share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

W Coffee Talk Nghệ sĩ Lê Thiết Cương: “Tôi chỉ đi con đường của mình - Tối giản”


ADVERTISEMENT
“Tôi thích số ít thậm chí chỉ là 1, nơi chúng ta ra đi và sẽ trở về. Tôi không thích nhiều màu.
Tôi thích trắng và đen. Trắng là nơi các màu trở về. Đen là màu ban đầu chưa mở mắt.”
– Họa sĩ Lê Thiết Cương 

Từ bé, Lê Thiết Cương đã thấm nhuần triết lý về phong cách tối giản qua những cuốn sách của ông nội và cha. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, Lê Thiết Cương hoạt động như một nghệ sĩ tự do tại Hà Nội. Ông có hơn 30 năm theo đuổi đến cùng một tôn chỉ nghệ thuật: Sự tối giản…

Nói ít hiểu nhiều, qua cái bé nhỏ để nói đến những điều rộng lớn, qua cụ thể để hướng đến sự trừu tượng. Hạt gạo, cây, bát đũa, đèn dầu, hoa sen, v.v. là những đề tài quen thuộc trong tranh của Lê Thiết Cương. Chúng thường được nghệ sĩ diễn tả bằng một bảng màu khiêm tốn, đôi khi chỉ thuần đen trắng với các sắc độ đậm nhạt khác nhau. Giọng văn Lê Thiết Cương cũng vậy, ngắn gọn, xúc tích, nhưng thấu đáo, kỹ lưỡng.

Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứng

Ngoài hội họa, Lê Thiết Cương còn thành danh trên nhiều lĩnh vực như nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế, đồng thời ông đảm đương thêm nhiều vai trò khác như giám khảo, giám tuyển, giám đốc mỹ thuật tổ chức nhiều triển lãm, các chương trình nghệ thuật lớn, thiết kế sân khấu, thiết kế bìa và minh họa sách, viết báo.

Đến nay, nghệ sĩ Lê Thiết Cương đã thực hiện 25 triển lãm cá nhân và 8 triển lãm nhóm, trong đó có hơn 10 triển lãm tại Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Sĩ, Bỉ, Pháp, Anh, Đức, Mỹ,… Các tác phẩm của ông cũng góp mặt trong bộ sưu tập của bảo tàng nghệ thuật Singapore (SAM), bảo tàng Royal de mariemont ở Bỉ và bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.

Mới đây nhất, Lê Thiết Cương đã xuất bản cuốn sách “Nhà Và Người” (2024) bày tỏ mối quan tâm sâu sắc tới không gian sống của con người hiện đại trong sự kết nối với quá Vãng cũng như dòng chảy thế sự.

39A Lý Quốc Sư - một địa chỉ quen thuộc đối với những ai yêu nghệ thuật. Đây không chỉ là một ngôi nhà mà còn là một gallery, nơi ông tổ chức hàng chục triển lãm phi lợi nhuận cho các văn nghệ sĩ Hà Nội trong suốt 20 năm qua.

Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứng

Người ta hay gọi ông là “anh cả của các nghệ sĩ”, là một người hiện đã có chỗ đứng trong giới nghệ thuật. Quay trở về giai đoạn gầy dựng sự nghiệp chắc hẳn có nhiều chuyện để kể, ông có thể hoài niệm một chút về khoảng thời gian mới bắt đầu?

Ra trường 1990, triển lãm cá nhân lần đầu tháng 5.1991. Hồi ấy ở Hà Nội rất hiếm triển lãm cá nhân, khách hàng của nghệ thuật cũng ít. Sau hai tuần trưng bày, hơn hai chục bức còn nguyên… không ngạc nhiên lắm. Vì trước khi quyết định triển lãm, một anh bạn gieo giúp một quẻ, nghe tên quẻ đáng lẽ phải “cancel” ngay - “Leo cây tìm cá”. Bạn tôi thuyết phục tôi hoãn triển lãm, tôi bảo: “Cứ làm, chửa rồi thì phải đẻ”… Ân hận gì nữa, cúi đầu bê tranh ế về đút vào gầm giường. Khi ấy, đất nước vừa mới bước ra khỏi thời bao cấp, bắt đầu mở cửa, nghèo đói là chuyện chung, chuyện thường.

Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứngTác phẩm “Hòa bình”

Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứngTác phẩm “Ngày cưới”

Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ vẽ tranh, đúc tượng, làm gốm, thiết kế sách, viết báo, viết sách cho đến sáng tạo các chương trình văn hoá nghệ thuật. Vậy đâu là cái gốc cốt lõi?

Hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Đúng! Nhưng tất cả các việc ấy đều là nghệ thuật. Tôi chỉ làm được nghệ thuật thôi, mỗi người mỗi nghề. Làm chính trị, kinh doanh không phải việc của mình. Yêu văn học nghệ thuật, được làm nghệ thuật, được là nghệ sĩ. Thế là được rồi. Cốt lõi vấn đề là ở đó.

Người ta thấy rõ sự tối giản trong các tác phẩm của nghệ sĩ Thiết Cương, dù là hội họa, điêu khắc hay thiết kế. Nghệ sĩ bị cuốn hút vào phong cách này như thế nào? 

Dù là vẽ, làm điêu khắc hay thiết kế thì tôi cũng vẫn chỉ theo một con đường: Tối giản. Làm gì cũng là làm tối giản. Tôi không cuốn hút vào tối giản mà tối giản cũng chả cuốn hút tôi. Tôi và tối giản là một, tối giản là tôi và ngược lại.

Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứngLê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứngNhững tác phẩm thuộc BST Cây. Mỗi tranh chỉ vẽ một cây, với hai màu đen và trắng.

