Music Thèm nhạc, Gã Du ca lại chiều lòng vài ngón đàn
Giữa chốn toàn những “mặt người xa lạ” thì quán Du Ca của Gã lại là chốn quen cũng đã chục năm rồi, lui tới ngồi hàng giờ mỗi cuối tuần, trở lại như một nếp cũ sau mỗi chuyến đi xa.
Cứ tới gặp Gã là lòng lại nhẹ bẫng, âm nhạc đã xoa dịu tất cả. Mà cũng lạ, đúng là không gian có cái hồn của nó, chính Gã đã tạo ra thứ không gian Du Ca rất khác biệt. Chỉ vỏn vẹn khoảng 18m2 thôi nhưng bước chân vào quán đã mang sắc màu khác, bỏ lại hết cái ồn ã ngoài kia, đến những người khách ở quán cũng trở nên kiệm lời như một cách để âm nhạc được lên tiếng và những tâm hồn đồng điệu được gặp nhau, thay cho câu từ.
Du Ca lúc nào cũng “rất đượm hương và rộn tiếng ca”
Cứ lên tới nơi, gặp Gã là nhoẻn miệng cười chào, cả khi về cũng không quên chào nhau. Du Ca là nhà của Gã, lúc nào cũng rất “đượm hương và rộn tiếng ca”, chẳng khi nào thiếu những bông hoa tươi được cắm và phối màu đấy chất nghệ. Trông chả giống nơi quán xá để kinh doanh gì cả, mọi thứ từ gốc trúc cho tới những cây dây leo vạn niên thanh, những tấm ảnh đen trắng hay món đồ gốm… đều được Gã xem như một thú chơi, được chăm chút tỉ mẩn.
Thường chào Gã bằng “Anh” mặc dầu tuổi Gã xứng bậc cha chú, nhưng âm nhạc mà, làm gì có tuổi, tâm hồn Gã cũng trẻ hoài nên chào Gã bằng Anh một cách trân trọng. Một cách hình tượng thì “Gã Du Ca” là cái tên hợp nhất dành cho anh Truyền, tên đầy đủ của anh là Trịnh Sơn Truyền, như một truyền nhân hát nhạc Trịnh, anh đam mê âm nhạc và có mối nhân duyên với nhạc Trịnh. Anh cứ hát đầy ngẫu hững, hát theo cách du ca, giọng đầy chất “thân phận”.
Chiều buồn len lén ở Du Ca
Tới độ tuổi này, chơi nhạc đã ba mươi năm có lẻ thì thực đã thấm nhuần, mỗi lời ca hay ngón đàn anh tấu lên đầy trải nghiệm mà không chỉ niềm say mê. Ngay cả nhân sinh quan của anh cũng ảnh hưởng lớn từ chất Phật trong tư tưởng nhạc Trịnh. Với anh, “hát không phải là đam mê, mà là như một bản năng không thể tách rời tâm hồn và thể xác” nên anh Truyền lúc nào cũng “hào phóng” lắm lắm với vị khách quen được nhiều ưu ái này, cứ thèm nhạc, mò tới Quán là anh lại chiều lòng vài ngón đàn. Trong không gian nhỏ của Du Ca, âm nhạc cứ đặc quánh, ai đó mà được ghé tới lần đầu, chắc ấn tượng nhiều lắm. Cây guitar dòng classic lúc nào cũng được đặt ngay ngắn trên giá, ai yêu nhạc, biết chơi nhạc đều có thể cầm nó để chơi, để hát cùng anh.
Anh bạn Nhật cũng bị mê hoặc bởi lời ca của Gã
Quán Du Ca có café và vài món ngon nữa nhưng thực chất là không gian anh chơi nhạc và giao lưu cùng những người bạn yêu thứ âm nhạc này. Mỗi khi có người bạn nước ngoài lui tới Việt Nam chơi, kiểu gì cũng dẫn tới gặp anh bởi để các bạn ấy cảm nhận được tinh thần người Việt Nam và cũng bởi chỉ âm nhạc là một trong những ngôn ngữ chung của toàn nhân loại, qua âm nhạc là cách để cảm và nhận tốt nhất.
Du Ca không dành cho tất cả, Gã cũng vậy, không phù hợp với không gian sân khấu. Không đông đúc, không ồn ào, thích nhất là được ngồi ở Du Ca buổi vắng người, được Gã chơi nhạc cho nghe hay chỉ là buông thỏng lõng mà nghe tiếng hát danh ca Khánh Ly phát ra từ chiếc băng cối, nhiều khi cảm thấy như một đặc ân.