Properties Opportunity Nguyên liệu gỗ - Vật liệu xây dựng của tương lai
“Việc nghiên cứu để áp dụng các nguyên liệu gỗ vào ngành kiến trúc đã được xây dựng đề án từ năm 2005. Gỗ không chỉ được xác định là nguyên liệu truyền thống, mà đang được nghiên cứu để áp dụng rộng rãi trong kiến trúc đương đại.” Tiến sĩ - Kiến trúc sư Trương Thị Thanh Trúc nhấn mạnh về hành trình và giá trị của nguyên liệu gỗ trong ngành kiến trúc – xây dựng.
Ứng dụng nguyên vật liệu xanh
Góp phần cân bằng phát thải toàn cầu, hay cam kết hành động thay đổi để phát triển hướng tới net zero vào năm 2050 được xem là nhiệm vụ cấp thiết của ngành kiến trúc – xây dựng trong giai đoạn này. Một trong những phương án có thể áp dụng ngay là sử dụng các nguyên vật liệu xanh, có nguồn gốc rõ ràng, có khả năng thay thế bê tông truyền thống nhưng vẫn bảo vệ môi trường.
Ngoài cùng bên trái: KTS - Giám đốc kỹ thuật tập đoàn Trần Đức Nguyễn Huy Hiển; Giữa: KTS - Co-founder MIA Design Studio
Vừa qua, Tập đoàn Trần Đức tổ chức sự kiện “Bàn tròn Net Zero” với chủ đề “Kiến trúc sư và xu hướng sử dụng nguyên liệu gỗ trong thiết kế”. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi dự án với mục đích kết nối các kiến trúc sư, chủ đầu tư cũng như các nhân sự liên quan trong ngành kiến trúc và xây dựng cùng nhau cập nhật những thông tin mới nhất về ngành, cùng chia sẻ các kinh nghiệm về nghề và chung tay hướng đến net zero vào năm 2050.
Tại đây, các kiến trúc sư đầu ngành đã đưa ra những thông tin, số liệu để chứng minh sự đổi mới và sáng tạo trong việc sử dụng vật liệu xanh. Khi nói về sự bền vững trong các công trình, đặc biệt là các công trình về cảnh quan, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thị Ái Thuỷ đã chia sẻ: “Hầu như tất cả các nước hiện nay đều sử dụng kết cấu gỗ, đặc biệt các khu di tích lịch sử hay thắng cảnh đều sử dụng gỗ, bởi sự thích ứng và sự thân thiện môi trường của nó. Từ đó thấy được, sâu trong tâm của mọi người đều thích sự tự nhiên, và gỗ là minh chứng”.
Vì sao lại chọn gỗ?
Được phát triển đầu tiên ở Áo vào đầu những năm 1990, cấu kiện gỗ CLT nhanh chóng trở thành một trong những giải pháp xây dựng bền vững hàng đầu, nhờ khả năng cải thiện hiệu quả công trình mà vẫn giảm thiểu tác động môi trường. CLT đã được ứng dụng thành công trong nhiều công trình nổi bật trên thế giới. Một ví dụ điển hình, Brock Commons Tallwood House ở Canada với 18 tầng được xây dựng hoàn toàn từ gỗ, đã trở thành một trong những tòa nhà cao nhất thế giới sử dụng CLT.
Nhìn thấy được cơ hội phát triển từ cấu kiện gỗ này, KTS Bùi Hoàng Bảo chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ xử lý gỗ CLT trong ngành mang lại rất nhiều cơ hội phát triển bền vững, tạo hiệu suất xây dựng & thẩm mỹ trong kiến trúc. Tuy nhiên để tận dụng tối đa những cơ hội này, ngành xây dựng cần phải đối mặt và vượt qua những thử thách về chi phí, quy chuẩn, đào tạo kỹ năng, sự đầu tư về nghiên cứu phát triển công nghệ và hợp tác giữa các bên liên quan sẽ là chìa khoá để phát triển CLT trong tương lai”.
Với cương vị là nhà phát triển dự án, Bà Võ Nhật Liễu – Giám Đốc kinh doanh & Giám Đốc phát triển dự án City Land, chia sẻ: “Các nhà vận hành quốc tế đều khuyến nghị sử dụng nguyên liệu cấu kiện gỗ, không những giúp tiết kiệm được năng lượng mà còn tiết kiệm được chi phí trong quá trình vận hành và bảo trì, bảo dưỡng. Không chỉ riêng Việt Nam mà ở khu vực Đông Nam Á, các resort 5 sao hiện nay vẫn đang hướng đến sử dụng gỗ, giải pháp sử dụng vật liệu cấu kiện gỗ chắc chắn sẽ là xu hướng và sớm được phổ biến tại thị trường Việt Nam”.
Tiếp nối trao đổi, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Trương Thị Thanh Trúc đã chia sẻ kỷ niệm đoàn của cô tham gia cuộc thi thiết kế các công trình chống động đất do British Council phối hợp cùng APEC cho các hạng mục Green Build. Ở đó, 100% các vật liệu mà Ban Tổ Chức đưa ra cho thí sinh chính là vật liệu, cấu kiện gỗ. Từ những thông tin thu thập được, KTS cho rằng, bên cạnh các ưu điểm liên quan đến khả năng chịu lực, tiết kiệm thời gian, nguyên liệu gỗ còn có khả năng chịu được động đất.
Được biết vừa qua, Tập đoàn Trần Đức đã nhập khẩu và đưa vào sản xuất chuyền CLT (Giải pháp cấu kiện CLT) - được mệnh danh là “bê tông xanh” của tương lai, có khả năng thay thế bê tông truyền thống về khả năng chịu lực, tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng và đồng thời giảm thiểu tác động tiêu thụ nguồn tài nguyên, góp phần xây dựng bảo vệ môi trường bền vững.
“Net Zero là câu chuyện đường dài và không thể chỉ một đơn vị, một doanh nghiệp mà có thể thành công. Chúng tôi đứng ở vai trò là đơn vị cung cấp với mong muốn là không chỉ cung cấp giải pháp chất lượng mà còn góp phần nhỏ trên hành trình này bảo vệ môi trường. Chúng tôi hy vọng được đồng hành cùng các kiến trúc sư, các chủ đầu tư hay gần hơn là các bạn sinh viên chia sẻ các thông tin hữu ích về các nguyên liệu gỗ để cùng nhau phát triển ngành Kiến trúc Việt Nam”. - Ông KTS Nguyễn Huy Hiển - Giám đốc kỹ thuật tập đoàn Trần Đức chia sẻ.
>> Bền vững trong bất động sản, xu hướng liệu có dài hơi? >> Tài tử Robert De Niro cùng hai đồng sáng lập Nobu Hospitality đến Việt Nam