share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Một đoạn đường Tây Bắc, dăm bóng hình tuổi trẻ


ADVERTISEMENT

Hà Nội cuối năm rét mướt, nhưng tôi biết đoạn đường chờ mình phía trước sẽ còn lạnh giá hơn, khó khăn hơn nhiều. Mới chập chững bước vào con đường xê dịch vào đầu năm, nhưng cái tên “Nơi con gà gáy cả ba nước cùng nghe” - A Pa Chải quả thực hấp dẫn, cả cái tên Sa Pa - khu nghỉ dưỡng từ thời Pháp thuộc mù sương vốn chỉ thấy trong tranh ảnh, đang chờ tôi và mọi người phía trước. Hình chụp không còn nhiều, nên tôi sẽ cố gắng đưa những tâm tư thật nhất để bạn cùng sống lại với tôi những ngày ấy.

Tây Bắc, du lịch, trải nghiệm, khám pháSống lại những ngày tháng của tuổi trẻ

Bắt đầu từ Hà Nội, mấy chiếc xe nối đuôi nhau xuất phát khi trời đã tối. Đoạn đường không có gì đặc biệt phần vì tối, phần vì đã từng đi vài lần. Chúng tôi chọn Mộc Châu làm chặng dừng đầu tiên. Mưa và sương mù vốn có của cao nguyên khiến cả nhóm vài lần dừng lại, chạy thật chậm để đảm bảo an toàn. Không như dự định, bao nhiêu hứng khởi dập tắt vì mưa rét, chọn bừa một chỗ nghỉ ven đường để bảo toàn sức khỏe cho ngày tiếp theo. 

Mộc Châu dần hiện ra trước mắt với cảnh quan cao nguyên. Đây là nơi mà dù có đi bao nhiêu lần, tôi vẫn rất thích. Mộc Châu có bầu trời thật rộng, đồi chè bát ngát, những chú bò sữa nhẩn nha gặm cỏ. Thảo nguyên xanh tháng Mười Hai năm đó ngập tràn cải trắng, hoang hoải mùi đồng nội, đẹp và thơ mộng biết mấy. Chúng tôi không dừng ở Mộc Châu lâu, chỉ đủ để ngắm nhìn không gian và kịp ăn một bữa thịnh soạn sau một đêm bão táp.

Tây Bắc, du lịch, trải nghiệm, khám phá

Mộc Châu dần hiện ra trước mắt với cảnh quan cao nguyên

Thẳng hướng từ Sơn La đi Điện Biên, theo dự kiến, tôi sẽ được ngắm hoàng hôn trên đỉnh đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng núi phía Bắc - con đèo thứ ba mà con nhóc là tôi được đi qua kể từ ngày trót đam mê xê dịch. Pha Đin (hay Phạ Đin) được ví như nơi đất trời gặp nhau, chẳng biết có phải vì trót nghe câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa không mà chúng tôi thực sự thấy háo hức. Một tai nạn nhỏ xảy ra trên đường đi khiến lịch trình bị chậm lại một chút, nhưng may mắn thay, mặt trời vẫn còn le lói giữa không gian tĩnh mịch, như đợi chờ những kẻ lữ hành, đền đáp cho đoạn đường xa xôi tới nơi này.

Ở đây chẳng có gì cả.

Chỉ có gió lạnh, bóng tối dần bao trùm lấy con đường quanh co, ánh sáng từ vài chiếc xe tải bon bon đi cho kịp thời gian. Nếu như nói chúng tôi khi ấy là những-kẻ-khùng có lẽ cũng đúng, bởi có ai mà rời phố thị đèn hoa để tìm đến cái nơi khỉ ho cò gáy này, chỉ vì muốn trải nghiệm cảm giác chờ mặt trời xuống núi trên con đèo vùng Tây Bắc. Lúc đó chẳng ai suy nghĩ gì nhiều, chuyền tay nhau ly cà phê pha vội, nhấm nháp chút bánh hòng trám nhanh vào cái bụng đang sục sôi trước khi chạy nốt quãng đường đến thành phố Điện Biên nghỉ đêm.

