The Art Corner “Nhâm nhi” sách tết, thêm yêu Tết Việt
Nghi lễ, phong tục cùng những giá trị của Tết Việt, tất cả đều được khắc họa rõ trong những tựa sách cùng chủ đề. Mùng Hai nhâm nhi bánh mứt, cùng WOWWEEKEND chiêm nghiệm vẻ đẹp truyền thống qua từng con chữ, nét tranh.
Tết Việt Nam xưa dưới “lăng kính” của học giả phương Tây (Nhiều tác giả)
Tết Việt Nam xưa do MaiHaBooks và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành là cuốn sách đầu tiên viết về Tết Việt bằng ngòi bút của người nước ngoài. Mỗi nghi lễ, phong tục, thú chơi đều được quan sát, nghiên cứu và tuyển dịch kỹ lưỡng từ những bài viết của học giả Việt Nam và Pháp từng đăng trên Tạp chí Đông Dương.
Các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet... dường như đã tụ họp và đóng góp cho tổng thể nội dung những “mảng màu” phong phú của Tết Việt xưa. Để rồi, dịp trọng đại của dân tộc hiện lên đầy màu sắc trong tâm khảm người Việt, dưới nhãn quan của du khách thập phương.
200 trang sách chia thành 3 phần: Nghi lễ Tết, Phong tục Tết và Thú chơi Tết. Phần Nghi lễ Tết được chia nhỏ thành các chủ đề như Tết và thờ cúng gia tiên, Ông Tam Đa, Lễ nghinh xuân ở Huế... Phần Phong tục Tết khắc họa Lá thư Đêm Giao Thừa, Tết ở làng quê qua góc nhìn của nhà văn Pháp Jean Marquet, Tết qua cái nhìn của một người An Nam... Trong khi đó, phần cuối đi giải nghĩa những vật phẩm thường xuất hiện vào ngày Tết như hoa thủy tiên, tranh dân gian...
Dù có yếu tố cổ xưa, cuốn sách “tự tin chinh phục” độc giả trẻ tuổi bởi sự đối lập thú vị “văn hóa Ta – góc nhìn Tây” và nội dung mới lạ như những nghi lễ Tết gần như không còn nữa hoặc mới được phục dựng. Bên cạnh đó, lối khắc họa uyên bác, tinh tế mà gần gũi; các bài viết được minh họa bằng hơn 50 bức tranh sống động, phong cách mỹ thuật dân gian đặc sắc cũng là những điểm cộng lớn.
Hội tụ sự hấp dẫn cả về nội dung lẫn cách thể hiện, Tết Việt Nam xưa sẽ là món quà ý nghĩa gửi đến bạn và gia đình trong dịp năm mới. Ngồi lại bên nhau và lật giở từng trang sách, bắt đầu “chuyến du hành thời gian” để hiểu thêm bức tranh Tết đa sắc màu.
“Dạo chơi” Hội hè lễ Tết của người Việt (Nguyễn Văn Huyên)
Những tiểu luận nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên về lễ - tết - hội, tín ngưỡng và tâm thức tôn giáo của người Việt xưa được gói gọn trong Hội hè lễ Tết của người Việt. Cuốn sách được viết bằng tiếng Pháp, khắc họa một nền văn minh Việt được bồi đắp theo thời gian bởi những giá trị riêng, không lẫn với bất cứ nền văn hóa nào khác.
Trong đó, khía cạnh “Tết” cuốn sách đề cập không chỉ tập trung vào Tết Nguyên Đán, mà bàn luận về nhiều ngày Tết quan trọng khác của dân tộc như Tết Thanh Minh, Tết Trung Thu, Tết Đoan Ngọ... Có như vậy, độc giả mới cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của Tết nói chung trong tâm thức Việt.
Chưa dừng lại ở đó, mỗi hoạt động, phong tục truyền thống như tục thờ cúng thần tiên, sự có mặt khắp chốn của thành hoàng làng, các húy kỵ sinh và tử... đều được khắc họa một cách chi tiết, khoa học và sống động cho bất cứ ai muốn tìm hiểu kỹ về văn hóa cũng như cội nguồn gốc rễ dân tộc Việt Nam.
Tựu chung lại, bằng cách nói chuyện mang tính hàn lâm đặc trưng của một nhà nghiên cứu, nhưng vẫn phảng phất nét thi vị của cái tôi cá nhân, tác giả không chỉ mang đến những giá trị truyền thống nằm trong tiến trình lịch sử của đất nước, mà còn vỡ lẽ một nhận thức thấm thía hơn dành cho tất cả mọi người: Chính sự đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng mới thực sự làm nên giá trị bền vững chứ không phải là hơn - kém hay ít - nhiều.
Tập hợp bao suy tư về cội gốc dân tộc in hằn trên trang viết là một trong các yếu tố chính khiến Hội hè lễ Tết của người Việt vẫn vẹn nguyên giá trị trong bối cảnh xã hội hiện đại. Không gì tuyệt vời bằng việc những độc giả trẻ hôm nay tìm đọc, nối dài chiêm nghiệm về văn hóa, tín ngưỡng và nhiều hơn thế.
Ngắm Tết Việt Nam qua tranh dân gian (Nguyễn Kim Thản biên soạn)
Có hai điều kỳ lạ mà cũng rất thú vị liên quan đến cuốn sách. Trước hết, nó trình bày các hình vẽ không theo một trật tự nào về nội dung. Thứ hai, chỉ sau khi in xong toàn bộ, một tập chú thích sơ sài bằng tiếng Pháp về các hình vẽ mới được ra đời. Phải chăng, “một bức vẽ hơn vạn lời nói” nên quá nhiều ngôn từ diễn giải trong cuốn sách này là điều không cần thiết?
Điều ấy có thể phần nào hợp lý, bởi những hình vẽ có khả năng “cất lên tiếng nói” của riêng mình thông qua chủ thể, đường nét. Bộ sách quý ở chỗ đã tập hợp được nhiều bức vẽ chất phác nhất trong lịch sử mỹ thuật nước ta, qua đó phản ánh tương đối toàn diện và đa dạng các khía cạnh khác liên quan đến đời sống sinh hoạt và lao động của nhân dân, nhất là nhân dân miền Bắc. Chẳng hạn, người xem sẽ bắt gặp những bức vẽ về công cụ sản xuất, đồ dùng hàng ngày, tình hình sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, nhà ở, trang phục, âm nhạc, y học dân gian...
Qua mỗi bức, những gì liên quan mật thiết đến đời sống xa xưa cứ thế hiện ra một cách chân thật, sinh động và chứa chan cảm xúc. Đặc biệt, một số hình vẽ tập trung phản ánh Tết Nguyên Đán nước ta cùng nhiều hoạt động khác, gồm: chợ tết, sửa soạn bàn thờ, món ăn ngày Tết, lễ ông Công – ông Táo, trò chơi ngày Tết... Những bức tranh Tết đã thất truyền cũng được tái hiện trong cuốn sách quý này.
Ngắm nhìn từng nét vẽ mộc mạc rồi tự thả trôi theo dòng suy nghĩ về Tết Việt xưa và nay là một cách tiếp cận mới mẻ, hấp dẫn. Hy vọng Tết Việt Nam qua tranh dân gian sẽ “thổi luồng gió mới” cho thú vui “nhâm nhi” sách Tết của bạn mỗi dịp Xuân về.
>> Xem thêm: Thương nhớ mùi Tết xưa