Tips & Advice Tìm lại tình yêu khám phá trong bạn
Nhiều người lớn phải ghen tị với tâm trí của trẻ em, bởi ở đó là sự tò mò, một niềm háo hức khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. Cuộc sống bận rộn hàng ngày buộc những người trưởng thành đối diện với lo toan bộn bề, thích ứng với những thói quen lặp đi lặp lại, đồng nghĩa với việc lãng quên chính niềm đam mê khám phá thuở nhỏ. Nhưng hãy thử nhớ về cảm giác lần cuối cùng bạn có một chuyến phiêu lưu, đó có phải sự phấn khích, lo lắng, hay hạnh phúc khi chạm đến một giới hạn mới?
Giải phóng nhà thám hiểm trong mỗi người
Trên thực tế, ai cũng có một nhà thám hiểm tiềm ẩn trong mỗi người. Câu hỏi đặt ra là liệu bạn có muốn giải phóng những nhà thám hiểm này để khám phá một thế giới mà bạn tưởng đã chẳng còn gì để khám phá.
Phiêu lưu là một từ ngữ lớn lao, gợi liên tưởng đến những chuyến đi mạo hiểm đầy gian nan và thử thách. Nhưng phiêu lưu cũng có khi chỉ đơn giản nằm ở việc bước ra khỏi vùng an toàn để làm bất cứ điều gì bạn chưa từng thử trước đây. Đó có thể là việc từ bỏ một thói quen cũ để khuấy đảo nhịp điệu sống thông thường. Đó cũng có thể là việc chọn lựa một thử thách thể chất hay tinh thần, đòi hỏi những nỗ lực luyện tập và đầu tư thời gian… Những cuộc phiêu lưu không chỉ mang đến trải nghiệm tuyệt vời, mà còn mang tiềm năng là tiền đề cho sự thay đổi lớn lao. Nó có thể khiến một người nhút nhát trở nên tự tin hơn hay những người lạc lối tìm thấy mục đích sống.
Belinda Kirk, nhà thám hiểm danh tiếng thế giới từng nói đại ý rằng, phiêu lưu không phải thứ gì quá xa xỉ, nó gắn với con người một cách đầy tự nhiên. Bạn không cần phải nghỉ việc hay đạp xe vòng quanh thế giới để có một chuyến phiêu lưu tuyệt vời. Và đúng như vậy, những hiểu lầm về định nghĩa phiêu lưu đẩy đã vô hình chung thu hẹp phạm vi khám phá bản thân. Tin vui là không bao giờ quá muộn để chúng ta đánh thức những nhà thám hiểm trong mình.
Khuấy động các giác quan
Nhà tâm lý học người Anh Audrey Tang từng viết trong cuốn “The Leader’s Guide To Resilience” rằng cảm giác bình yên xuất phát từ chính phản ứng căng thẳng sợ hãi của cơ thể, khi chúng ta làm điều gì đó thử thách:
“Sau một trải nghiệm khiến cơ thể bạn đã vượt qua phản ứng căng thẳng, endorphin sẽ được giải phóng. Đây là chất giảm đau tự nhiên của cơ thể, mang lại cho chúng ta cảm giác vui vẻ nhẹ nhõm. Vì thế, không chỉ sự phấn khích mang đến cho chúng ta niềm vui, chính cảm giác thở phào với suy nghĩ “chúng ta đã làm được điều đó!” cũng đẩy hormone hạnh phúc lên. Vì thế, việc kích thích não bộ bằng những cuộc phiêu lưu có thể là một cách tuyệt vời để tăng cường sức khỏe tinh thần.”
Vượt qua sự sợ hãi quả thực có thể mang đến cảm giác thỏa mãn bạn hiếm có thể trải qua trong cuộc sống phẳng lặng bình thường. Nhiều nhà tâm lý học nhận định những nỗi sợ chúng ta có chưa chắc đã là nỗi sợ thực sự, bởi bản chất con người chỉ sợ hãi những gì chúng ta không biết hay không hiểu. Vì thế, đi vào vùng “nguy hiểm” của não bộ cũng chẳng khác gì việc khám phá xem liệu bạn thực sự có nỗi sợ đó hay không.
Nếu đã sẵn sàng cho thử thách phiêu lưu nào đó, hãy đảm bảo bạn có đủ sự khích lệ từ bản thân và những người xung quanh. Cuộc phiêu lưu của bạn sau đó có thể diễn ra dưới nhiều hình thức và không nhất thiết phải là hoạt động thể chất, miễn là nó mang lại những thách thức nhất định. Dù là leo núi một mình hay nhảy dù, dù mua tấm vé máy bay một chiều đến vùng đất mới hay lặn biển trong khi bạn không biết bơi… Tất cả đều sẽ là con đường đưa bạn đến chuyến hành trình “vĩ đại” - hành trình của thử thách, khám phá và niềm hạnh phúc cuối cùng.
>> 4 việc cần làm trước khi xách vali đến Paris du lịch dịp Olympics 2024 >> Một số lưu ý khi làm thủ tục tại sân bay 2024