share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Reminiscence & Heritage Nét đẹp truyền thống: Đầu xuân dạo phố ông đồ


ADVERTISEMENT

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Trên phố đông người qua…

- Trích Ông đồ, Vũ Đình Liên -

Mỗi độ xuân về, Phố ông đồ lại rộn ràng tấp nập, người dân háo hức xúng xính váy áo, dạo phố ông đồ. Chào Xuân Quý Mão 2023, Phố ông đồ thuộc Lễ hội Tết Việt tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đón lượng lớn du khách đến tham quan, chụp ảnh, tìm thầy đồ xin chữ.

Thầy đồ trong văn hóa Việt

Trong nền khoa cử Nho học, những học sinh đã thi qua 3 kỳ Tú Tài sẽ được gọi là sinh đồ hay ông đồ. Những thư sinh này đỗ đạt các kỳ thi cấp thấp nhưng chưa đủ cao để được trọng dụng làm quan. Vì vậy họ sẽ tiếp tục học để chờ các kỳ thi kế tiếp, trong thời gian đó, họ kiếm sống tạm thời bằng nghề dạy học hay viết thuê.

Ngày nay, “ông đồ” thường dùng để chỉ những người có tiếp xúc với chữ Hán, nền văn học Nho giáo, và nổi bật hơn cả là những người viết thư pháp vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Lớp trẻ làm “sống dậy” nét đẹp văn hóa truyền thống

Thầy đồ cùng mực Tàu giấy đỏ những tưởng đã dần đi vào quên lãng thì Tết này, Phố ông đồ đã trở lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết với những ông đồ, bà đồ tuổi đời còn rất trẻ. Đây chính là tín hiệu rõ nét nhất chứng minh rằng giới trẻ ngày nay vẫn dành niềm yêu thích, đam mê đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Khoảng hơn 30 sạp hàng được dựng lên cho các ông đồ, bà đồ “mài mực viết chữ” tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Không chỉ có những thầy đồ lão làng, lớn tuổi, nhiều gương mặt trẻ với nét bút thanh thoát, điêu luyện ngày nay lại chiếm đa số.

Để phục vụ hoạt động chào mừng năm mới, các gian hàng trang hoàng đỏ rực, một gian sẽ trưng bày sẵn từ 20 đến 30 sản phẩm. Bao gồm các bức thư pháp treo tường cỡ lớn, câu đối treo trước nhà cho đến những phong bao lì xì đỏ thẫm, nhiều tác phẩm trang trí đủ kích cỡ, đủ loại đều đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Nổi bật trong tất cả các thể loại thì chữ Quốc ngữ viết theo lối thư pháp được ưa chuộng hơn cả. Bằng những nét bút thanh thoát, cẩn trọng mang theo phong cách riêng biệt, các thầy đồ đã mang đến nét đẹp văn hóa độc nhất cho dịp Tết cổ truyền hàng năm của người Việt.

Vẻ đẹp truyền thống trong thế giới hiện đại

Thư pháp vốn là một bộ môn du nhập do chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, lâu dần trở thành nét đẹp truyền thống của dân ta xuôi theo dòng lịch sử. Thư pháp chữ Quốc ngữ bắt đầu xuất hiện từ khoảng năm 1930, giai đoạn chữ Quốc ngữ bắt đầu trở nên phổ biến.

Việc cân bằng giữa hai yếu tố: giữ gìn bản sắc cổ xưa và phát huy sự sáng tạo của thời đại mới đang được các bạn trẻ phát huy rất tốt, đặc biệt thông qua những hoạt động văn hóa trong dịp lễ Tết truyền thống. Những ông đồ, bà đồ trẻ tuổi tỉ mẫn tuân thủ quy tắc bất di bất dịch của nghệ thuật thư pháp truyền thống. Song song với đó là việc phát huy hệ thư pháp trên nền chữ Quốc ngữ hiện đại.

Thầy đồ trẻ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM cho biết:

“Đa phần mọi người yêu thích chữ Quốc ngữ hơn vì có thể đọc - hiểu dễ dàng. Chữ An, Nhẫn, Tâm được viết nhiều nhất.”

Giữ vững vẻ đẹp truyền thống xa xưa kết hợp với đó là sự sáng tạo cùng khổ luyện. Các thầy đồ thế hệ mới đã và đang phát huy nét đẹp văn hóa của người con đất Việt thông qua những con chữ tròn đầy, có thần khí, mang giá trị nghệ thuật cao. Xin chữ thầy đồ dịp Tết không phải chỉ để trang trí, mà con chữ còn chứa đựng những ý nghĩa, mang theo hy vọng của người dân về một năm mới hanh thông, an bình.


ADVERTISEMENT