Tự nhận là một người rất yêu gốm, những tác phẩm tranh gốm với chủ đề rất Việt Nam như con trâu, cái liềm, người nông dân,… hợp nhau và tôn vinh vẻ đẹp cho nhau. Phải chăng chủ đề với gốm là để tô vẽ văn hoá Việt truyền thống?

Tôi yêu văn hóa Việt, truyền thống nghệ thuật Việt. Tôi yêu gốm đã đành, nhưng trong nghệ thuật thì con trâu, cái liềm, người nông dân, v.v. mới là đề tài. Còn gốm mới chỉ là chất liệu như sắt, đồng, giấy, sơn dầu… Đề tài và chất liệu chưa làm nên nghệ thuật. Sử dụng chất liệu ấy ra sao, thể hiện đề tài ấy thế nào thì mới thành nghệ thuật. Nói cách khác, nghệ thuật là ở cách kể chứ không phải là bản thân câu chuyện nào đó.

Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứngTranh gốm ghép - Tác phẩm “Chăn trâu”

Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứngBên trái: Tác phẩm “Thu hoạch”; Bên phải: Tác phẩm “Giờ”

Cuốn sách “Nhà Và Người” (2024) ra đời như thế nào? Nghệ sĩ muốn gửi gắm điều gì qua 330 trang của cuốn sách?

“Nhà và Người” chọn in gần 60 bài viết của tôi trong hơn hai chục năm qua cho một số tạp chí về kiến trúc nội thất. Cho dù yêu thích nhưng chuyện thiết kế và trang trí nhà tôi không rành, sao mà bình bàn được những gì chả phải nghề của mình. Như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa tôi muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi gia mỗi cảnh, qua nhà thấy người qua người thấy nhà. Chỉ có nết người mới tạo ra được nếp nhà. Thêm nữa, chuyện nhà chuyện người cũng là chuyện của một thời. Một bộ bàn ghế, một bức tranh, một kiểu nhà hoặc cách bày biện trong nhà của người ấy đều có dấu ấn của thời gian. Mỗi thời mỗi khác.

Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứng

Một phần nữa là chuyện đất, những vùng đất mà tôi đã đi qua, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Lạt, Sapa và Hà Nội nơi tôi sinh ra, một vài làng cổ ở Bắc Bộ, một ngôi chùa, một nhà thờ ngoài đê sông Hồng… Cũng như chuyện nhà, chuyện đất cũng là chuyện người. Nhà nào người đó, người nào nhà đó, đất nào người đó, người nào đất đó. Nhà cửa đất cát thủy thổ nào thì sẽ sinh ra tính tình, phong hóa, phong tục đó. Nói rộng ra thì chuyện thủy thổ cũng là chuyện đất, nước, chuyện đất nước, chuyện văn hóa, chuyện bờ cõi (văn hóa cũng chính là bờ cõi), chuyện dân tộc, chuyện đất nước Việt, chuyện người Việt. 

Viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người. Đất, nhà và người suy cho cùng là một. Thử hỏi có chuyện gì trong đời mà chả là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản. 

Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứng

Sở hữu nhiều tác phẩm được trưng bày và xuất bản rộng rãi, đâu là tác phẩm ông tâm đắc nhất?

Ai cũng vậy, làm nhiều nhưng cái đọng lại được qua thời gian thì cũng chẳng là bao. Để chọn thì tôi chọn những tác phẩm hội họa và điêu khắc về Hạt gạo (triển lãm cá nhân cùng tên 2005 tại Thăng Long Gallery – Hà Nội). Vì nó rất “tôi”, rất tối giản mà chuyên chở được câu chuyện chung của người Việt, câu chuyện về văn minh lúa nước của người Việt. Truyền thống, nghệ thuật, tính tình của người Việt đều ở hạt gạo, làng quê, cánh đồng, người nông dân… mà ra.

Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứng


“80 phần trăm của 90 triệu người Việt ít hay nhiều, trực tiếp hay không, vẫn liên quan đến số phận của hạt gạo, như vậy đủ thấy hạt gạo tuy nhỏ nhưng lại lớn đến mức nào. Cơm tẻ mẹ ruột. Không chỉ ở Việt Nam mà phần lớn các quốc gia Châu Á đều chung nhau câu chuyện về hạt gạo, văn hoá gạo, truyền thống gạo.

Không phải một hạt gì đó mà là hạt gạo vì sự lựa chọn này có sức mạnh của phong cách tối thiểu, nói ít hiểu nhiều, qua cái bé nhỏ để nói đến những điều rộng lớn, qua cụ thể để hướng đến sự trừu tượng. Chỉ thông qua hạt gạo mà lại chạm được tới thân phận của biết bao con người, biết bao kiếp người.”

- Lê Thiết Cương


Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứngLê Thiết Cương, họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật tối giản, nghệ sĩ Việt, nhân vật truyền cảm hứng

Chúng ta phải công nhận là tre già măng mọc, nghệ thuật đang “chạy” theo những thứ hợp thời. Nghệ sĩ làm thế nào để vẫn luôn giữ được cái “cũ” trong cái “mới”?

Từ triển lãm cá nhân lần đầu 5.1991 đến triển lãm gần nhất “Duyên” (tháng 8.2024 tại Tp. Hồ Chí Minh) đều thống nhất một con đường: Tối giản. Tôi chỉ đi con đường của mình. Không có chuyện hợp hay không hợp thời gì cả. 


Đọc thêm:
>> Chef Bảo La: “Tôi muốn kể chuyện cho nguyên liệu Việt”
>> Giám đốc Bát Tràng Museum - Vũ Khánh Tùng: Bảo tàng là cầu nối cho những "cuộc đối thoại" nghệ thuật

ADVERTISEMENT