Properties Opportunity Tầm quan trọng của ESG trong thị trường bất động sản
Cam kết về môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, social, corporate governance - ESG) ngày càng được coi trọng trong doanh nghiệp nhằm củng cố chiến lược kinh doanh, đồng thời mang lại tác động tích cực đến thị trường bất động sản toàn cầu.
Trong bài viết dưới đây, chuyên gia sẽ phân tích cụ thể về tầm quan trọng của ESG, tìm hiểu các thực hành ESG trong bất động sản và những tác động của chúng đến thị trường Việt Nam. Hiểu được những lợi ích, thách thức và xu hướng ESG trong tương lai sẽ là chìa khóa giúp gia tăng tính cạnh tranh và bền vững của doanh nghiệp.
Tiêu chuẩn ESG trong bất động sản
Các yếu tố ESG bao gồm Môi trường (E), Xã hội (S) và Quản trị (G). Trong lĩnh vực bất động sản, ESG thể hiện cam kết thực hiện các hoạt động bền vững và có trách nhiệm trong suốt chu kỳ bất động sản.
“E” tập trung vào tác động của doanh nghiệp đến môi trường, còn trong bất động sản, yếu tố này đo lường tác động của một tài sản đến môi trường. Hiện nay, các doanh nghiệp đang tích cực tích hợp các quy trình tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà, sử dụng vật liệu và công nghệ xây dựng thân thiện với môi trường và đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận xanh.
“S” xem xét các trách nhiệm xã hội, bao gồm những thực hành về nhân quyền và quan hệ cộng đồng. Yếu tố này được đánh giá thông qua các hoạt động kết nối cộng đồng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy văn hóa đa dạng và hòa nhập.
“G” đánh giá khía cạnh quản trị doanh nghiệp, bao gồm khả năng lãnh đạo, tính minh bạch và tiêu chuẩn đạo đức trong các quyết định của doanh nghiệp.
Tiêu chuẩn ESG trong BĐS thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Mặc dù châu Á có quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra muộn hơn nhưng các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Á đang ngày càng quan tâm đến các vấn đề về ESG, khi thị trường chứng kiến sự xuất hiện của nhiều kiến trúc bền vững trong khu vực.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, Úc, Hong Kong, Nhật Bản, New Zealand và Singapore là những quốc gia đi đầu về phát triển bền vững. Trong khi đó, các thị trường như Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Bên cạnh mối quan tâm của công chúng và các quy định do chính phủ đề ra, có nhiều lý do tài chính khiến các nhà đầu tư chú trọng đến phát triển bền vững trong bất động sản, điển hình như quản trị rủi ro, đảm bảo tính minh bạch, tiết kiệm chi phí và gia tăng doanh thu. Trong Báo cáo Xu hướng nổi bật trong Bất động sản châu Á - Thái Bình Dương bởi Viện nghiên cứu và giáo dục liên ngành (ULI) và PwC năm 2022; 37% đại diện doanh nghiệp xem các yếu tố ESG là bắt buộc trong quyết định đầu tư bất động sản, tăng 22% so với tỷ lệ được ghi nhận hai năm trước đó.
Theo Báo cáo Asia Pacific ESG năm 2023, Singapore dẫn đầu quá trình chuyển đổi bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến tháng 12 năm 2023, 98% nguồn cung văn phòng Hạng A của thành phố này đã đạt chứng nhận xanh. Mặt khác, Bangalore, Thượng Hải và Tokyo là ba thị trường dẫn đầu với khoảng 9 triệu m2 diện tích văn phòng xanh.
Tại TP.HCM, 28% nguồn cung văn phòng Hạng A đã có chứng nhận xanh và theo Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam Q3/2023, 80% nguồn cung văn phòng Hạng A và B sẽ sở hữu chứng nhận này vào năm 2026. Tại Hà Nội, 20% nguồn cung văn phòng Hạng A đã có chứng nhận xanh tính đến tháng 12 năm 2023. Các dự án 27-29 Lý Thái Tổ, Grand Terra và Tiến Bộ Plaza dự kiến sẽ cung cấp thêm 68.400 m2 diện tích văn phòng xanh trong tương lai.
