share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Mắt Biếc - Ai cũng có một Ngạn trong mình


ADVERTISEMENT

“Có hai thứ mà đời người không được bỏ lỡ.
Một là chuyến tàu cuối cùng về nhà, hai là người thật lòng yêu thương ta.” 

Đây là câu nói ám ảnh nhất đối với tôi sau khi xem bộ phim này. Có lẽ, người như Ngạn chỉ còn trong quá khứ. Người ta có thể ghét Ngạn, có thể buồn Ngạn và cũng có thể thương Ngạn - Một kẻ si tình “ngu muội” không biết đấu tranh vì tình yêu. Nhưng họ quên mất rằng Ngạn của thập niên 60s - 70s của thế kỷ trước không phải Ngạn của hiện tại, thế kỷ 21. 

Trước khi xem phim, tôi cố gắng không đọc review, không đọc truyện trước để mang cho mình cái nhận xét khách quan nhất về phim. “Mắt Biếc” là một trong những tác phẩm hay nhất của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - Người đã gắn liền với biết bao thế hệ học trò.

“Mắt Biếc” kể về mối tình đơn phương trải qua ba kỷ thập giữa Ngạn với Hà Lan - Cô gái có đôi mắt biếc khiến Ngạn say mê từ lần đầu gặp mặt. Cả 2 đã ở bên nhau từ nhỏ, cùng nhau học, cùng nhau vui chơi và cùng nhau lớn khôn. Mối tình trẻ con ấy cứ ngày càng lớn dần, đong đầy trong tim Ngạn, nhiều lần muốn ngỏ lời cùng Hà Lan nhưng lại ngập ngừng không dám nói. 

Nhịp phim đoạn đầu khá chậm, chủ yếu tập trung về thời niên thiếu của 2 nhân vật chính. Mô tả rõ nét tính cách, hoàn cảnh nhân vật. Hà Lan là cô bé xinh đẹp, có đôi mắt biếc long lanh, hơi buồn, học chung lớp với Ngạn - cậu bạn thân luôn bảo vệ Hà Lan mỗi khi bị bạn bè ức hiếp.

Một điểm cộng cho phim đó chính là có thể đưa người xem trở về khung cảnh làng quê Việt Nam những thập niên 60s - 70s của thế kỷ trước. Cánh đồng xanh mướt; cây cầu gỗ bắt qua con sông êm đềm; dàn nữ sinh tan trường dịu dàng trong chiếc áo dài trắng; rừng hoa sim tím mơ mộng, khung cảnh như thơ, đẹp đến nao lòng. Bên cạnh đó, làng Đo Đo gắn liền với thời đi học, tất cả ký ức tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan đều được đặc tả chân thực, chi tiết trong từng khung hình. Hay chợ Đo Đo - Một nơi cất giữ nhiều ký ức đẹp nhất của Ngạn và Hà Lan, nơi Ngạn nhớ nhiều nhất về thời niên thiếu của mình đã được đạo diễn Victor Vũ tái hiện phù hợp với cốt truyện.

Ngoài khung cảnh làng quê xinh đẹp, bình yên thì bối cảnh thành thị thời xưa cũng là một thử thách lớn của phim. Nhưng đạo diễn Victor Vũ đã không để khán giả thất vọng khi tìm được con đường vẫn còn giữ lớp nền xưa và phục dựng lại tất cả bảng hiệu, đèn đường, quán xá vỉa hè… cho phù hợp với bối cảnh.

Từ đoạn giữa đến cuối phim nhịp phim đã nhanh hơn và lộ rõ về điểm yếu về phần kịch bản. Chuyển biến tâm lý và tính cách nhân vật cũng thay đổi nhanh, làm cho người xem có phần hơi hụt hẫng. Khán giả sẽ không hiểu vì sao Hà Lan từ một cô gái hiền dịu, tuổi thơ gắn liền với làng quê nghèo lại thay đổi tâm lý nhanh đến như vậy. Hà Lan đã phải lòng Dũng - Một công tử ăn chơi, giàu có mà quên nhanh cậu bạn thương thầm mình từ nhỏ. Nguyên nhân một phần là do thời lượng phim điện ảnh không cho phép chèn quá nhiều tình tiết, chuyển biến tâm lý nhân vật. Đặc biệt kịch bản được chuyển thể từ truyện hay tiểu thuyết lại càng khó khăn hơn.

Một điểm hạn chế (tôi không xét là điểm yếu) tiếp theo của bộ phim đó chính là diễn xuất của các nhân vật. Xét về tổng thể thì các nhân vật trong phim diễn ở mức vừa tròn vai, không quá tệ nhưng chưa thực sự xuất sắc. Vai diễn Hà Lan (diễn viên Trúc Anh đóng) chỉ dừng ở mức tạm ổn. Những đoạn diễn đòi hỏi chiều sâu, tâm lý chưa thật sự “đủ đô”, đủ đẩy mạnh cảm xúc. Diễn tốt nhất đó là nhân vật Ngạn (diễn viên Trần Nghĩa đóng), Trần Nghĩa chính là một phát hiện mới của điện ảnh Việt trong năm 2019. Từng ánh mắt ngại ngùng, e thẹn, thái độ ngập ngừng không dám tỏ tình của chàng trai mới lớn hay ghen tuông, tức giận khi nhìn thấy người mình yêu bị ức hiếp đã được Trần Nghĩa diễn khá tốt.

Một điều thiếu sót khi không nhắc đến nhạc phim, có thể nói đây là bộ phim Việt có phần nhạc phim hay nhất từ trước đến nay mà tôi đã từng xem. Nhạc phim được sáng tác bởi ca nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh. Ca từ bài hát hợp đến từng khung hình, cốt truyện. Lời ca và giai điệu các bài hát đậm chất thơ, mộc mạc và dung dị. Nếu không phải là nhạc Phan Mạnh Quỳnh thì chắc chắn bộ phim không thể nào thăng hoa được.

Đoạn kết của phim có lẽ sẽ khiến nhiều người không thích nhưng đối với tôi như thế là phù hợp nhất. Vì tình yêu của Ngạn đối với Hà Lan qua bao năm tháng cũng không thay đổi. Một số người sẽ thấy đâu đó vẫn còn một Ngạn trong mình. Hãy để cho người xem phải nhớ mãi, tiếc nuối về cái kết ấy thì mới là tác phẩm thành công.

Tóm lại một bộ phim ra rạp chắc chắn sẽ có nhiều khen chê, đặc biệt “Mắt Biếc” là bộ phim được mong chờ nhất năm nay. Truyện khác phim ở chỗ đó là cho người đọc tự tưởng tượng câu chuyện trong đầu họ còn phim được kể bởi trí tưởng tượng của đạo diễn, chúng ta khó lòng áp đặt trí tưởng tượng của mình vào một bộ phim được. Nhận xét công tâm thì đây là bộ phim hay, vừa đã tai, vừa đã mắt nhưng chưa thực sự hoàn hảo. Người đã đọc truyện, đặt nhiều kỳ vọng sẽ chê phim dở. Người chưa đọc truyện, yêu sự chỉnh chu, yêu “chất thơ” của làng quê Việt, thấy được sự tâm huyết của ekip, cố gắng mang đến một tác phẩm tốt cho điện ảnh nước nhà thì đây là một bộ phim hay và rất đáng xem.

 


ADVERTISEMENT