share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Once – Rồi cùng nhau đi hết bản nhạc này


ADVERTISEMENT

Trái tim người ta, lạ đấy, vẫn thổn thức vì những tình ca chẳng dành cho mình. 

Phố dài xao xác mưa. Nhìn từ góc quán này ra, con đường vốn vắng vẻ giờ đã tịnh không bóng người.

Nghĩa là anh vẫn chưa tới.

Cũng không sao. Chúng tôi chẳng phải đang hẹn hò yêu đương, nên không cần ra bộ hờn dỗi làm gì. Trong quán có màn hình LCD treo trên quầy bar, người ta đang chiếu bộ phim ca nhạc Once – Một lần như thế. Phim đã gần mười năm nhưng tôi chưa cảm thấy cũ. Giả dụ như xem lại Once sau mười năm nữa, có lẽ tôi vẫn nghĩ nó mới phát hành đâu đó trong năm thôi. Giống như một số kí ức đã êm chỗ trong trí nhớ rồi, thời gian chẳng làm phai mờ được; tất cả chỉ như mới xảy ra ngày hôm qua.

Once không phải một bộ phim Hollywood. Nó được Ireland sản xuất vào năm 2007, với kinh phí chỉ nhỉnh hơn trăm ngàn euro một chút. Không cần đến ngôi sao hay hiệu ứng điện ảnh đắt tiền, những gì Once có chỉ là hai nghệ sĩ dù tài năng nhưng chưa có tiếng tăm, một câu chuyện giản đơn, và âm nhạc đầy ngẫu hứng. Xuất thân khiêm tốn nên thành công của phim ở cả phòng vé và về mặt chuyên môn có thể coi là kỳ tích. Dẫu vậy, người đã xem Once tới ba lần như tôi thấy thành công đó chẳng có gì bất ngờ - Once xứng đáng là một trong những phim ca nhạc xuất sắc và đáng xem nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Câu chuyện kể về hai nhân vật không tên Anh và Cô. Anh là nhạc công, ngày ngày hát dạo trên phố; Cô là dân nhập cư, kiếm sống bằng nghề giúp việc và bán hoa dạo. Họ đều nghèo. Cô gặp Anh khi đang trình diễn một bài hát mới sáng tác – vốn anh chỉ hát những tác phẩm của mình khi đường phố đã thật thưa vắng người. Tác phẩm hôm ấy, chỉ có Cô dừng lại nghe và tán thưởng.

“Viết cho người anh yêu đúng không?”

“Phải rồi.”

“Cô ấy giờ ở đâu?”

“Đi mất rồi.”

“Anh còn yêu cô ấy không?”

“Không…”

“Nếu không còn yêu, anh đã chẳng viết nên bài hát này.”

Thế là họ quen nhau. Anh biết được rằng Cô cũng yêu âm nhạc, lại chơi piano rất cừ nữa. Họ cùng rong ruổi trên những con đường, cùng trò chuyện và ca hát. Cả hai đều mang thương tổn trong lòng, đều khắc khoải khôn nguôi về mối tình đã qua không trọn vẹn. Âm nhạc trở thành mối nối bền chắc kì lạ giữa hai tâm hồn mong manh đơn độc.

Mà họ lại chẳng yêu nhau.

Trong quán, phim đang chiếu đến đoạn Cô hát cho Anh nghe bản nhạc The Hill cô viết còn dang dở. Không gian tối chật hẹp chỉ có hai người bên phím dương cầm, và giọng hát cô vang lên trong veo, run rẩy như pha lê sắp vỡ. Anh lặng lẽ nghe và ngắm nhìn Cô. Trái tim người ta, lạ đấy, vẫn thổn thức vì những tình ca chẳng dành cho mình. Trong thế giới của Once, âm nhạc là ngôn ngữ kể chuyện, và là cách để các nhân vật giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nó trở thành một nhân vật độc lập và hết sức quan trọng trong toàn mạch truyện.  Các ca khúc được lồng ghép tự nhiên vào mỗi phân cảnh, thoạt qua có vẻ ngẫu hứng, nhưng lại thể hiện khả năng biên kịch xuất sắc. Bản thân cuộc hành trình của hai nhân vật chính cũng đầy những sự kiện ngẫu hứng: họ ghé vào một cửa hàng bán nhạc cụ rồi cùng nhau hát lần đầu tiên ; anh chơi nhạc cho cô nghe trên xe buýt ; cuối cùng cả hai tập hợp các nhạc công đường phố khác và cùng ghi âm một đĩa nhạc. Chẳng có một kế hoạch cụ thể nào cả. Quãng thời gian Anh và Cô ở bên nhau là cùng nhau đi qua những bài hát, vậy thôi.   

***

“Này, mai em bay rồi đấy.”

“Anh đến rồi đây.”

Anh vội vã bước vào quán, cười như muốn chuộc lỗi vì đến muộn. Chắc khi đi rồi tôi sẽ nhớ nụ cười của anh. Chắc tôi sẽ nhớ cảm giác mỗi lúc ngẩng lên nhìn thấy anh, và tất cả mọi sự vật xung quanh chúng tôi đều như biến mất. Thế giới này, trong một khoảnh khắc, chỉ cần có hai người là đủ.

Có lẽ một lúc nào đó tôi cũng đã yêu anh.

Giống như Anh và Cô. Có đôi khi, hai cuộc đời xa lạ bỗng cắt ngang nhau; người không quen biết một ngày lại thành thân thuộc và quan trọng vô cùng. Ta đọc được trong nhau sự cô đơn và niềm hi vọng. Ta cảm được niềm vui nỗi buồn, để dìu nhau qua một quãng đường đời ngắn ngủi. Rồi lại chia tay. Có nhau một lần như thế rồi thôi. Bởi vậy, xem phim mới không khỏi nuối tiếc, sao Anh và Cô không thể yêu nhau? Số phận đưa họ đến với nhau làm gì nếu biết chẳng thể nào gắn bó? Người đến với ta không phải để ở lại trong đời, mà chỉ ở lại trong kí ức.

Once là một tác phẩm điện ảnh đặc biệt như thế. Kể cả khi đã biết hết các tình tiết trong phim, bạn vẫn phải xem mới ngấm được cái hay của nó. Câu chuyện của Once giản đơn tới mức nếu chỉ nghe kể lại, chẳng mấy ai thấy thú vị. Chỉ đến khi đắm chìm trong thế giới ấy, lắng nghe những bản nhạc ấy, mới cảm được cái chất “nghệ” phiêu du lãng mạn trên những con đường Ireland cổ kính xinh đẹp, hay nuối tiếc bâng khuâng cho một “mối tình” tưởng như đã chín.

Có lẽ từ ngày mai tôi không được gặp lại anh nữa. Có lẽ một năm sau, anh sẽ chẳng còn quan trọng với tôi như bây giờ. Mười phút nữa thôi, hai chúng tôi sẽ đứng dậy và chia tay nhau.

Anh bảo “Thôi, ngồi lại nghe hết bài này đã rồi về.”

Ai cũng ước gặp được tri kỉ như thế, một lần trong đời.

Rồi cùng nhau, ta đi hết bản nhạc này.  


ADVERTISEMENT