Các tòa nhà xanh thường là những dự án mới và có thiết kế hiện đại, đi kèm với chi phí thuê cao hơn các toà nhà truyền thống. Tuy nhiên, vẫn chưa thể kết luận rằng sự chênh lệch trong chi phí thuê là do yếu tố bền vững hay đơn giản là do khác biệt về tuổi đời dự án. Văn phòng xanh ngày càng được ưa chuộng bởi nhu cầu người thuê đối với không gian xanh gia tăng trong khi văn phòng truyền thống rơi vào tình trạng giảm tỷ lệ lấp đầy.
Trong Q4/2023, Seoul và Bangkok là thị trường có mức chênh lệch giá thuê văn phòng xanh cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở mức xấp xỉ 19%, tiếp theo là Singapore với 18%. Tại Việt Nam, mức chênh lệch giá thuê văn phòng xanh TP.HCM và Hà Nội lên tới 8%.
Tiêu chuẩn ESG trong bất động sản thương mại Việt Nam
Báo cáo Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam do PwC thực hiện năm 2022 đã phản ánh xu hướng ESG ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam. Khoảng 80% doanh nghiệp được khảo sát đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong vòng hai đến bốn năm tới. 57% các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thể hiện cam kết ESG rõ ràng. 40% doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp gia đình đã cam kết ESG, thể hiện trách nhiệm của thế hệ doanh nghiệp Việt Nam tương lai.
Theo Báo cáo Asia Pacific ESG năm 2023, hiện có 20 tòa văn phòng tại Việt Nam đạt Chứng nhận Tiên phong trong Thiết kế về Năng lượng và Môi trường (LEED) hoặc Chứng nhận Tiêu chuẩn xanh (Green Mark).
Lợi ích của tiêu chuẩn ESG trong bất động sản thương mại
Trong lúc thị trường bất động sản tiếp tục ưu tiên các chiến lược bền vững, các doanh nghiệp cần tích hợp ESG vào hoạt động của mình để đảm bảo tính cạnh tranh và theo kịp xu hướng thị trường.
Việc triển khai các công nghệ tiết kiệm năng lượng và thực hành bền vững giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành. Từ việc giảm hóa đơn tiện ích đến giảm chi phí bảo trì, các thực hành ESG góp phần nâng cao hiệu quả tài chính toàn diện cho bất động sản.
Việc chủ sở hữu tuân thủ các tiêu chuẩn ESG thể hiện cam kết của họ đối với phát triển bền vững, đồng thời thu hút khách thuê có cùng mối quan tâm. Trái lại, việc không tuân thủ các tiêu chuẩn ESG có thể làm giảm sức hút của tài sản với các doanh nghiệp muốn thực hiện trách nhiệm môi trường và xã hội.
ESG mang lại cơ hội cho chủ sở hữu xây dựng mối quan hệ tích cực với khách thuê và cộng đồng. Các doanh nghiệp ngày càng ưu tiên phát triển bền vững trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, trong khi khách thuê tìm kiếm không gian phù hợp với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và có thể thúc đẩy mối quan hệ bền chặt với chủ sở hữu.
Khi thế giới đang tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2030, việc giảm thải khí carbon đã trở thành một đề tài quan trọng và chi phí đầu tư phát triển bền vững cũng được thêm vào chi phí vốn của các toà nhà. Ngoài ra, các bất động sản được đánh giá kĩ lưỡng để xác định các phương án tối ưu chi phí nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Mục tiêu giảm thải khí carbon sẽ sớm được thực hiện khi có thêm sự cộng tác của khách thuê và người sử dụng.
Ông Sam Crispin, Giám đốc Khu vực châu Á -Thái Bình Dương về Phát triển Bền vững và ESG, bổ sung thêm:
“Để đạt được những đổi mới về bền vững, cần đưa việc nâng cấp tính chuyển đổi năng lượng vào kế hoạch bảo trì một cách hiệu quả. Điều này không chỉ giúp nâng giá trị tài sản trong tương lai mà còn có thể gia tăng giá thuê của các tòa nhà. Để thực hiện được điều này cần một phương án hiệu quả để thu hút sự quan tâm của khách thuê, đó là bài toán về cả kinh doanh và bảo vệ môi trường.”
Tại Việt Nam, việc áp dụng ESG trong lĩnh vực bất động sản không chỉ để theo kịp xu hướng mà còn mang ý nghĩa chiến lược cho mục tiêu phát triển bền vững.