Tây Bắc, du lịch, trải nghiệm, khám phá

Pha Đin (hay Phạ Đin) được ví như nơi đất trời gặp nhau

Về muộn, sáng sớm phải sửa soạn lên đường, chẳng mấy ai để ý đến Điện Biên hồi đó có gì, chỉ mang máng nhớ những di tích biểu tượng lịch sử hào hùng của dân tộc (mà sau này tôi đã dành 2 ngày để thăm thú hết) nằm ở đâu đó trong thành phố, cả cánh đồng Mường Thanh bao la, đẹp ngỡ ngàng vào mùa lúa chín trên đường tới Lai Châu.

Ngày mới bắt đầu đã báo hiệu chặng đường không mấy suôn sẻ. Mường Chà - Mường Nhé, cung đường có thể thách thức bất cứ tay lái nào trước khi đến với cột mốc A Pa Chải. 250 kilomet trong một ngày không phải con số quá lớn, nhưng với con đường gập ghềnh đá sỏi, đường đất đỏ bụi mù mịt hay vòng vèo lên xuống qua những bản xã hẻo lánh của Điện Biên, mới hiểu được tại sao đây gọi là một trong những “cung đường đau khổ” của dân du lịch bụi thời bấy giờ. Bốn chiếc xe chẳng mấy khi được bám sát nhau đi, điện thoại có lúc sóng mất hẳn, dừng nghỉ liên tục không hẳn cho mấy kẻ khùng chúng tôi, mà cho máy xe có thời gian nguội bớt.

Tây Bắc, du lịch, trải nghiệm, khám phá

Cà phê sẽ được pha bằng thứ nước sôi nửa vời đun vội như thế này

Tôi nhớ khi dừng trước một căn nhà gọi là “Đội thuế xã Mường Chà”, căn nhà đơn sơ đến mức ngạc nhiên vì trong thâm tâm luôn nghĩ những cơ quan hành chính hẳn phải có sự khác biệt nào đó. Cuộc sống ở đây khó khăn quá, thiếu thốn quá nhưng lại chẳng thiếu đi nụ cười. Người lớn hỏi han chúng tôi về hành trình kỳ lạ, cho chúng tôi nước uống, chỉ chỗ bán xăng, còn lũ trẻ hớn hở vẫy tay chào mấy chiếc xe chằng chịt đồ đạc mà người trên xe thì kín mít từ đầu đến chân để che bụi đường nắng gió.

Chặng đường tiếp theo không khá khẩm hơn là mấy, nhất là khi trời đã về chiều. Tấm biển chào của huyện Mường Nhé hiện ra với con đường bê tông tít tắp, hóa ra đó là dự định của tương lai, mà thôi. Đường xấu còn hơn đoạn Mường Chà, nhưng lòng ai cũng ít ra chúng tôi đang đến gần hơn với A Pa Chải. Lại nói tới nơi được coi là cực Tây tổ quốc, A Pa Chải nằm ở ngã ba Việt - Trung - Lào, với đỉnh Khoan La San cao 1864 mét so với mực nước biển, cũng là nơi mà ngày hôm sau chúng tôi đã dành một ngày trekking lên cột mốc biên giới đặt ở ngay đỉnh núi.

Tây Bắc, du lịch, trải nghiệm, khám phá

Trên đỉnh Khoan La San trông ra nước bạn

Gió lạnh từng cơn. Miền Bắc mùa đông vốn đã lạnh, còn cái lạnh khô của vùng núi lại càng chẳng dễ chịu gì. Một đêm ngủ ngon lành sau thủ tục đăng ký thăm mốc và bữa cơm giản dị ở đồn biên phòng A Pa Chải, hít căng lồng ngực cái tiết trời đông của buổi sáng còn mờ sương, không ai bảo ai, chúng tôi đều dậy rất sớm, hành trang gọn nhẹ để trek mốc. Người dẫn đường là một chú biên phòng đã đứng tuổi, chú ở đây đã gần 30 năm - con số chiếm nửa đời người, đủ để thấy sự gắn bó keo sơn với miền biên thùy đất nước.

