của mình từ những điều nhỏ nhặt nhất. Trạng thái lạc lõng bạn phải đối mặt bỗng chốc lại cho bạn cơ hội để gần gũi hơn với những người thân yêu.
Nếu bạn thức dậy không biết phải làm gì để hết ngày, hãy nhớ lại bản thân trong quá khứ còn chưa hoàn thành được việc gì và bắt tay vào làm nó.
Liên hệ lại những người bạn cũ
Theo nghiên cứu được thực hiện năm 2020, trong bối cảnh đại dịch khiến nhiều người phải ở nhà, con người ta thường có xu hướng nhớ đến bản thân mình trong quá khứ, ở một thời điểm nào đó. Nhiều người để cho dòng trạng thái cảm xúc đó ùa về và họ cảm thấy càng nuối tiếc, càng nhớ nhung khi trở về hiện tại. Nhưng đâu chỉ riêng mùa dịch, kí ức có thể chợt đến bất kì lúc nào, nhất là khi những mối quan hệ hiện tại không đủ khỏa lấp ta. Vậy tại sao bạn không chủ động liên hệ lại với họ, nhắn tin nhắc lại câu chuyện xưa, những kỉ niệm mà bạn và họ đã cùng trải qua. Việc nhắn tin với người bạn cũ giúp bạn vơi đi nỗi trống trải trong lòng mình, vừa giúp bạn tìm lại mối quan hệ mà vì công việc, vì khoảng cách địa lý bạn đã bỏ lỡ họ.
Hạn chế ở trên thế giới ảo
Mạng xã hội nơi mọi người tương tác với nhau sẽ giúp bạn vơi đi nỗi lạc lõng trong lòng. Nhưng thực tế không phải như vậy. Những tiện ích của mạng xã hội càng làm người ta đánh mất đi khả năng thấu cảm vốn có. Và khi không thể thấu cảm, cảm giác cô đơn, lạc lõng đến như một hệ quả tất yếu.
Có một cô bạn chia sẻ về cách cô ấy dùng mạng xã hội khiến tôi vô cùng ấn tượng: Cô bạn cài thời gian tối đa mình sẽ sử dụng faebook trong ngày, nếu đã xài hết thời gian quy định thì bắt buộc phải dừng lại. Hiện tại thì cô bạn của tôi vẫn độc thân, nhưng cuộc sống lúc nào cũng thoái mái, vui vẻ. Trong thời buổi hiện nay, việc không sử dụng mạng xã hội là điều không thể. Điều quan trọng là chúng ta chọn cách sử dụng thông minh.
Nuôi thú cưng để chia sẻ
Bên cạnh việc tìm lại và bắt đầu làm những việc dở dang trong quá khứ, tại sao bạn không thử bắt đầu một điều mới mẻ, như nuôi thú cưng chẳng hạn. Bạn có thể chọn nuối một chú chó, mèo nhỏ đẻ tăng cảm giác kết nối, giảm đi nỗi lạc lõng. Các nhà nghiên cứu trên thế giới từng chỉ ra rằng sự hiện diện của các bạn đồng hành như chó,mèo, thỏ, chuột hamster có thể giúp con người giảm bớt cảm giác cô đơn và cả bệnh trầm cảm.
Cuối cùng, hãy nghĩ cô đơn, lạc lõng không phải là điều gì quá xấu xa
Thực tế thì con người ai cũng từng trải qua cảm giác cô đơn, lạc lõng. Nhìn ở chiều hướng tích cực, cô đơn, lạc lõng cũng có những mặt tốt của riêng nó. Mặc dù ở một mình khiến con người tăng cảm giác ấy nhưng đồng thời khả năng tập trung của con người cũng được cải thiện, là mắt xích quan trọng trong quá trình sáng tạo của con người. Với một số người, đắm chìm vào nỗi cô đơn, ở một mình chính là quá trình tuyệt vời để họ sáng tạo, nhất là với những người làm nghệ thuật. Người ta cũng trưởng thành hơn khi họ cho phép bản thân dừng lại, đối mặt với chính mình và suy nghĩ.
Thế nên, sự cô đơn, lạc lõng đôi khi không quá đáng sợ như chúng ta nghĩ. Nếu biết tận dụng và nhìn nó theo một chiều hướng tích cực nhất, trạng thái ấy đôi khi lại là cơ hội để ta hoàn thiện chính mình, để mình tốt hơn hôm qua.