Chú cười, mắt hấp háy bảo mấy thanh niên trẻ nam nữ chúng tôi “Mới đầu thỉnh thoảng có một nhóm lên đòi đi xem mốc, chẳng hiểu mấy đứa ham hố cái gì ở đây, nhưng rồi cũng nhận ra, bên cạnh sự tò mò khám phá thì dòng máu Việt Nam tự nhiên sẽ dẫn đến đây”. Đồi cỏ lau cao ngút quá cả đầu người đâm vào tay chân, mặt mũi hay bất cứ chỗ nào hở ra, xước xát đủ cả. Rừng nguyên sinh sương mù vẫn còn đọng. Những phiến đá rêu ẩm ướt mọc đầy. Địa chất đa dạng y như tưởng tượng của hồi học sinh học hay địa lý - tôi bất giác nhớ những ngày cấp Ba, rồi thấy việc mình thực sự ở đây quả thật khó tin, khi mà chỉ hơn một năm về trước cực Tây với tôi chỉ nằm trong sách vở.

Ở đây chẳng có gì cả.

Chỉ là cột cột mốc A Pa Chải im lìm giữa bốn bề cây cối, đỉnh núi Khoan La San được san phẳng khiến cho “ngã ba” thêm phần vững chãi. Trông ra xung quanh có thể thấy đồi núi của nước bạn xen lẫn những căn nhà nhỏ rải rác. Mây mù khá nhiều, nhưng chỉ vài phút sau từng đợt gió đuổi, mây khẽ khàng rời đi dành chỗ cho ánh nắng chan hòa đổ xuống không gian xanh mượt. Cứ như là bây giờ mới bình minh vậy.

Mệt mỏi tan biến, những quyết tâm dành cho nơi này đã được thực hiện. Một cung trek không quá khó nhưng quá mới mẻ đối với tôi, ấy là khi phải tập thể lực trước cả tháng để bước từng bước vượt đồi, vượt núi, băng rừng, cảm nhận hơi thở của sơn nguyên trong lành khoan khoái, lẫn cảm giác tự hào lúc hiên ngang đứng ở điểm cực Tây Việt Nam.

Vẫy tay chào những người ngày đêm canh giữ Tổ quốc, hành trình lại tiếp tục dù trời đã khá muộn. Ngày sau, và ngày sau nữa là con đường đến với thị trấn Sa Pa - nơi mà có lẽ bây giờ chẳng ai xa lạ. Vẫn là đường xấu, tiếng nổ mìn xẻ núi làm đường, vài bận chờ thông đường trong mệt mỏi, những đợt lạnh căm phải tấp nhanh vào lề đường đốt củi sưởi ấm, uống cà phê pha bằng thứ nước sôi nửa vời đun vội. Vẫn là những kẻ khùng trời dù sắp tối nhưng nhất quyết dừng lại vài phút ở Mường Lay - ngày đó mới được quy hoạch mới ven sông Đà theo dự án Nhà máy thủy điện Sơn La. Nước xanh ngắt một màu, cây cầu sắt mới coóng được bắc qua sông bên cạnh những cây cầu treo bằng gỗ mục, đứng trên cầu trông ra như một Hạ Long thu nhỏ tình thật tình trong ánh hoàng hôn.

Tây Bắc, du lịch, trải nghiệm, khám phá

Mường Lay của ngày hôm nay (ảnh: Le Hong Ha)

Mường Lay hôm nay đã khang trang hơn một chút, vững chãi hơn để khỏi sợ bị nhấn chìm bởi dòng nước Đà giang như ngày xưa nó đã từng. Thị xã nhỏ nhất nước nay đã có bóng dáng du khách tham quan, thay da đổi thịt từng ngày, người dân có cuộc sống tốt hơn nhưng vẫn không quên giữ gìn bản sắc riêng của người Thái trắng và 8 dân tộc anh em khác.

Thay đổi đáng kể khác không thể không nói đến Sa Pa. Năm đó Sa Pa của chúng tôi dù vào dịp nghỉ lễ Tết dương cũng không quá đông đúc, phần vì dịch vụ chưa nhiều, phần vì đường xá quá xa xôi, sẽ mất cả 10 tiếng đồng hồ đi tàu hay xe khách từ Hà Nội. Tôi ngược từ Lai Châu, qua đèo Ô Quy Hồ buổi tối mưa phùn giá rét chừng vài độ C, ngắm băng giá đọng trên cây cỏ ven đường nhờ ánh sáng của xe và đèn pin cầm tay. Ô Quy Hồ cũng là một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng núi phía Bắc, nổi tiếng hơn, và được ngắm rõ ràng hơn hình thù ngoằn ngoèo, độ hiểm trở của con đèo cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, mệnh danh “Cổng Trời” quanh năm mây phủ bồng bềnh.

Tây Bắc, du lịch, trải nghiệm, khám phá

Đèo Ô Quy Hồ - mệnh danh “Cổng Trời” quanh năm mây phủ bồng bềnh

Ở đây cũng chẳng có gì cả.

Nếu như háo hức có thể ngắm Ô Quy Hồ vào ban ngày rực rỡ đã mất, thì bấy giờ những chiếc xe lầm lũi nối đuôi nhau đi thật chậm trên đèo. Cái lạnh ấy ngày sau tôi vẫn nhớ mãi, cóng bàn tay, bàn chân, lạnh có khi đâm xuyên qua bốn năm lớp áo rét. Ấy vậy mà những người ở đây quanh năm sống trong điều kiện khắc nghiệt này, họ địu con trên vai, vượt núi đèo đến chợ phiên, họ trồng lúa trồng ngô trên những thửa ruộng bậc thang, họ ăn mặc phong phanh, chân trần bước, và chắc bạn cũng thấy, tụi nhỏ vùng cao mùa đông má sẽ ửng đỏ như trái đào. Phây phây, nứt nẻ, nhưng mắt sáng ngời.

Thị trấn Sapa buổi sớm khá tấp nập, khách du lịch và dân địa phương mải mê với những món hàng đặc sản: nào trái cây, mật ong, thổ cẩm, lụa là. Sapa thơm mùi của mùa xuân đến, cành hồng nở hoa, anh đào rực rỡ trong nắng sớm. Sa Pa thơm mùi của lẩu cá hồi, cá tầm, của thịt nướng trứng nướng. Sa Pa còn có mùi của rượu táo mèo chua ngọt, nhấp một ly thấy ấm lên bất chấp nhiệt độ đang ngày một thấp hơn.

Tây Bắc, du lịch, trải nghiệm, khám phá

Anh đào rực rỡ trong nắng sớm

Có lẽ chẳng gì thú vị hơn một kỳ nghỉ lễ ở thị trấn nhỏ xinh đẹp Sa Pa. Ta có thể bỏ công leo lên đỉnh Hàm Rồng ngắm toàn cảnh thị trấn sương mù, chạy xe vào những bản làng xung quanh để cùng sống, cùng sinh hoạt với người dân hiền hậu, ngắm bình minh từ cửa sổ phòng mình, hoặc đơn giản chỉ là tản bộ nhàn nhã sau những ngày vất vả bộn bề trong tiết trời trong lành không khói xe, bụi đường.

Tây Bắc, du lịch, trải nghiệm, khám phá

Có lẽ chẳng gì thú vị hơn một kỳ nghỉ lễ ở thị trấn nhỏ xinh đẹp Sa Pa

Tôi tự nhủ quay lại, và đã quay lại. Đường Mường Chà, Mường Nhé bây giờ trải nhựa phẳng lì nên tâm trí không chỉ tập trung vào lái xe mà có thể chia cho khung cảnh khói bếp bảng lảng hòa với mây bay một sớm nọ. A Pa Chải bây giờ đã có đường chạy xe lên gần đỉnh núi, tiết kiệm thời gian và công sức đi tuần của các chú, các anh biên phòng. Sa Pa bây giờ đã có đường cao tốc rút ngắn một nửa thời gian so với ngày trước, để du khách từ miền xuôi lên dễ dàng hơn, thêm nhiều dịch vụ và những công trình hoành tráng hơn.

Thế nhưng...

Hóa ra, những con đường chúng tôi đi qua đều rất “có gì”.

Bóng hình tuổi trẻ của ngày ấy mãi mãi không lấy lại được, kỷ niệm của “cung đường đau khổ” sẽ không ai được trải nghiệm nữa, sự hoang sơ nhường chỗ cho sự hiện đại, xa hoa. Tôi không quá tiếc cho những vùng đất đã phát triển, tôi thấy mừng vì giờ người dân địa phương đã bớt đi sự nghèo đói, đất cằn cỗi nay đã cho họ thu nhập bớt đi gánh nặng thường ngày, có chăng, là tôi cảm thấy mình may mắn khi được sống những ngày thật khác, hành trình của tuổi trẻ năm xưa ghi dấu Tây Bắc một đoạn đường…


ADVERTISEMENT